Tin lời thương lái, nông dân trồng khoai mì khóc ròng

vytran |

Năm 2011 toàn tỉnh Long An có hơn 890 ha đất trồng khoai mì, tăng gần gấp đôi so với năm 2010.

Do diện tích tăng đột biến và nước lũ về sớm, thị trường thu hẹp nên khoai mì bị dội chợ, rớt giá. Hậu quả là hiện nay nhiều nhà nông đang “ôm sô” khoai mì và khó tránh khỏi nguy cơ mất trắng.

Ở huyện Bến Lức, 300 ha khoai mì bị nông dân bỏ hoang không thu hoạch vì giá thu mua quá thấp. Trong khi đó, ở huyện Thạnh Hóa, nhà nông trồng gần 200 ha nhưng do không có người mua nên nhiều người phải thuê máy cày phá bỏ ruộng mì để trồng thứ khác, chấp nhận lỗ vốn. Tại huyện Thủ Thừa, nơi có hơn 200 ha đất trồng mì thì đã có 25 ha bị nước lũ chụp, mất trắng, hơn 100 ha đang bị bỏ hoang. Hiện vẫn chưa có giải pháp tiêu thụ khoai mì cho nông dân.

Ông Bảy Nhanh bên ruộng khoai mì quá lứa thu hoạch hơn một tháng nhưng bỏ hoang cho cỏ mọc vì không có người mua. Ảnh HÙNG ANH

Ông Trần Quang Nhanh cho biết lâu nay ông trồng mía đường. Mấy năm nay mía đường ế ẩm, năm ngoái thấy nông dân trong vùng trồng khoai mì thu lời 50-60 triệu đồng/ha, ông ham quá nhưng cũng ngại trồng vì không biết bán cho ai. Lúc đó nhiều thương lái khuyên ông: “Ông cứ trồng đi, tụi tui thu mua bán cho các nhà máy chế biến bột mì trong nước nhưng chủ yếu là bán sang Trung Quốc, không ế đâu mà sợ”. Nghe thương lái nói vậy, cộng với giá khoai mì năm 2010 có lúc lên đến 7.000 đồng/kg mì đỏ, 3.000-4.000 đồng/kg mì trắng mà người ta tranh nhau mua nên ông phá bỏ mía đường, mua giống mì về trồng. Sau bảy tháng chăm sóc, đầu tháng 8-2011 ông kêu bán mì nhưng chẳng ai mua. Neo riết, giờ giá mì đỏ chỉ còn 1.200 đồng/kg, mì trắng 500 đồng/kg nhưng cũng chẳng mấy ai mua. Trong khi đó, thương lái thu mua khoai mì phân trần: “Tại thị trường tiêu thụ chớ đâu phải tại thương lái. Tụi tui thấy khoai mì có giá hơn mía đường, thị trường tiêu thụ ổn định nên “góp ý” nông dân trồng khoai mì dễ ăn hơn trồng mía. Bây giờ thị trường không “ăn” khoai nữa tụi tui cũng đâu biết làm sao”.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An, cho biết: “Nông dân mình lâu nay có bệnh chạy theo phong trào, thấy ai trồng cây gì, nuôi con gì có lời nhiều là lao theo bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp, hội nông dân và các cơ quan hữu trách, bất chấp quy luật cung cầu nên tình trạng nông sản dội chợ, rớt giá là khó tránh khỏi”.

Theo HÙNG ANH

Phapluat

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại