Toàn cảnh chương trình GLTT: Tư vấn "nóng" trước kỳ thi CĐ, ĐH 2013

BBT |

(Soha.vn) - Làm thế nào để bài thi đạt điểm cao, trình bày như thế nào cho khoa học và dễ ‘ăn điểm’? Trước khi vào phòng thi, sĩ tử cần làm gì để giữ bình tĩnh và có tinh thần tốt nhất? Kinh nghiệm ‘xương máu’ các thủ khoa đại học khi làm bài là như thế nào?

LTS: Chương trình giao lưu trực tuyến Chuyên gia nổi tiếng và thủ khoa tư vấn "nóng" trước kỳ thi CĐ, ĐH 2013 đã thành công tốt đẹp với sự tham gia nhiệt tình của các thí sinh, phụ huynh và các khách mời.

Độc giả còn câu hỏi với chương trình mà các khách mời chưa kịp trả lời, xin vui lòng gửi về banthoisu@soha.vn.

Chúc các bạn thi tốt!

Toàn cảnh chương trình GLTT: Tư vấn
Toàn cảnh chương trình giao lưu trực tuyến

Tuấn Nam - Nam 17 tuổi

Đối với một bài toán tính tích phân mà em không tìm ra cách giải “thông thường” thì em phải làm thế nào?

Tiến sĩ Lê Thống Nhất:

Đối với một bài tính tích phân mà bạn giải theo các cách thông thường không được thì có một “lối thoát” cuối cùng cho bạn là dùng phép đổi biến t = a + b – x. Rất nhiều bài tính tích phân được coi là khó đã trở nên đơn giản khi dùng phép đổi biến này. Chẳng hạn:

Toàn cảnh chương trình GLTT: Tư vấn
 

Đỗ Quang Việt - Nam 19 tuổi

Thưa thầy Lê Thống Nhất, một bài toàn thường có rất nhiều cách làm. Vậy nếu như khi làm xong em có nên làm thêm những cách khác nữa vào bài hay không? Nếu trong trường hợp làm 2 cách mà lại ra 2 kết quả khác nhau mà em không đủ thời gian tìm ra lỗi sai thì em sẽ làm thế nào? Sẽ giữ nguyên hay xóa 1 cách đi? Nếu thầy là người chấm thi, liệu thầy có giúp học sinh bằng cách chấm bài đúng không ạ?

Tiến sĩ Lê Thống Nhất:

Nếu bạn đã có một cách giải thì nên kiểm tra cách giải này và chỉ trình bày một cách giải. Nếu bạn giải hai cách mà kết quả khác nhau thì bạn không nên trình bày hai cách giải này liền nhau mà nên trình bày vào hai mặt giấy khác nhau để cán bộ chấm thi có thể cho điểm cách giải đúng và không cho điểm cách giải sai.

Nếu hai cách giải có cùng kết quả thì bạn chỉ trình bày cả hai cách trong trường hợp bạn còn thừa thời gian mà không biết làm gì nữa.


Đỗ Quang Việt - Nam 19 tuổi

Thưa thầy Lê Thống Nhất, thầy cô giáo em hay dặn khi đi thi thì câu nào dễ làm trước, câu khó làm sau. Tuy nhiên, nếu như chuyển sang làm bài khác thì hay bị đứt ý, mình sẽ quên một vài những chi tiết quan trọng trong bài. VD khi làm các câu a, b, c rồi thì làm tiếp câu d sẽ thuận lợi hơn không khi mình làm luôn câu d trước rồi mới chuyển các câu khác? Thêm nữa, khi chuyển sang câu khác thì trong đầu em luôn nghĩ đến câu d chưa giải trước đó. Nó dẫn đến tình trạng không tập trung làm bài được ạ.

Tiến sĩ Lê Thống Nhất:

Về nguyên tắc: Câu nào bạn thấy rõ đường lối giải thì làm ngay. Một câu có thể dễ với người này mà không dễ với người khác. Không nhất thiết làm theo thứ tự của đề thi mà câu nào chưa làm được sẽ giải quyết sau. 

Nếu bạn làm được các câu a, b, c thì bạn có thể viết câu d: trình bày ở phía sau để cán bộ chấm thi dễ theo dõi.

Có những bài toán mà câu sau dùng kết quả câu trước, nhưng câu trước bạn chưa chứng minh được thì bạn có thể tạm thời công nhận (chứng minh ở phần sau) để làm câu sau. Khi đó người chấm có thể nghĩ rằng vì thiếu thời gian nên bạn không kịp viết phần chứng minh câu trước và bạn dễ có khả năng được điểm tối đa câu sau.

Câu không làm được bạn không được vương vấn trong đầu, thậm chí sau khi đọc đề bài có những câu bạn không bao giờ được nghĩ đến để ảnh hưởng tới tâm lý giải quyết các câu còn lại.


Trịnh Thị Phương Thảo - Nữ 18 tuổi

Do kiến thức môn toán của em không được vững nên mỗi lầm làm bài kiểm tra em thường rất hay tâm lí dẫn đến việc làm sai và nhầm ngay cả những phép tính đơn giản nhất, đầu óc tự nhiên trống rỗng. Em muốn hỏi các thầy cô và các anh chị cách để giữ đc một tâm thế vững vàng khi đi thi bởi em thấy những cảm xúc của bản thân là quá lớn khiến em không thể bình tĩnh trong suốt thời gian ôn thi.

SV Nguyễn Ngọc Thiện – Thủ khoa khối A năm 2012, trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội:

- Củng cố kiến thức trước ngày thi.

- Sát ngày thi không nên ép bản thân phải lĩnh hội quá nhiều kiến thức, như vậy dễ gây sức ép, cần có sự cân bằng giữa việc học tập và giữ gìn sức khỏe.

- Khi vào phòng thi: hít thở sâu, khi cảm giác căng thẳng nên thư giãn một chút, bằng cách mát xa mắt, xoa bóp thái dương, hoặc vẽ vời một chút xíu.

- Tuân thủ đúng chiến thuật làm từ dễ đến khó.

- Không nên mất thời gian quá nhiều cho một câu hỏi nào đó.

- Nên làm cẩn thận từng ý nhỏ, tránh để sai sót đáng tiếc.


Nguyễn Minh Tiến - Nam 18 tuổi

Dạ cho em hỏi làm sao nắm rõ nội dung chính trong 1 câu hỏi trắc nghiệm để làm bài (ví dụ như môn Hoá)?

SV Nguyễn Ngọc Thiện – Thủ khoa khối A năm 2012, trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội:

Thứ nhất: Xem đề yêu cầu xác định vấn đề gì? Đôi khi vừa đọc đề nhiều sĩ tử lao vào bấm máy tính mà không biết đề yêu cầu cái gì? dẫn đến tính thừa, mất thời gian.

Thứ 2: Làm rõ những vấn đề mà đề bài cố ý cho lắt léo, bắt học sinh phải làm rõ, ví dụ: Nếu để bài cho chất có phản ứng tráng bạc thì có nghĩa là nó có gốc Andehit - CHO.

Thứ 3: Để tìm ra đáp án cần giải quyết những vấn đề gì? Thường thì không cho ngay mà được suy từ những giả thiết.

Xác định được những vấn đề nêu trên, nghĩa là mình đã hiểu trọng tâm đề ra và việc tìm ra đáp án sẽ không còn khó khăn nữa.


Toàn cảnh chương trình GLTT: Tư vấn
SV Đặng Vũ Thùy Linh – Thủ khoa khối D năm 2012, ĐH Luật Hà Nội

Nguyễn Bích Hảo - Nữ 18 tuổi

Em xin hỏi: Khi đi thi thì nên làm thế nào với môn toán nếu mình cảm thấy mất bình tĩnh? Làm Lý, Hóa nên làm thế nào để dễ dàng làm được nhanh mà không sai? Khi mới làm mà vấp ngay vào câu khó thi nên làm thế nào để bình tĩnh lại. Để máy tĩnh ở đâu thì thuận lợi nhất?

SV Nguyễn Ngọc Thiện – Thủ khoa khối A năm 2012, trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội:

- Trong lúc thi, nếu bị mất bình tĩnh, anh thường nhắm mắt lại, lấy tay "mát xa" nhẹ nhàng cho đôi mắt của mình. Làm như vậy giúp cho mắt và đầu óc được thư giãn (hai cơ quan phải hoạt động vất vả nhất trong khi thi), và chỉ cần thư giãn một chút thôi, em cũng sẽ cảm thấy sảng khoải và minh mẫn hơn rất nhiều, sẵn sàng cho những bài toán tiếp theo.

- Đối với môn Toán, không thể tránh khỏi có những lúc em nghĩ mãi mà không ra cách giải một bài nào đó. Những lúc như vậy, em nên chuyển sang nghĩ câu khác, vì trí óc mình đã đi vào lối mòn với cách giải cũ, nên rất khó có thể nghĩ ngay ra cách giải mới. Em chỉ nên dành ra khoảng 15 phút để suy nghĩ cho mỗi bài. Bên cạnh đó, nên làm theo thứ tự từ dễ đến khó.

- Còn đối với Lý và Hóa, nguyên tắc vẫn là "dễ làm trước, khó làm sau". Chiến thuật của anh là chia quá trình làm bài thành nhiều vòng. 

Vòng 1: đọc lướt qua đề, giải quyết ngay những câu mà mình biết hoặc dễ dàng làm được (thường là những câu lý thuyết và các câu tính toán dễ). 

Làm như vậy giúp em không bỏ lỡ những câu dễ, trí óc quen dần với quá trình suy nghĩ (không bị ngợp bởi vấn đề khó ngay), đồng thời làm em tự tin hơn vì đã tích lũy được một số điểm nhất định và chắc chắn không bị tiếc nuối vì bỏ lỡ những câu dễ. 

Vòng 2: quay trở lại những câu chưa làm được, lúc này trí óc đã quen với việc suy nghĩ, em có thể tập trung suy nghĩ lâu hơn đối với các câu này. Tuy nhiên cũng không nên suy nghĩ quá lâu ở một câu nào đó, vì thời gian làm bài rất ngắn.

Gặp câu khó, nghĩ 2-3 phút mà không ra, em vẫn có thể bỏ qua, vì em vẫn còn vòng 3. 

Vòng 3 thường là lúc giải quyết lại những bài còn tồn đọng lại, cũng là những bài hóc búa nhất mà vòng 2 mình chưa nghĩ ra được. 

Số lượng bài ở vòng 3 này thường không nhiều, và một số bài đôi khi không quá khó mà đơn giản chỉ là em bị lừa thôi. Đó là kinh nghiệm làm bài thi trắc nghiệm của anh.

- Gặp câu khó thì anh đã nói ở trên rồi nhé, không cần suy nghĩ quá lâu, hãy chuyển sang câu khác.

- Về vấn đề để máy tính ở đâu, câu hỏi này rất hay. Em có bấm máy được bằng tay trái không? Nếu có thì tốt nhất là tay phải phụ trách bút, tay trái máy tính; tay trái bấm, tay phải ghi kết quả. Như vậy là nhanh nhất.

Còn nếu em chỉ bấm nhanh được bằng tay phải, không sao, em vẫn tính nhanh được bình thường. Quan trọng là em phải ghi các công thức cần bấm ra trước, để có thể bấm chính xác, tính chính xác. Như vậy thì sự khác biệt giữa hai cách trên cũng không nhiều đâu.

Và nhớ để máy tính đè lên tờ nháp nhé (cái này do khi thi nhiều khi quạt mạnh bay giấy nháp, ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình thi cử), và chỉ nên dùng bút chì để vừa nháp vừa khoanh đáp án thôi nhé.

Chúc em thi tốt!


Trịnh Văn Mão - Nam 18 tuổi

Em sợ nhất là nhầm dấu khi giải bài. Anh có thể chia sẻ bí quyết để không bị tính toán nhầm khi làm bài thi môn Toán được không ạ?

SV Nguyễn Ngọc Thiện – Thủ khoa khối A năm 2012, trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội:

Đề toán có rất nhiều biến đổi, việc mất điểm do biến đổi chứ không phải do phương pháp khiến chúng ta rất tiếc nuối, vì vậy anh luôn đề cao tính cẩn thận khi làm bài. Theo anh để tránh nhầm lẫn nói chung và nhầm dấu nói riêng, chúng ta nên:

- Biến đổi ra nháp trước, sau đó mới trình bày vào vở: Biến đổi nháp là quá trình tìm ra cách giải cũng như dự kiến cách trình bày.

Nếu cẩn thận em có thể trình bày qua ra nháp trước, không thì có thể trình bày các bước giải. Sau khi biến đổi xong bài nào thì trình bày luôn vào bài thi bài đó. Quá trình trình bày lại vào bài thi thì em nên tự biến đổi lại trên cơ sở đã nháp.

Như vậy nghĩa là một lần nữa em đã rà soát lại quá trình biến đổi của mình, tránh trường hợp biến đổi nháp sai rồi lại chép nguyên nháp vào bài thi của mình.

- Không nên làm quá tắt: Làm tắt nghĩa là em đã bỏ qua những biến đổi được coi là đơn giản, tuy nhiên lại rất dễ bị nhầm. Trình bày rõ ràng không làm mất thêm nhiều thời gian của em, vì nó làm giảm thời gian kiểm tra lại. Bên cạnh đó giám khảo rất thích những bài trình bày cụ thể và rõ ràng.

- Phải thử lại: Nếu em biến đổi sai thì xác suất cao là kết quả của em sẽ không đúng, vì thế việc thử lại là cách giúp em kiểm chứng xem quá trình biến đổi đã đúng hay chưa.

- Cuối giờ, dành ra khoảng 15 phút kiểm tra tổng thể các bài đã làm được. Đây sẽ là quá trình kiểm tra lần cuối những gì em đã làm được. Nếu còn nhiều thời gian thì em có thể xem xét đến từng biến đổi, còn nếu còn ít, em có thể chỉ thử lại đáp án, kiểm tra lại những câu còn nghi ngờ (những câu đáp án ra xấu chẳng hạn). Như vậy, anh tin là sẽ có một bài thi chắc chắn và thực sự sẽ đạt được số điểm đúng với sức mình

Chúc em thi tốt và đạt được kết quả cao!


Phương Nam - Nam 18 tuổi

Thầy có thể chia sẻ kinh nghiệm tránh tối đa sai sót khi làm bài môn Toán?

Tiến sĩ Lê Thống Nhất:

Những sai sót khi làm môn Toán thường do các nguyên nhân: Tính toán cẩu thả, lập luận thiếu căn cứ, làm tắt, viết tắt, tâm lý không ổn định.

Nhiều bạn nghĩ rằng với mỗi câu trong đề toán cần cẩn thận làm ra giấy nháp rồi mới chép vào bài làm. Vì làm ra giấy nháp nên độ cẩu thả tăng lên và sai lầm dễ xảy ra.

Thông thường, với những gì các bạn viết ra ít khi bạn có thể tự nhìn ra sai lầm ngay trong phòng thi mà nhiều khi sau khi thi xong bạn mới biết. Từ đó bạn sẽ chép lời giải sai vào bài làm. Vừa mất gấp đôi thời gian làm bài vừa dễ sai lầm.

Thậm chí, ở giấy nháp là lời giải đúng nhưng khi chép vào bài làm lại chép nhầm lẫn nên lời giải sai.

Bởi vậy, lời khuyên với các bạn: Đối với các câu mà đường lối giải đã có thì bạn thực hiện đường lối này vào ngay bài làm là tốt nhất.

Nhiều bạn khi hết giờ thi mà trên giấy nháp vẫn có những lời giải chưa kịp chép vào giấy làm bài. Kinh nghiệm này sẽ đảm bảo việc tận dụng hiệu quả thời gian 180 phút làm bài thi.

Nguyên tắc chỉ sử dụng giấy nháp khi phải tìm đường lối giải hoặc thực hiện các phép tính phức tạp.


Phan Minh Anh - Nam 18 tuổi

Bạn có thể chia sẻ bí quyết để vượt qua kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2012 một các xuất sắc như vậy? Bạn có bị áp lực gì từ phía gia đình hay không?

SV Đặng Vũ Thùy Linh – Thủ khoa khối D năm 2012, ĐH Luật Hà Nội:

Nếu nói là bí quyết thì thực chất mình không có bí quyết riêng nào cả. Mình chỉ cố gắng hết sức và tin vào chính bản thân mình thôi, vì mình luôn cho rằng chỉ khi mình thực sự nỗ lực và phấn đấu thì nhất định thành công sẽ đến. 

Bố mẹ mình không bao giờ đặt nặng áp lực thi cử cho mình. Gia đình luôn động viên và sát cánh để mình có tâm lý thoải mái nhất, tự tin nhất cho kỳ thi quan trọng này.


Trần Phan Ngọc - Nữ 18 tuổi

Trước hôm đi thi chị đã làm gì để không bị căng thẳng và đảm bảo sức khỏe, tinh thần tốt cho ngày

SV Đặng Vũ Thùy Linh – Thủ khoa khối D năm 2012, ĐH Luật Hà Nội:

Trước ngày thi, mình không học quá nhiều, chủ yếu chỉ xem qua lại những phần quan trọng và dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi. 

Theo mình không nên học vào buổi tối trước khi thi, vì như thế tâm lý sẽ càng lo lắng và căng thẳng hơn. 

Tốt nhất là nên thư giãn đầu óc, chuẩn bị tâm lý thoải mái và đi ngủ sớm, sẵn sàng cho buổi thi vào sáng hôm sau.


Hà Trọng Nghĩa - Nam 18 tuổi

Chị có tin vào may mắn trong khi thi trắc nghiệm môn Tiếng Anh không ạ? Nếu gặp phải câu hỏi mà chị không biết câu trả lời thì chị sẽ xử lý như thế nào ạ?

SV Đặng Vũ Thùy Linh - Thủ khoa khối D năm 2012, ĐH Luật Hà Nội:

Theo mình, vấn đề may mắn trong khi thi trắc nghiệm chỉ chiếm khoảng 5% thôi. Nếu không hoàn toàn tin vào may mắn thì cũng không đúng. 

Khi làm bài thi, những câu nào mình không chắc chắn hoặc chưa nghĩ ra phương án trả lời, mình sẽ đánh dấu và quay lại sau khi đã làm xong những câu khác. Mình cực kỳ hạn chế việc "nhắm mắt khoanh bừa". 

Đối với các câu khó, bạn hãy đọc thật kỹ câu hỏi là nghiên cứu các phương án, chúng đều có mối liên hệ với nhau. Nếu không, hãy thử đoán nghĩa và dựa vào ngữ cảnh để chọn đáp án.


Phan Uy Vũ - Nữ 18 tuổi

Xin chào chị Thùy Linh, năm nay em thi khối D của Học viện báo chí và Tuyên Truyền nhưng em khá yếu môn Toán, em có nên làm bài thi theo kiểu câu dễ làm trước, câu khó làm sau được không ạ?

SV Đặng Vũ Thùy Linh – Thủ khoa khối D năm 2012, ĐH Luật Hà Nội:

Đối với bất cứ môn thi nào, bạn nên đọc qua đề bài một lượt để xác định lượng kiến thức của mỗi câu. Sau đó, bạn nên phân định thời gian, làm những câu dễ trước và những câu khó để lại làm sau. 

Những câu nào có thể làm được bạn nên làm một cách cẩn thận, không nên chủ quan, tránh mất điểm vô ích.

Đây được coi là chiến lược làm bài khôn ngoan và hợp lý. 

Với những câu hỏi khó, khi bạn nghĩ và có khả năng làm được đến đâu thì bạn cũng nên làm vào bài thi. "Tích tiểu thành đại", nhiều câu nhỏ cũng sẽ giúp bạn có được một số điểm lớn.


Anh Minh - Nam 18 tuổi

Anh ơi, em rất sợ môn hoá và em ôn không được nhiều. Trong phần hữu cơ, em thấy dạng bài về tính hiệu suất phản ứng rất hay bị nhầm. Em hay mất điểm ở câu dạng như thế này. Anh có thể chia sẻ với chúng em một chút về kinh nghiệm làm dạng bài này?

SV Nguyễn Ngọc Thiện - Thủ khoa khối A năm 2012, trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội:

- Đề thi môn Hóa luôn được đánh giá là khó vì nhiều bài phải vận dụng kiến thức của nhiều chương mới làm được. Anh chỉ khuyên em là hãy nắm vững lý thuyết để hiểu được bản chất của bài toán và một số phương pháp giải cơ bản để giải được các bài toán đó.

Nhiều bài tập thực sự không khó, chỉ là đánh lừa với những người chưa vững lý thuyết hoặc làm ẩu. Bên cạnh đó việc phân tích đúng hiện tượng cũng là điều quan trọng để có hướng giải đúng.

Trong khi làm bài, đừng dành thời gian quá lâu ở một bài nào đó mà hãy phân bổ thời gian hợp lý cho từng câu để có thể làm trọn vẹn đề. Yên tâm là xen kẽ giữa những câu hóc búa, sẽ có rất nhiều câu em có thể làm được, và đừng bỏ lỡ chúng.

- Bài toán tính hiệu suất có rất nhiều loại, anh không rõ em hỏi loại nào. Nhưng theo anh thì có 2 dạng chính, 1 là tìm hiệu suất, 2 là tìm lượng chất sản phẩm hoặc chất phản ứng. Dù ở dạng nào thì em cũng cần phải hiểu bản chất của các phản ứng và viết đúng phương trình phản ứng.

Nếu là 1 chuỗi các phản ứng thì cần biết tỉ lệ chất phản ứng và chất sản phẩm. Còn nếu là bài toán về hiệu suất thì, thông thường có thể đặt hiệu suất là ẩn và giải theo phương pháp đại số. Đó là một số lưu ý và cách tính và anh hi vọng là em sẽ tự tin hơn khi gặp dạng bài này.

Chúc em thi tốt!


Hoàng Hà Nhiên - Nam 18 tuổi

Trước ngày thi anh có lo lắng hồi hộp không? Em lo lắm vì cảm giác chưa ôn được nhiều, sợ thiếu chỗ này, sót chỗ kia. Làm sao để bình tĩnh vào phòng thi được anh? Và khi anh làm bài, bí quyết để đạt điểm cao là gì ạ?

SV Nguyễn Ngọc Thiện – Thủ khoa khối A năm 2012, trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội:

- Là người sắp phải đối mặt với kì thi quan trọng, tất nhiên ai cũng hồi hộp cả.

- Khoảng 2 tuần trước khi thi thì anh có làm nhẹ một số đề thi thử đại học hoặc làm lại các đề năm trước để thấy được phần nào thiếu sót còn kịp thời bổ sung, thường thì lúc đó kiến thức cần bổ sung không còn nhiều và chúng ta có thể lĩnh hội thêm được.

Còn nếu chỉ còn vài ngày đến ngày thi, anh khuyên em nên nghỉ ngơi và thư giãn, đảm bảo tình trạng sức khỏe tốt nhất, vì ôn lúc này rất dễ khiến kiến thức chung bị loạn, nhớ được phần này có khi lại quên mất phần kia. Hãy tự tin với những gì mình đã có.

- Vào phòng thi em nên hít thở sâu, đừng nên ngồi 1 mình mà hãy tìm cho mình những người bạn để trò chuyện cùng. Điều đó làm cho em thoải mái, đỡ căng thẳng cũng như không bị sức ép của cảm giác chờ đợi.

- Nói bí quyết nào để đạt điểm cao thì chắc là khó nói hết, nhưng anh chỉ khuyên em là hãy làm bài 1 cách thật chắc chắn, làm tới đâu đúng tới đó, tất nhiên là dễ làm trước và khó làm sau. Tùy theo mục tiêu mà mình đề ra mà cố gắng hết sức để đạt được nó nhé.

Và cuối cùng là hãy tự tin vào chính mình, vì nếu mình đặt mục tiêu phù hợp với sức mình rồi, thì chỉ cần là chính mình là sẽ đạt được mục tiêu thôi, phải không?

Toàn cảnh chương trình GLTT: Tư vấn
Thủ khoa khối A năm 2012, trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội Nguyễn Ngọc Thiện đang trả lời câu hỏi của độc giả Soha

Trần Ngọc - Nữ 20 tuổi

Cô ơi, với bài thi môn Văn nếu thuộc nhiều dẫn chứng nhất là những câu nói kinh điển thì sẽ được đánh giá cao đúng không ạ? Em cảm ơn cô nhiều!

Tiến sĩ ngữ văn Trịnh Thu Tuyết:

Trần Ngọc thân mến! Một bài văn được đánh giá cao là bài văn thể hiện sự hiểu biết, kiến thức phong phú và năng lực phân tích, diễn đạt vấn đề của thí sinh. 

Khi em thuộc nhiều dẫn chứng và các câu nói mang tính kinh điển, đó là một biểu hiện của hiểu biết phong phú, tuy nhiên những dẫn chứng và câu nói ấy phải phù hợp với vấn đề trong đề bài thì mới thể hiện năng lực phân tích, nhận thức của em và lúc đó bài văn của em mới được đánh giá cao.


Lê Hoài Phương - Nữ 19 tuổi

Em học chắc em muốn thi đỗ nhưng tâm lí phòng thi của em hay lo lắng, vậy em nên làm thế nào ạ? Em thi thử đại học được 18,5 điểm, em có thể làm tốt hơn nữa nhưng do em run quá mà em muốn thi vào trường 20,5 vậy em có nên thi ko (em thi đh lần 2). Mong cho em 1 lời khuyên, em cảm ơn.

SV Đặng Vũ Thùy Linh - Thủ khoa khối D năm 2012, ĐH Luật Hà Nội:

Trong đợt thi thử đại học ở trường cấp 3 của tôi, tôi cũng chỉ đạt 18 điểm. Lúc đó tôi có cảm giác khá lo lắng, sốt ruột vì thời gian không còn nhiều. Nhưng sau đó tôi đã rút ra một điều quan trọng rằng: "bản lĩnh phòng thi" đã giúp tôi rất nhiều trong kỳ thi chính thức. 

Trước ngày thi đại học, bạn không nên học quá nhiều mà giành nhiều thời gian nghỉ ngơi, giữ cho tinh thần thoải mái. Buổi sáng, bạn nên đến phòng thi sớm một chút và tranh thủ thời gian đi dạo một vòng quanh sân trường. Như vậy bạn vừa thư thái đầu óc lại có thể có một tinh thần tốt nhất trước khi bước vào kỳ thi căng thẳng này.

Khi vào phòng thi, cố gắng giữ bình tĩnh, hít thở sâu trước khi đọc đề. Đọc lần lượt từng câu trong đề bài, dành thời gian định hướng làm bài trước khi đặt bút viết. Nếu bạn giữ được một tinh thần vững, bạn sẽ dễ dàng nhớ lại những kiến thức mình đã học và sẽ hoàn thành tốt bài thi của mình.

Tôi tin rằng, nếu bạn không quá lo lắng thì chắc chắn bạn hoàn toàn có đủ khả năng vượt qua kỳ thi này một cách dễ dàng. Chúc bạn sẽ đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tời.


Lại Thị Dạ Quỳnh - Nữ 18 tuổi

Thưa thầy, em có nên làm trước bài vào đề thi rồi mới chọn đáp án trong giấy trả lời trắc nghiệm không ạ? Nếu chọn sai đáp án mà tẩy đi chọn lại có sợ làm bẩn phiếu trả lời, không được chấm điểm câu đó không ạ?

Thạc sỹ Nguyễn Văn Kỷ - Trưởng bộ môn Thực hành tiếng khoa Tiếng Anh, Trường Đại Học Hà Nội:

Theo mình thì em không nên làm như vậy vì sẽ mất thêm thời gian một cách không cần thiết và dễ bị luống cuống khi gần hết giờ. 

Hãy đọc kĩ câu hỏi và trong trường hợp em đã có câu trả lời thì nên tô luôn vào phiếu trả lời trắc nghiệm. 

Nếu cần sửa đáp án thì em hoàn toàn có thể tẩy đi và tô lại, nhưng nên làm cẩn thận sao cho chỉ có một phương án được tô, nghĩa là các phương án khác phải được tẩy sạch. 

Sau khi tẩy xoá và chọn lại đáp án, nếu kiểm tra bằng mắt thường thấy chỉ có một phương án trên phiếu trả lời trắc nghiệm được tô thì em có thể hoàn toàn yên tâm là câu đó sẽ được chấm điểm bình thường. Em nên chuẩn bị bút chì và tẩy dự phòng để tránh bị động.


Bùi Sơn Tùng - Nam 18 tuổi

Thưa cô xu hướng ra đề văn khối D các năm gần đây, câu 2 điểm thường cho kiểm tra về một chi tiết văn học, vậy mình có cần quan tâm nhiều đến kiến thức giai đoạn văn học và tác giả văn học không? Câu 5 điểm có phải sẽ cho phân tích 2 tác phẩm chứ không còn đơn lẻ như trước nữa phải không ạ?

Tiến sĩ Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết:

Sơn Tùng thân mến! Những kiểu câu hỏi 2 điểm và bài văn 5 điểm theo xu hướng em nhận thấy mấy năm nay chỉ thêm vào trong cấu trúc đề thi cho đa dạng phong phú, phát huy tính tích cực và tư duy độc lập sáng tạo của học sinh chứ không hề loại trừ những kiến thức giai đoạn văn học và tác giả văn học. Vì thế em cần học bao quát các vấn đề theo hướng dẫn của thầy cô và tránh học tủ.


Nguyễn Thị Hồng Nga - Nữ 18 tuổi

Khi làm môn trắc nghiệm em nghe bạn em nói nếu đánh nhiều câu cùng 1 phương án thì sẽ bị hủy bài, điều này có đúng không ạ? Em xin chân thành cảm ơn

Thạc sỹ Nguyễn Văn Kỷ - Trưởng bộ môn Thực hành tiếng khoa Tiếng Anh, Trường Đại Học Hà Nội:

Không có quy định nào về việc hủy bài thi nếu em chọn cùng một phương án trong liên tiếp nhiều câu hỏi khác nhau. Chỉ có điều, em phải tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm một phương án duy nhất cho mỗi câu hỏi. 

Nếu có 2 phương án trở lên được tô thì riêng câu hỏi đó sẽ không được chấm điểm vì phạm quy, còn các câu trả lời hợp lệ khác vẫn được chấm điểm bình thường.


Lan Phương - Nữ 17 tuổi

Đối với đề thi môn Toán thì việc sử dụng máy tính cầm tay có tác dụng như thế nào?

Tiến sĩ Lê Thống Nhất:

Hơn 10 năm nay, các thí sinh thi khối A, khối B đã quen với việc sử dụng máy tính cầm tay trong phòng thi và Bộ GD-ĐT đã công bố danh mục các loại máy tính cầm tay được sử dụng trong phòng thi. 

Đối với kỳ thi môn Toán thì máy tính cầm tay giúp các bạn tính nhanh hơn và thông thường các bạn mới chỉ sử dụng tính năng của máy tính. Tuy nhiên, các máy tính cầm tay đã được nâng cấp rất nhiều để giải nhanh nhiều loại toán. Các bạn có thể sử dụng tính năng này để kiểm tra kết quả bài làm. 

Vừa qua hãng Casio với sự đề xuất của nhiều giáo viên toán Việt Nam đã cho ra đời dòng máy fx-570VN có thêm 36 tính năng giải toán, trong đó có cả giải hệ bất phương trình. Các bạn có thể tìm hiểu thêm các tính năng này trên website: http://bitex.com.vn.


Lê Hoài Phương - Nữ 19 tuổi

Trong bài thi môn văn em làm phần truyện ngắn , nếu em không nhớ chắc chắn trích đoạn thi em có nên cho vào ngoặc đơn ko , hay em phải làm thế nào

Tiến sĩ Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết:

Hoài Phương thân mến! Yêu cầu nhớ dẫn chứng trong cả thơ và văn xuôi đều rất quan trọng đối với việc phân tích tác phẩm. 

Tuy nhiên, nếu em không nhớ chính xác dẫn chứng thì không thể cho vào ngoặc kép, (chứ không phải ngoặc đơn đâu nhé!), và khi đó, ít nhất em cũng cần nhớ một số từ ngữ, đặt trong ngoặc kép, trích lẫn trong dòng văn phân tích của em. 

Ví dụ: "Sống lâu trong khổ, Mị quen khổ rồi", Mị đã mất đi cả sự phẫn uất và những khát khao trong bi kịch đau khổ của mình.


Minh Vân - Nữ 18 tuổi

Xin thầy chia sẻ kinh nghiệm làm bài điền từ và đọc hiểu nhanh, em cảm ơn thầy!

Thạc sỹ Nguyễn Văn Kỷ - Trưởng bộ môn Thực hành tiếng khoa Tiếng Anh, Trường Đại Học Hà Nội:

Muốn tiết kiệm thời gian khi trả lời các câu hỏi đọc hiểu, em nên đọc lướt một lượt các câu hỏi trước khi đọc phần bài khoá (passage). 

Làm như vậy là em đã có thể nắm được khái quát nội dung và bố cục của bài. Nhiều bạn mải mê đọc kỹ phần passage nên mất khá nhiều thời gian không cần thiết, bởi vì có nhiều nội dung trong bài đọc không liên quan đến các câu hỏi. 

Sau khi đọc lướt các câu hỏi rồi, em hãy quay lại đọc kĩ lần lượt từng câu và bắt đầu tìm đáp án trong bài đọc bằng cách sử dụng các từ khoá (key words) trong câu hỏi để dò trong bài đọc. 

Đặc biệt lưu ý đến những từ viết hoa (tên riêng) và con số trong câu hỏi rồi căn cứ vào đó để dò ra chỗ có đáp án trong passage. 

Khi đã xác định được phần có thông tin đáp án thì đọc kỹ riêng phần đó và tìm ra câu trả lời thoả đáng nhất. 

Lưu ý: những câu hỏi về đại ý nên để dành trả lời sau cùng (kể cả khi đó là câu hỏi đầu tiên), vì sau khi trả lời xong những câu hỏi khác, em sẽ nắm được đại ý rõ hơn.


Trương Thị Thanh Tuyền - Nữ 18 tuổi

Còn vài ngày nữa là em sẽ thi đại học nhưng không hiểu sao càng gần kề ngày thi em càng cảm thấy lo sợ và em cố gắng ôn lại kiến thức để chuận bị cho kì thi nhưng dường như phương pháp học của em chưa đúng mong các thầy cô và các anh chị tư vấn giúp em, em xin xảm ơn.

SV Đặng Vũ Thùy Linh – Thủ khoa khối D năm 2012, ĐH Luật Hà Nội:

Đây là tâm lý chung của hầu hết các bạn thí sinh trước kỳ thi đại học. Theo tôi, trong khoảng thời gian này, bạn không nên học cố gắng nhồi nhét quá nhiều kiến thức vì dù có cố gắng học nhiều nhưng khả năng ghi nhớ của bạn cũng sẽ không được như ý muốn.

Tôi nghĩ, bạn nên cố gắng tổng hợp lại những kiến thức quan trọng đã học, phân chia thời gian hợp lý giữa học tập và nghỉ ngơi. Đặc biệt, trước ngày thi, nên để tâm lý thực sự thoải mái. Học tập là cả một quá trình chứ không phải một vài ngày là bạn có thể học được tất cả những gì bạn đã học.

Những khi bạn thấy căng thẳng, bạn có thể nghe một vài bản nhạc cổ điển để thư giãn. Điều quan trọng là cần có niềm tin vào bản thân. Hi vọng với những chia sẻ này của tôi, bạn sẽ gặt hái được những thành công trên con đường sắp tới.


Phạm Ngọc Tuân - Nam 18 tuổi

Thưa thầy, trong số các dạng bài của đề thi môn Tiếng Anh, đâu là bài dễ làm, dễ kiếm điểm và nên làm trước ạ?

Thạc sỹ Nguyễn Văn Kỷ - Trưởng bộ môn Thực hành tiếng khoa Tiếng Anh, Trường Đại Học Hà Nội:

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Các dạng bài trong đề thi trắc nghiệm tiếng Anh đều được xây dựng dựa trên ma trận theo quy định của Bộ GD&ĐT. 

Ma trận này phản ánh tương đối đầy đủ các phần kiến thức đã được giảng dạy trong chương trình tiếng Anh THPT, đồng thời ở mỗi dạng câu hỏi đều có chia tỉ lệ số câu dễ, câu trung bình và câu khó.

Do đó, khó có thể nói dạng bài nào dễ làm, dễ kiếm điểm hơn. Bạn nên ôn tập đều các nội dung để có thể trả lời được tất cả các dạng câu hỏi một cách chính xác nhất. Dĩ nhiên, tuỳ theo thế mạnh của mỗi người, có thể cá nhân bạn sẽ thấy một dạng câu hỏi nào đó có vẻ dễ hơn các phần khác và ngược lại. 

Lời khuyên trong trường hợp này là: hãy đọc lần lượt các câu hỏi và trả lời luôn những câu hỏi “dễ”, sau đó sẽ quay trở lại và xử lí tiếp những câu hỏi khó hơn. Đặc biệt, bạn nên làm các bài đọc hiểu sau cùng vì đây là dạng bài đòi hỏi nhiều thời gian hơn cả.


Nguyễn Thùy Linh - Nữ 18 tuổi

Em chào thầy cô và các anh chị! Cô cho em hỏi là khi làm câu 2 điểm môn Văn thì em nên gạch đầu dòng hay viết thành một bài văn nhỏ ạ

Tiến sĩ ngữ văn Trịnh Thu Tuyết:

Thùy Linh thân mến! Câu hỏi 2 điểm yêu cầu tái hiện kiến thức về giai đoạn văn học và tác giả, tác phẩm văn học. Để bài làm rành mạch, sáng rõ logic, em cần viết theo cấu trúc 1 đoạn văn theo kiểu tổng - phân - hợp hoặc diễn dịch, tránh viết theo kiểu gạch đầu dòng tạo sự phản cảm.


Vũ Thúy Nga - Nữ 27 tuổi

Thưa thầy Kỷ, nguyên tắc quan trọng nhất khi làm đề thi tiếng Anh đại học là gì? Em hay mắc lỗi phần viết lại câu, để làm tốt phần này cần điều gì

Thạc sỹ Nguyễn Văn Kỷ - Trưởng bộ môn Thực hành tiếng khoa Tiếng Anh, Trường Đại Học Hà Nội:

Thứ nhất, thí sinh cần bình tĩnh làm bài, nghiên cứu kĩ từng phương án trả lời trước khi khẳng định đáp án cuối cùng. Nhiều khi, thí sinh sẽ chọn ngay một phương án nào đó vì “cảm giác” đó là phương án đúng, song nếu đọc kĩ các phương án còn lại thì có thể sẽ còn có phương án “đúng hơn”.

Ngoài ra, thí sinh cần đọc kĩ hướng dẫn dành cho từng thể loại câu hỏi để tránh hiểu lầm yêu cầu của đề thi (ví dụ: câu hỏi tìm từ/cụm từ đồng nghĩa sẽ khác với câu hỏi tìm từ/cụm từ trái nghĩa).

Đặc biệt, trong phần bài đọc hiểu sẽ có những câu hỏi về nội dung/thông tin/chi tiết không được đề cập hoặc không đúng với nội dung của bài đọc. Những câu hỏi dạng “ngược” này thường có từ NOT viết hoa trong phần dẫn và nếu không đọc kĩ thí sinh sẽ rất dễ rơi vào bẫy khi cố gắng dò tìm những thông tin có được đề cập hoặc đúng với nội dung của bài đọc, từ đó chọn ra một đáp án ngược lại với yêu cầu của đề bài.

Đối với phần viết lại câu, em cần đọc kĩ và hiểu rõ nội dung cũng như nắm được các yếu tố ngữ pháp của câu hỏi gốc. Khi viết lại câu cần đảm bảo nội dung và các yếu tố ngữ pháp như thì, thời, số v.v… không thay đổi.

Khi đã viết xong, cần đọc lại và phân tích từng cụm từ và mệnh đề trong câu đó xem có vướng mắc gì không. Cuối cùng, nếu còn thời gian, em nên nhẩm dịch cả câu gốc và câu viết lại sang tiếng Việt để so sánh xem ý nghĩa của hai câu đó đã giống nhau chưa.


Vũ Thúy Nga - Nữ 27 tuổi

Thưa cô Tuyết, phần nghị luận văn học, học sinh thường hay mắc lỗi gì? Và cách khắc phục như thế nào ạ?

Tiến sĩ ngữ văn Trịnh Thu Tuyết:

Thúy Nga thân mến! Một bài nghị luận văn học cần đạt được 2 yêu cầu cơ bản về kiến thức và kỹ năng. 

Về kiến thức, các em có thể hiểu sai, hoặc trình bày thiếu một giá trị nghệ thuật, nội dung của tác phẩm, đây là vấn đề em cần bổ khuyết khi hệ thống hóa lại toàn bộ các kiến thức của chương trình văn học Việt Nam hiện đại; về kỹ năng, học sinh có thể mắc lỗi ở kỹ năng quan trọng đầu tiên khi nhận định đề, sau đó là các kỹ năng phân tích, cảm thụ, diễn đạt, dùng từ đặt câu...

Khi phân tích thơ, các em có thể dừng lại ở diễn xuôi và phân tích văn xuôi thường rơi vào kể chuyện, tóm tắt ý. Đó là những lỗi thường mắc trong kỹ năng làm bài. 

Để khắc phục những lỗi này, các em cần đọc kỹ đề, xác định chính xác nội dung kiến thức, yêu cầu nghị luận đã được định hướng trong các câu chữ quan trọng của đề; lập dàn ý sơ lược, luôn bám sát các yêu cầu cơ bản về kiến thức và kỹ năng để không bị lạc đề, xa đề...

Cố gắng diễn đạt giản dị, logic và trong sáng, tránh viết sáo, lan man trùng lặp gây phản cảm cho người đọc. Khi phân tích thơ, các em phải bám sát các yếu tố hình thức như: ngữ âm, ngữ nghĩa, các biện pháp tu từ...để tìm ra xúc cảm của nhà thơ, ý nghĩa của hình tượng thơ; khi phân tích văn xuôi, cần xuất phát từ các chi tiết miêu tả về ngoại hình, hành động cử chỉ lời nói, độc thoại nội tâm, ngôn ngữ trực tiếp, nửa trực tiếp, ngôn ngữ trần thuật, miêu tả..., các yếu tố tình huống, xung đột, kết cấu tác phẩm...

Từ việc phân tích các yếu tố trên để phát hiện ra những giá trị nội dung cơ bản của tác phẩm, ví dụ: giá trị nhân đạo trong các truyện ngắn Đời thừa, Chí Phèo, Chiếc thuyền ngoài xa..., khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn và chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong Rừng xà nu, Những đứa con trong gia đình...


Trần Ngọc - Nữ 20 tuổi

Là thủ khoa Ngoại thương, liệu trước đây khi anh đi thi ĐH a có "random" đáp án không? Việc những câu hỏi trắc nghiệm mà mình chưa biết chắc chắn thì các thí sinh thường "random" (khoanh bừa 1 đáp án) là việc phổ biến.

SV Nguyễn Ngọc Thiện – Thủ khoa khối A năm 2012, trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội:

Trong đợt thi chính thức thì anh không bị "random" nhiều, nhưng trong quá trình ôn luyện hay thi thử, gặp phải nhiều đề hóc búa thì thỉnh thoảng anh cũng phải "random" vài câu.

Tuy nhiên thì "random" có 2 kiểu, một là ngẫu nhiên, hai là ngẫu nhiên sau khi đã loại trừ các đáp án sai. Với những câu anh phải "random" thì đã đều phải cố gắng hết sức để loại ra những đáp án mà mình cho là sai, như vậy xác suất đúng sẽ cao hơn. 

Bên cạnh đó, em còn có thể dựa vào dấu hiệu của các đáp án, ví dụ đáp số đúng thường xuất hiện ở nhiều đáp án (thường thôi nhé), như vậy em có thể dựa vào đó để lựa chọn đáp án cho mình.

Chúc em làm bài tốt và ít sử dụng biện pháp "random".


Trần Ngọc - Nữ 20 tuổi

Theo em, thí sinh nên làm gì khi nhìn thấy người thi khác gian lận?

SV Đặng Vũ Thùy Linh – Thủ khoa khối D năm 2012, ĐH Luật Hà Nội:

Gian lận trong thi cử là điều chúng ta thường xuyên bắt gặp trong tất cả các kỳ thi. Đặc biệt, trong kỳ thi đại học, các thí sinh có lực học không tốt thường cố gắng làm sao chép bài của các bạn trong phòng, mang "phao" quay cóp để đạt được điểm cao nhất. 

Tuy nhiên, trong kỳ thì đại học, thời gian làm bài cho các thí sinh "quý hơn vàng bạc" vì thế theo quan điểm của tôi, các bạn thí sinh nên tập trung vào bài làm của mình, tránh lãng phí thời gian và điều quan trọng nhất là bạn phải biết bảo vệ bài làm của mình.


Lương Nhật Minh - Nam 17 tuổi

Chào chị Đặng Vũ Thùy Linh! em thực sự rất ngưỡng mộ chị khi học giỏi đều cả 3 môn. Năm nay em thi khối D trường đại học Tài chính Marketing TPHCM, nhưng thực sự cả 3 môn em đều đạt ở mức trung bình - khá thôi. Chị có thể chỉ em bí quyết làm bài đạt điểm cao không chị nhất là Anh văn? Em xin cảm ơn!

SV Đặng Vũ Thùy Linh – Thủ khoa khối D năm 2012, ĐH Luật Hà Nội:

Đối với môn Anh văn thì bạn nên cố gắng học từ mới trong sách giáo khoa để làm được tốt các câu hỏi về trọng âm, phát âm.

Đối với các dạng câu hỏi ngữ pháp bạn nên đọc kỹ câu hỏi và chú ý vào ngữ cảnh để xác định đúng thì và chọn được đáp án đúng.

Đối với bài đọc, đầu tiên nên đọc hai câu đầu để nắm bắt được nội dung của bài sau đó đọc các câu hỏi và sử dụng kỹ năng đọc lướt, xác định các keyword, không nên đọc toàn bộ bài viết để tiết kiệm thời gian.

Theo mình, để đạt được điểm cao, bất cứ môn nào cũng cần sự tự tin và bình tĩnh khi làm bài thi. Bạn nên cố gắng làm lần lượt từng câu hỏi, không nên mất bình tĩnh, những câu khó, bạn có thể tạm thời bỏ qua để làm các câu khác và quay lại làm các câu đó sau khi đã hoàn thành các câu hỏi khác.

Kiến thức trong bài thi đại học là những kiến thức cơ bản mà các bạn họ trong nhà trường, chính vì vậy, bạn không nên quá lo lắng. Khi bạn cố gắng hết khả năng của mình, tôi tin các bạn sẽ thành công.

Toàn cảnh chương trình GLTT: Tư vấn
Tiến sĩ Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết, giáo viên trường THPT Chu Văn An, Hà Nội

Trần Ngọc - Nữ 20 tuổi

Xin thầy tư vấn giúp em mẹo làm bài điền từ trong đề thi tiếng môn tiếng Anh ạ. Đây là dạng bài em rất sợ ạ!

Thạc sỹ Nguyễn Văn Kỷ - Trưởng bộ môn Thực hành tiếng khoa Tiếng Anh, Trường Đại Học Hà Nội:

Đối với dạng bài điền từ, điều quan trọng nhất là em phải nắm được các quy tắc kết hợp từ/cấu tạo cụm từ trong tiếng Anh.

Trong quá trình làm bài, em nên lần lượt thử  “lắp” các phương án cho sẵn vào khoảng trống tương ứng trong đề bài và đọc đi đọc lại xem phương án đó có hợp lí không.

Cứ làm lần lượt như vậy với các phương án, em sẽ loại bỏ được những từ/cụm từ không phù hợp về nghĩa, ngữ pháp hoặc văn cảnh, và từ đó có thể tìm ra được đáp án chính xác còn lại.

Lưu ý: em không nên hấp tấp khẳng định ngay một phương án nào đó trước khi phân tích các phương án khác và có cơ sở để tin rằng nhưng phương án đó là sai.

Ngoài ra, khi trả lời những câu hỏi dạng này, em cần đọc thật kĩ một vài từ trước và sau khoảng trống.

Làm như vậy sẽ giúp em hình dung được kết cấu của mệnh đề tốt hơn và có thể lựa chọn phương án trả lời nhanh hơn, chính xác hơn.


Nguyễn Viết Chương - Nam 18 tuổi

Em xin chào thầy (cô). Em có một câu hỏi nhờ thầy cô giải đáp. Trong đề thi đại học môn Toán, câu 1a)Khảo sát hàm số bậc 3, bậc 4 trùng phương, đáp án chính thức của Bộ giáo dục và đào tạo không có phần tính điểm uốn cũng như không kết luận về tâm đối xứng (hàm bậc 3), trục đối xứng(hàm bậc 4 trùng phương). Nhưng theo trình bày trong SGK môn toán lớp 12 (năm 2009) của Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành thì lại có tính điểm uốn, nhận xét về tâm đối xứng, trục đối xứng. Như vậy, khi đi thi nên làm như thế nào là đủ, không thừa và không thiếu ạ? Em cảm ơn thầy cô.

Tiến sĩ Lê Thống Nhất:

Về nguyên tắc, khi khảo sát hàm số bậc 3 thí sinh phải tìm điểm uốn  và khẳng định đây là tâm đối xứng của đồ thị (không cần chứng minh).

Đối với hàm số phân thức hữu tỷ thì nên nói giao điểm hai đường tiệm cận là tâm đối xứng (không cần chứng minh).  Đối với hàm số bậc 4 trùng phương thì thí sinh vẫn phải khẳng định đồ thị có trục đối xứng là trục tung. Trong nhiều kỳ thi đại học: tính đối xứng của đồ thị đã được tính điểm từ 1/8 -1/4 điểm. Bởi vậy, các thí sinh không sợ làm thừa điều này.

Sách giáo khoa trình bày bài toán này như thế nào thì các em trình bày đúng như vậy.


Nguyễn Hoàng Hà - Nam 40 tuổi

Kỳ thi sắp đến, gia đình có phải kiêng khem đồ ăn cho cháu không thầy? Có nên bắt cháu đi ngủ sớm, tẩm bổ chất dinh dưỡng không?

Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, ĐH Sư phạm TP. HCM:

Trong các kỳ thi như thi tốt nghiệp THPT, đại học, cao đẳng khả năng của thí sinh  chỉ chiếm khoảng 50 – 60% thành công, phần còn lại là sức khỏe tốt và tâm lý vững vàng. 

Do đó, các bậc phụ huynh cần lưu ý đảm bảo dinh dưỡng cho con em mình ở các bữa ăn hàng ngày trong suốt quá trình ôn luyện cho đến lúc đi thi. 

Những thực phẩm giàu chất đạm, béo, bột, vitamin muối khoáng như trứng, tôm, cua, đậu đỗ, dầu, mỡ, bơ, vừng, lạc, rau xanh, hoa quả chín là những thứ cần thiết cho các sĩ tử tăng sức đề kháng và uống nhiều nước để làm mát cơ thể. Các bậc phụ huynh nên cho con em mình ăn uống điều độ, không bỏ quên bữa sáng.

Phụ huynh không được để con em thức cả đêm để học tập, như vậy có thể làm các sĩ tử mệt mỏi, ốm và không có hiệu quả trong việc học. Khi ngủ không đủ giấc sẽ gây ra những hậu quả khôn lường như: giảm trí nhớ, khó tập trung... Nhưng cũng đừng bắt các em đi ngủ quá sớm.

Toàn cảnh chương trình GLTT: Tư vấn
Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, ĐH Sư phạm TP. HCM

Nguyễn Tuấn Nam - Nam 45 tuổi

Chào thầy! Tôi là một phụ huynh có con năm nay thi đại học. Cháu nhà tôi thi cả hai khối A1 và D. Cách đây vài hôm, cháu đi học ở lò luyện, vừa bước vào nhà là cháu ngất. Gia đình tôi lo quá, tôi có nói chuyện với cháu nhưng cháu bảo không sao. Xin thầy tư vấn giúp gia đình làm thế nào để động viên cháu vì chỉ sắp đến ngày thi rồi. Liệu cháu có bị áp lực tâm lý không thưa thầy? Cảm ơn thầy!

Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, ĐH Sư phạm TP. HCM :

Trong giai đoạn thi cửa, thí sinh cần có hai sức khỏe:

* Một là: khỏe thể chất. Những ngày thi là những ngày thí sinh phải ở đỉnh cao phong độ của sức khỏe cơ thể. “Một tinh thần minh mẫn nằm trong một cơ thể khỏe mạnh”. Nếu cháu bị ngất sau khi đi học từ lò luyện về, đó là cách mà cơ thể báo động về tình trạng sức khỏe của cháu. Phải lập tức cho cháu nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe. Pin đã cạn thì dù có ép đèn cũng không thể sáng, trí não đã đình công thì dù có cố sẽ càng làm cho tâm trí bị trơ.

Học tập là cả quá trình, cháu đã học nhiều rồi, những ngày cuối xem như cho cháu tích lũy nội công để ra sa trường. Xin đừng cho cháu học quá nhiều.

* Hai là: khỏe tinh thần. Phải tự tin và thoải mái thì mới làm bài tốt. Đến mùa thi, cả thí sinh lẫn phụ huynh đều bắt đầu bước vào mùa căng thẳng. Đối với học sinh, khối lượng bài vở cộng với mục tiêu thi đậu là hai tảng đá lớn luôn treo lơ lửng trên đầu.

Đối với phụ huynh, sự kỳ vọng con sẽ “vượt vũ môn” là một ngọn lửa âm ỉ bắt đầu bùng lên thường trực trong tâm thức. Sự kỳ vọng đó không có gì là xấu, quan trọng là đừng để cho độ nóng kỳ vọng ấy bộc lộ quá mức vì sẽ thiêu rụi cả tâm trí con mình.

Vì vậy, để mình trở thành một liều thuốc bổ cho con trong giai đoạn cam go này, cha mẹ cần tránh “hăm he” gây áp lực cho con. Đôi khi chúng ta nghĩ cần phải làm như thế để cho con có động lực chăm chỉ dùi mài. Kết quả là sự oằn mình gánh nặng kỳ vọng  của mẹ cha sẽ làm cho trẻ mất khả năng tập trung, dễ rơi vào trạng thái lo âu trầm cảm.

Chị nên “đả thông tư tưởng” cho con. “Cha mẹ yêu con chứ không phải yêu điểm của con, vì vậy việc thi đậu hay chưa đậu không phải là số một mà quan trọng là con có thi hết mình hay chưa”. Cha mẹ mong con làm hết sức mình nhưng cũng “mở” cho con một cánh cửa, một lối thoát, cho con được “quyền” không đậu nếu như khả năng con chưa tới.

Ngoài ra, nên nấu những món ăn bổ dưỡng, bổ sung trái cây và vitamin, thỉnh thoảng cho con chọn thực đơn mà nó yêu thích. Sau những buổi vắt óc căng não thì không gì bằng những bữa ăn hấp dẫn. Ăn là một cách để mát-xa não, ăn ngon là cách giảm stress tuyệt vời.

Đặc biệt, cha mẹ hãy giúp con thay món cho não. Thay vì để con chỉ học và học, thỉnh thoảng nên xen kẽ một số hoạt động khác như cho con xem phim giải trí, vào bếp nấu ăn hay ra ngoài chơi.

Ta có thể thưởng cho con vài phần thưởng “bự bự” để khuyến khích tinh thần con cái. Nhưng phần thưởng lớn nhất dành cho chúng trong giai đoạn cam go này là việc nhận ra rằng cha mẹ rất yêu thương mình và luôn bên cạnh những khi mình cần nhất.


Lê Tuấn Khang - Nam 19 tuổi

Toán khối D1 ta nên ôn sao để vững ạ? đề toán có hóc búa như khối A không ạ?

Tiến sĩ Lê Thống Nhất:

Để nói về phương pháp ôn cho vững kiến thức thì rất dài. Chỉ với mấy ngày nữa khó thay đổi được việc nắm vững hay không. Điều quan trọng bạn nên tự kiểm tra trong đầu mình đã biết các loại toán nào, đã nhớ các kiến thức nào. 

Để kiểm tra điều này nên nhờ thầy cô giáo hoặc một bạn học giỏi. Bạn cũng đừng băn khoăn đề toán khối D1 có hóc búa như khối A hay không. Trong nhiều năm đề toán khối D1 còn khó hơn khối A bởi hội đồng ra đề thi của hai đề này là khác nhau. 

Tuy nhiên, đề khó hay dễ không quan trọng bằng việc kết quả làm bài của bạn có hơn các bạn khác hay không. Có những năm đề thi khối D1 có một câu rất khó đến mức không ai làm được thì việc không làm được câu này cũng không làm thay đổi vị trí của bạn so với các bạn khác. 

Như vậy, không làm được câu khó chưa chắc đã trượt nhưng làm nhầm câu dễ thì khả năng trượt lớn hơn.


Phạm Thanh Ngọc - Nam 19 tuổi

Nếu bạn cùng phòng thi hỏi bài mà em không muốn trả lời, thì em có thể từ chối bằng cách nào thưa thầy?

Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, ĐH Sư phạm TP. HCM :

Nếu thí sinh cùng phòng hỏi bài mà em muốn trả lời đi chăng nữa thì cũng tuyệt đối không được trả lời, một là em vi phạm quy chế thi và có thể bị lập biên bản ngay lập tức, hai là ta vô tình tiếp tay cho bạn gian dối.

Vì vậy, nếu bạn hỏi em cứ phớt lờ xem như không nghe thấy. Hỏi một lần không được, hai lần không được, ba lần cũng không được thì thường người ta sẽ tự động nản thôi không hỏi nữa.

Tuy nhiên, nếu đối phương cứ đeo bám làm em mất tập trung, em hãy mạnh dạn giơ tay báo với giám thị: “Thưa cô, bạn này cứ hỏi bài và quấy rối em trong lúc làm bài”.

Đó là quyền lợi của bạn trong phòng thi và phải ưu tiên số một cho khoảng thời gian tập trung quan trọng này (đừng áy này vì điều đó không có gì là vô tình bạc nghĩa mà là bạn đang góp phần giúp nhà trường loại những thành phần mà phẩm chất có vấn đề).


Nguyễn Ý Nhi - Nam 18 tuổi

Trong câu hỏi nghị luận, nếu em nêu quan điểm trái ngược hoàn toàn với đáp án nhưng bảo vệ được ý kiến của mình bằng những lý lẽ hợp lý thì bài làm của em có được điểm tuyệt đối không ạ?

Tiến sĩ Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết:

Về câu hỏi của Ý Nhi, cô trả lời thế này, nghị luận xã hội yêu cầu trình bày quan điểm của cá nhân về một sự việc, hiện tượng, một vấn đề nào đó của cuộc sống, mà cuộc sống thì luôn có nhiều đáp án, rất nhiều cách nhìn nhận, đánh giá. 

Đáp án thường để một khoảng trống cho suy nghĩ cá nhân, bài của em sẽ đạt kết quả tốt nếu ý kiến của em hợp lý, hợp tình, không đi ngược lại đạo lý, thuần phong mỹ tục cũng như cách sống, cách nghĩ tốt đẹp của dân tộc mình.


Minh Thúy - Nam 18 tuổi

Theo cô, theo em được biết với cách chấm điểm môn Văn học trong tuyển sinh CĐ, ĐH của Bộ GD&ĐT như hiện nay là chấm theo barem, chấm theo ý. Cô có thể chia sẻ phương pháp làm môn văn để đạt kết quả tốt nhất? Em cảm ơn cô!

Tiến sĩ ngữ văn Trịnh Thu Tuyết:

Minh Thúy thân mến! Barem ý chỉ mang tính chất tham khảo, định hướng vấn đề. Bài văn của em cần triển khai một nội dung phong phú, đúng hướng, cấu trúc mạch lạc, diễn đạt rõ ý, bài viết thể hiện tư duy sáng tạo và tình cảm chân thành...

Nếu đáp ứng đủ các yêu cầu trên thì bài văn của em sẽ là bài thi đạt kết quả tốt.-


Trần Bích Trâm - Nữ 18 tuổi

Em muốn biết làm thế nào để thi tốt môn tiếng Anh mà vẫn kịp giờ?

Thạc sỹ Nguyễn Văn Kỷ - Trưởng bộ môn Thực hành tiếng khoa Tiếng Anh, Trường Đại Học Hà Nội:

Ngoại trừ phần câu hỏi đọc hiểu nên để cuối cùng mới làm vì thường đòi hỏi nhiều thời gian nhất, em nên đọc lần lượt từng câu hỏi và khẳng định đáp án ngay khi có thể.

Đối với những câu còn băn khoăn, không chắc chắn về đáp án, em có thể để lại và trả lời sau. Làm như vậy sẽ tránh được việc mất nhiều thời gian vào một câu bất kì khiến em dễ bị thụ động khi trả lời các câu sau, đặc biệt khi đã sắp hết giờ.


Minh Vy - Nam 18 tuổi

Thưa cô, theo cô thì các thí sinh nên phân bố thời gian như thế nào để hoàn thành tốt cả ba câu trong đề thi môn Văn ạ?

Tiến sĩ ngữ văn Trịnh Thu Tuyết:

Minh Vy thân mến! Theo cô thì việc phân bổ thời gian hợp lý nhất cho 3 câu trong đề thi là: Khoảng 20 phút cho câu 1, 50 phút cho câu 2, còn lại dành cho câu nghị luận văn học thời gian dài nhất - tối thiểu là 110 phút.


Trịnh Minh Chi - Nữ 18 tuổi

Chị đã dành bao nhiêu thời gian cuối giờ để kiểm tra lại phần bài làm của mình ạ?

SV Đặng Vũ Thùy Linh – Thủ khoa khối D năm 2012, ĐH Luật Hà Nội:

Mình thường dành 10 phút cuối giờ để kiểm tra lại phần bài làm của mình: kiểm tra trình bày, các ký hiệu, kiểm tra phiếu trả lời trắc nghiệm xem có đánh dấu đúng không... 

Ngoài ra cũng dành thời gian để suy nghĩ kỹ hơn về những câu khó hoặc những câu mình chưa chắc chắn lắm để đảm bảo mình lựa chọn được đáp án đúng nhất. 

Quan điểm của mình là hết giờ thì mới dừng bút và dừng suy nghĩ, không nên nộp bài sớm làm gì.


Nguyễn Lê My - Nữ 19 tuổi

Phần trọng âm là phần em gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm bài, xin thầy cho em vài lời khuyên trong quá trình làm bài phần này ạ. Thầy chỉ cho em thêm “mẹo” làm những câu trắc nghiệm với ạ, em cảm ơn thầy!

Thạc sỹ Nguyễn Văn Kỷ - trưởng bộ môn thực hành khoa Tiếng Anh, Trường Đại Học Hà Nội:

Để làm tốt dạng câu hỏi trọng âm, trước hết em cần ôn tập kỹ và nắm được những quy luật cơ bản (thí dụ đối với những từ có đuôi –cy, -gy, -phy, -ty gồm 4 âm tiết hoặc nhiều hơn thì trọng âm rơi vào âm tiết thứ 3 từ cuối lên, như trong các từ democracy, phonology, geography, ability, v.v.). 

Ngoài ra, em nên thì thầm đọc các từ một cách thật tự nhiên để xác định trọng âm được chính xác hơn (nhớ là thì thầm thôi nhé, tránh ảnh hưởng đến mọi người chung quanh). 

Còn về các “mẹo” trả lời câu hỏi trắc nghiệm thì thực ra chỉ là một cách nói, chứ trên thực tế thì phải “có thực mới vực được đạo” em ạ. Một kiến thức vững vàng sẽ cho em những đáp án chính xác nhất. Có một “mẹo” nhỏ này xin chia sẻ để giúp em tránh rơi vào tình trạng trả lời rồi mà vẫn không biết đúng hay sai, hoặc “bó tay” hoàn toàn trước một câu hỏi khó: hãy dùng phương pháp loại suy. 

Tức là, em hãy phân tích từng đáp án và loại bỏ những lựa chọn mà em có thể chứng minh là sai. Khi đó, xác suất tìm ra đáp án chính xác sẽ cao hơn và chắc chắn hơn.

Toàn cảnh chương trình GLTT: Tư vấn
Thạc sỹ Nguyễn Văn Kỷ - trưởng bộ môn thực hành khoa Tiếng Anh, Trường Đại Học Hà Nội

Nguyễn Thị Hồng Trang - Nữ 19 tuổi

Thầy cho em hỏi, phần nhận diện sai sót (Error identification) tức là câu hỏi thường đưa ra 4 từ hay cụm từ được gạch dưới (underline). Điều gì chú ý khi làm dạng bài này để khỏi nhầm lẫn và viết lại cho đúng ạ?

Thạc sỹ Nguyễn Văn Kỷ - trưởng bộ môn thực hành khoa Tiếng Anh, Trường Đại Học Hà Nội:

Đối với dạng bài này, thí sinh rất dễ bị rơi vào tình trạng hấp tấp, thành thử cứ tưởng rằng mình đã chọn đúng đáp án nhưng thực tế lại sai. Cách khắc phục là em không nên khẳng định ngay đáp án trước khi đọc hết cả 4 phần gạch chân. 

Nhiều khi phần gạch chân A có vẻ có vấn đề, nhưng nếu đọc tiếp em sẽ thấy có phần khác còn có vấn đề hơn. Tóm lại, đối với dạng bài này phải đọc kỹ câu hỏi, và phương pháp loại suy sẽ giúp em tìm được đáp án nhanh nhất, chính xác nhất.

Nghĩa là, với từng phương án, phải phân tích được tại sao nó đúng, tại sao nó sai rồi hãy điền câu trả lời vào phiếu trắc nghiệm.

Toàn cảnh chương trình GLTT: Tư vấn
Ông Bùi Ngọc Cải - Phó TBT Báo điện tử Trí thức trẻ (trái) tặng hoa lưu niệm tới các khách mời giao lưu

Chỉ còn vài ngày nữa, hàng nghìn sĩ tử bước vào cuộc đấu cam go của kỳ thi tuyển sinh đại học – cao đẳng. Không ít phụ huynh, học sinh lo lắng, băn khoăn.

Để giải đáp cho toàn bộ thắc mắc và tư vấn các vấn đề liên quan đến thi cử nhằm hỗ trợ thí sinh, Báo Điện tử Trí Thức Trẻ tổ chức chương trình “giao lưu trực tuyến : Chuyên gia nổi tiếng và thủ khoa tư vấn “nóng” trước kỳ thi CĐ, ĐH 2013” trên Báo điện tử Trí thức trẻ và SohaNews ( http://soha.vn ) vào thời gian từ 9h30 – 11h30 sáng nay (01/07).

Khách mời tham dự chương trình là các giáo viên có kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy ôn thi đại học, ra đề thi:

1. Tiến sĩ Lê Thống Nhất: Đã từng giảng dạy tại Khoa Toán và khối THPT Chuyên Đại học Vinh từ 1976 – 1997; làm tạp chí Toán học và Toán tuổi thơ từ năm 1997 – 2008, Tiến sĩ Lê Thống Nhất trở thành chuyên gia nổi tiếng với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực luyện thi đại học môn Toán.

2. Tiến sĩ Ngữ Văn Trịnh Thu Tuyết - Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội: Tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết có thâm niên trên 30 năm kinh nghiệm giảng dạy môn Ngữ văn, luyện thi đại học, cao đẳng. Tiến sĩ đã từng tham gia tư vấn, luyện thi trực tuyến trên VTV2 và hiện cô đang là giáo viên dạy Văn của Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội.

3. Thạc sĩ Nguyễn Văn Kỷ - trưởng bộ môn Thực hành tiếng khoa Tiếng Anh, Trường Đại Học Hà Nội: Là giảng viên tại khoa tiếng Anh, trường ĐH Hà Nội từ 2001 đến nay. Từng giảng dạy tiếng Anh tại Chương trình Anh ngữ ĐH Hawaii từ 8/2006 - 12/2008. Là Phó Chủ tịch Hiệp hội giáo viên tiếng Anh tiểu bang Hawaii, Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2007 - 2008.

4. Chuyên gia tâm lý Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên ĐH Sư phạm TP. HCM: Luôn sẵn sàng tư vấn cho học trò mọi vấn đề trong cuộc sống, thầy Khắc Hiếu trở thành "chuyên gia gỡ rối" của nhiều bạn trả và có lượng “fan” hâm mộ khổng lồ.

5. Thủ khoa ĐH Ngoại thương năm 2012 Nguyễn Ngọc Thiện: Không đi học thêm ở ngoài, Thiện tập trung tự ôn thi tại nhà. Bí quyết giành điểm cao của chàng trai thủ khoa chính là: “Với môn Toán làm nhiều bài tập ở các dạng khác nhau; tự tìm tòi các cách giải khác bên cạnh phương pháp của thầy cô. Còn với hai môn Lý, Hóa, Thiện chủ yếu học tự luận, sau đó làm nhiều đề thi các năm trước”.

6. Thủ khoa ĐH Luật Hà Nội năm 2012 Đặng Vũ Thùy Linh: Cấp 2 từng là học sinh chuyên Văn vì thế để đuổi kịp các bạn trong lớp khi vào học Chuyên Ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), Thùy Linh đã phải nỗ lực rất nhiều. Với số điểm thành phần Toán 9; Văn 9 và tiếng Anh 9,25, Thùy Linh đã xuất sắc trở thành thủ khoa khối D1 của trường Đại học Luật năm 2012.

Toàn cảnh chương trình GLTT: Tư vấn
Tiến sĩ Lê Thống Nhất đang trả lời câu hỏi giao lưu trực tuyến

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại