Top 500 DN Việt: Lợi nhuận 3.790 tỷ vẫn phải đứng dưới 16 tỷ

Gia Bảo |

Công ty Cổ phần báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Dẫn đầu danh sách là Vinamilk, tiếp theo là Tập đoàn Vàng bạc đá quý DoJi và FPT. Sau đó là VinGroup, Hòa Phát, Trường Hải…

Được biết, tiêu chí để Vietnam Report lựa chọn các doanh nghiệp tư nhân là những doanh nghiệp có vốn sở hữu tư nhân lớn hơn hoặc bằng 51%.

Có thể thấy, tiêu chí trên hoàn toàn đúng với các quy định hiện hành của nhà nước.

Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc: VinGroup với lợi nhuận cực lớn (kết thúc năm 2014, lợi nhuận sau thuế đạt 3.790 tỷ đồng) nhưng lại xếp ở vị trí thứ 3, như vậy có hợp lý không?

Trong khi, công ty vàng bạc đá quý DoJi năm 2014 tuy có doanh thu lớn 1,6 tỷ đô nhưng lợi nhuận chỉ được 16 tỷ đồng lại xếp thứ 2.

Điều này đã gây ra nhiều tranh cãi trong không chỉ giới chuyên môn.

Cần công khai tiêu chí bình chọn

Khi được hỏi về bảng xếp hạng này, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói: “Họ xếp hạng theo doanh số, hiệu quả, lãi hay nộp thuế là chủ yếu”.

Theo ông Kiêm, thông thường đơn vị xếp hạng phải công khai tiêu chí và các tiêu chí đó phải được các cơ quan có thẩm quyền thừa nhận.

Nếu không công khai thì “không giải quyết được vấn đề gì, ý nghĩa cũng có, nhưng sẽ bị giảm đi nhiều”.

Hơn nữa, nhiều người chưa biết tới tiêu chí xếp hạng cụ thể của Vietnam Report.

"Các tiêu chí bình chọn có thể phản ánh được một mặt nào đó, nhưng nếu không có tính pháp lý làm cho người nghe, dư luận không phục", ông Kiêm cho hay.

Trong danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam: Dẫn đầu là Vinamilk, tiếp theo là Tập đoàn Vàng bạc đá quý DoJi và FPT.
Trong danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam: Dẫn đầu là Vinamilk, tiếp theo là Tập đoàn Vàng bạc đá quý DoJi và FPT.

“Có nhiều tiêu chí và người ta “nặng” động viên phần nào thì người ta chú ý làm phần đó nổi trội hơn. Do đó nó không được thống nhất cao. Chắc chắn điều này sẽ gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp”, ông Kiêm nói thêm.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết, có nhiều cách sắp xếp doanh nghiệp: theo doanh thu, lợi nhuận hoặc quy mô….

Và đơn vị xếp hạng phải công khai tiêu chí cụ thể thì mới có thể bình luận được.

“Với tiêu chí A, doanh nghiệp này có thể đứng thứ nhất, nhưng với tiêu chí B họ có thể đứng thứ 10”, bà Tuệ Anh nói.

So vàng với bất động sản để nói DOJI mạnh hơn VinGroup?

Trao đổi với phóng viên về bảng xếp hạng này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, phải xem khai báo tài chính của từng công ty và tiêu chí của đơn vị xếp hạng thì mới có căn cứ để nói họ xếp hạng thế nào.

Lướt qua top đầu bảng xếp hạng thấy “ông lớn” VinGroup bị xếp sau Tập đoàn Vàng bạc đá quý DoJi và FPT, ông Phong nhận định:

“Về mặt chủ quan tôi cho rằng VinGroup mạnh về bất động sản mà bất động sản rất khó tính trong khi các công ty như vàng DoJi có thể cụ thể hóa tổng giá trị và giá trị ít thay đổi.

Với bất động sản còn phải xem họ tính theo giá nào nữa. Nếu theo giá cũ thì rất cao, nhưng tính theo giá mới thì chưa biết thế nào”.

Trong khi đó, một chuyên gia kinh tế từng giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khoa học Kinh tế Việt Nam (xin được giấu tên) phân tích, nhiều khi doanh nghiệp sản lượng nhiều, nhưng doanh số lại thấp, số thuế nộp cho nhà nước không cao.

Doanh nghiệp lớn về danh nghĩa đôi khi có doanh thu, lợi nhuận “khủng”, nhưng đóng góp xã hội có khi không tích cực bằng những doanh nghiệp nhỏ.

Chẳng hạn, doanh nghiệp về thóc gạo mỗi năm xuất khẩu được khoảng 7 triệu tấn, nhưng chỉ thu về được có 3 tỷ USD trong khi chỉ một ít sản phẩm công nghệ cao đã thu về vài chục tỷ USD.

Nếu lấy các con số trên ra so sánh với nhau thì sẽ rất khập khiễng dù trên thực tế, nhiều khi mấy chục tỷ USD đó chẳng mang lại gì nhiều cho Việt Nam bởi chúng ta chỉ được hưởng 10 – 20% là cùng.

Việc gộp 500 doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực vào một bảng so sánh, vị này cho rằng như thế chẳng khác nào so cân nặng của ca sĩ, diễn viên với vận động viên cử tạ, sumo...

Từ những lập luận trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng những bảng xếp hạng như trên chỉ có ý nghĩa phân loại tương đối và chỉ có tính chất tham khảo còn tiêu chí là câu chuyện phải xem xét thêm, không nên tuyệt đối hóa.

Top 500 doanh nghiệp: Cần đưa ra các tiêu chí cho từng loại hình doanh nghiệp

Khi được hỏi, các chuyên gia kinh tế hầu hết đều khẳng định, muốn so sánh cần tùy loại hình doanh nghiệp để đưa ra tiêu chí.

Thay vì chỉ dựa vào doanh số, việc nộp ngân sách để cho điểm, đơn vị đánh giá cần bổ sung các tiêu chí như giá trị sản lượng, hiệu quả trên một đồng vốn, tài sản, năng suất lao động… Từ đó cho điểm và thống nhất bảng xếp hạng.

Quan trọng nhất vẫn là hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Hơn nữa, đừng quá mải mê so sánh chỉ doanh nghiệp Việt với nhau mà cần xét đến các tiêu chí mang tính toàn cầu.


500 doanh nghiệp tư nhân được đưa ra so sánh hoạt động ở những lĩnh vực khác nhau nên xếp hạng khó chuẩn xác!

500 doanh nghiệp tư nhân được đưa ra so sánh hoạt động ở những lĩnh vực khác nhau nên xếp hạng khó chuẩn xác!

Một chuyên gia kinh tế kì cựu, từng công tác tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, nhiều khi doanh nghiệp nhỏ trong điều kiện khó khăn mà làm tốt thì cũng là những “anh hùng” không kém gì những doanh nghiệp lớn.

Doanh nghiệp lớn về danh nghĩa đôi khi có doanh thu, lợi nhuận “khủng”, nhưng đóng góp xã hội có khi không tích cực bằng những người tự lập phát triển trên thị trường.

Bởi vậy, theo ý kiến của các chuyên gia: "500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam” có thể xem là một sự tiến bộ trong cách đánh giá, phân loại.

Nhưng thiết nghĩ, Vietnam Report cũng cần tiếp tục cải tiến, hoàn thiện hơn về các tiêu chí để thước đo này giúp các doanh nghiệp Việt hội nhập quốc tế".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại