Hiện số trẻ tử vong liên quan đến bệnh sởi được thống kê là 112, tăng 2 trường hợp so với thông báo trước đó 1 ngày của Bộ trưởng Bộ Y tế. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn khẳng định chưa công bố dịch sởi.
Nguy cơ lây lan rất cao
Ngay sau công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch sởi, ngày 17-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, TP yêu cầu giám sát chặt chẽ tại cộng đồng, cách ly các trường hợp bệnh; đánh giá tình hình dịch chính xác để có biện pháp phòng chống.
Tại văn bản này, Bộ Y tế cũng đề nghị các bệnh viện (BV) tập trung nguồn lực phục vụ điều trị, không để tình trạng chuyển tuyến bệnh nhân trong khả năng điều trị để tránh lây nhiễm bệnh sởi. Đồng thời, thiết lập khu vực riêng để khám, điều trị bệnh sởi có biển cảnh báo và phân luồng khám chữa bệnh.
Khoảng 2 tháng trước, rất nhiều bác sĩ điều trị đã cảnh báo về sự khác thường của bệnh sởi khi gây ra biến chứng viêm phổi rất nhanh khiến trẻ suy hô hấp và nhanh chóng tử vong. Thế nhưng, đến thời điểm này, các động thái ứng phó với bệnh mới được ráo riết triển khai.
Cho rằng việc bệnh nhân sởi tập trung ở BV Nhi trung ương sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo và tử vong, tại hội nghị phòng chống dịch ngày 16-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã kêu gọi không dồn đến BV này. Bà Tiến cho biết đã đề nghị các BV tuyến trên cử bác sĩ xuống BV vệ tinh như Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đống Đa… để người dân đến khám. “Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc mở thêm phòng bệnh ở BV Nhi trung ương cũng không hiệu quả nữa” - Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định.
Yêu cầu mới nhất của Bộ Y tế đối với các BV - thiết lập khu khám, điều trị sởi riêng, có biển cảnh báo, phân luồng điều trị - dường như cũng muộn màng. Theo nhiều chuyên gia, việc phân loại bệnh nhân sởi tại BV thời điểm này rất quan trọng. “Nếu trẻ bị nhiễm sởi ngồi chờ khám chung với những trẻ khác thì nguy cơ lây lan bệnh sẽ rất cao. Ngoài ra, mỗi trẻ còn kèm theo 2-3 người lớn đi cùng, trở thành kênh lây truyền “hữu hiệu” virus nói chung và virus sởi nói riêng. Đây là một trong những lý do khiến bệnh sởi lây lan nhanh chóng trong BV Nhi trung ương” - chuyên gia này nhận định.
Các bệnh nhi mắc sởi đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Cũng trong tuần qua, hội đồng chuyên môn đã bổ sung vào phác đồ điều trị bệnh sởi cách sử dụng gamma globulin - vốn là loại thuốc tăng cường miễn dịch - để tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Theo ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới trung ương, với loại thuốc này, việc sử dụng tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch sẽ phụ thuộc vào mức độ nặng, nhẹ của ca bệnh. Ngoài ra, các cơ sở y tế cần có sự kết hợp điều trị để phát hiện sớm biến chứng hô hấp, viêm não để giảm số tử vong.
Bất đồng về nguyên nhân gây tử vong
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, cho biết đến thời điểm này, cả nước đã ghi nhận hơn 3.000 ca mắc sởi trên gần 8.500 trường hợp phát ban nghi mắc sởi, trong đó có 112 người tử vong liên quan đến bệnh sởi. “Năm nay, dịch sởi diễn biến bất thường so với vụ dịch 2009-2010 với nhiều ca biến chứng viêm phổi nặng, là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong” - ông Phu thừa nhận.
Tuy nhiên, ông Phu vẫn cho rằng với sự bất thường này, cần phải nghiên cứu thêm để có bằng chứng khoa học đầy đủ, chưa thể khẳng định do virus biến đổi độc lực mà có thể trùng lặp ngẫu nhiên với các dịch bệnh đường hô hấp do vi khuẩn và virus khác. Tình trạng đồng nhiễm này đã tăng nguy cơ tử vong ở trẻ mắc sởi. Trong số bệnh nhân tử vong này, ông Phu vẫn tiếp tục khẳng định chỉ 25 trẻ có nguyên nhân do sởi, các trường hợp khác đồng nhiễm một hoặc nhiều bệnh lý nên không thể coi là tử vong do sởi.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều lý giải rằng khi nhiễm virus sởi, hệ miễn dịch sẽ suy giảm khiến trẻ dễ bị mắc thêm các virus, vi khuẩn khác gây viêm phổi, tiêu chảy…, dẫn đến suy hô hấp và tử vong nhanh chóng. “Khi trẻ bị tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng thì sức đã yếu, nay lại nhiễm thêm bệnh sởi, suy giảm hệ miễn dịch thì sẽ không còn sức chống chọi với bệnh tật, làm tăng nguy cơ tử vong. Như vậy, không thể nói các ca tử vong đó không phải do bệnh sởi” - một chuyên gia giải thích.
Ngoài ra, TS Nguyễn Văn Kính cũng cảnh báo về việc trẻ bị sởi điều trị trong BV dễ nhiễm vi khuẩn đa kháng sinh trong BV. “Vi khuẩn đa kháng sinh khiến cho vũ khí kháng sinh không còn tác dụng chống lại các bệnh viêm nhiễm dẫn đến trẻ dễ tử vong” - ông lo ngại.
Số trẻ tử vong do sởi vẫn không ngừng tăng. Đặc biệt, Hà Nội là địa phương chiếm tới 1/3 số ca mắc và một nửa số ca tử vong nhưng Sở Y tế TP và Bộ Y tế đều cho rằng chưa đến mức phải công bố dịch. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, để công bố dịch phải cần tới 5 yếu tố, trong khi với vai trò là nhà quản lý, người đứng đầu ngành y tế cho rằng không phát ngôn thay công việc của chuyên môn.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng với vai trò của Bộ Y tế thì không thể nói là đợi UBND tỉnh, TP công bố dịch rồi mới tính mà phải chỉ ra nơi nào đủ điều kiện để công bố dịch.
Tìm căn nguyên sởi tấn công trẻ dưới 9 tháng tuổi
Bộ Y tế cho biết đã giao Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương triển khai nghiên cứu về đặc điểm lâm sàng, virus trên các ca bệnh sởi nhập viện và nền miễn dịch sởi trong cộng đồng. Theo đó, các ngày qua, việc lấy mẫu máu cuống rốn từ trẻ sơ sinh đã tiến hành tại BV Phụ sản trung ương. Các mẫu máu sẽ được xét nghiệm tìm kháng thể với sởi để có các thống kê cơ bản về tỉ lệ có miễn dịch từ mẹ truyền sang. Theo Bộ Y tế, thông thường, trẻ dưới 9 tháng tuổi phải có miễn dịch từ mẹ truyền sang. Song, trong vụ dịch đang xảy ra, nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi là hiện tượng bất thường. Điều này cho thấy nguyên nhân do các trẻ không có kháng thể miễn dịch với sởi.
Bổ sung hơn 80 tỉ đồng phòng chống sởi
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định cấp 12 máy thở chức năng cao thuộc hàng dự trữ quốc gia để trang bị cho 3 BV (Nhi trung ương, Thanh Nhàn, Đống Đa) phục vụ công tác cấp cứu, điều trị người mắc dịch bệnh. Thủ tướng cũng quyết định bổ sung 80,875 tỉ đồng cho Bộ Y tế từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2014 để mua sắm một số trang thiết bị và mua thuốc phục vụ công tác phòng, chống sởi.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế xuất cấp 22 máy thở chức năng cao, 8 máy thở chức năng trung bình thuộc hàng dự trữ quốc gia để trang bị cho 4 BV phục vụ công tác cấp cứu, điều trị người mắc dịch bệnh sởi, cúm và phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.