Tìm được 10 chú cá cóc hiếm hoi còn sót giữa rừng già

Đoàn cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (IEBR) phối hợp với các nhà nghiên cứu Vườn thú Cologne (CHLB Đức) mới tìm được 10 chú cá cóc hiếm hoi.

Những chú cá cóc được 3 cô gái gom lại, tất cả là 10 chú. Mona và Marta lôi từ trong chiếc ba lô của 2 người ra đủ thứ dụng cụ, máy móc lỉnh kỉnh và một “phòng thí nghiệm di động” đã được dựng lên ngay tại chỗ.

Đầu tiên, Marta đội lên đầu chiếc camera nhỏ để ghi lại hình ảnh trong khi làm việc, rồi cẩn thận đo lại các số liệu kích cỡ, cân nặng của từng con bằng một chiếc thước đo điện tử khá lạ mắt và một chiếc cân điện tử tiểu ly (loại mà các cán bộ ngành Công an hay dùng để đo số lượng trong các vụ bắt ma tuý). Kết quả của mỗi lần đo đều được Mona ghi ngay lập tức vào một bản báo cáo số liệu và đọc lại để ghi luôn vào chiếc máy ghi âm đeo trước ngực.

Các sinh viên đang làm thí nghiệm tại chỗ để xác định các đặc tính của loài cá cóc đặc hữu ở Đồng Sơn - Kỳ Thượng.
Các sinh viên đang làm thí nghiệm tại chỗ để xác định các đặc tính của loài cá cóc đặc hữu ở Đồng Sơn - Kỳ Thượng.

Riêng việc đo lại tỉ mỉ từng chú cá cóc cũng đã ngốn hơn một tiếng đồng hồ. Sau đó là một loạt các công đoạn khá phức tạp, tỉ mẩn khác. Lúc này đã giữa trưa, ai cũng hơi đói nhưng công việc phải được ưu tiên lên hàng đầu. Ba cô gái say sưa, quên cả đói và nắng nóng. Họ lấy ra một đoạn ống cao su dài, một đầu có gắn vào một chiếc bơm kim tiêm đựng đầy nước sạch để bơm vào ruột của từng chú cá cóc để thu mẫu thức ăn của chúng.

Marta nhẹ nhàng cầm một chú cá cóc đã trưởng thành lên lấy một chiếc bông thu mẫu vi sinh vật trên da (nhìn giống hệt mấy cái bông ngoáy tai) trải nhẹ khắp toàn thân con vật khiến chú cá cóc khẽ run lên vặn vẹo. Khi lấy mẫu trứng để thí nghiệm họ cũng chỉ lấy một phần rất nhỏ vừa đủ để nghiên cứu chứ không lấy hết cả đàm trứng. Sau đó là mẫu nước, mẫu lá cây, mẫu đất trong đầm lầy... cũng được cẩn thận lấy lại. Mata bảo làm vậy là để có thể đánh giá một cách tổng quát nhất về đặc điểm sinh học và sinh thái của loài cá cóc Việt Nam tại môi trường sinh sống trong khu bảo tồn này.

Chú cá cóc được đặt lên bàn cân để đo trọng lượng.
Chú cá cóc được đặt lên bàn cân để đo trọng lượng.

Không khí làm việc nghiêm túc, khẩn trương và theo một trình tự bài bản. Từng mẫu vật lấy được đều được phân loại và đựng trong các ống nghiệm riêng, có ghi chú rõ ràng về thời gian, địa danh cụ thể… Kết thúc công việc, đồ đạc lại được cất gọn vào trong những chiếc ba lô chống va đập, có khoá chống nước hẳn hoi, cẩn thận đến thế là cùng…

Khi tôi hỏi sao không mang mấy chú cá này về nhà nghiên cứu có hơn không, Hằng bảo: “Không được đâu! Đây là những loài sinh vật đang có nguy cơ mất dần, phải cho chúng tồn tại nơi chúng đang thích nghi chứ!”. Hỏi 2 cô bạn người nước ngoài, họ cũng gật đầu xác nhận điều đó. Họ bảo, họ được dạy rằng phải coi trọng việc bảo vệ động vật, dù có nghiên cứu chúng thì cũng phải làm tại chỗ và sau đó là thả chúng về với môi trường tự nhiên, hạn chế tối đa việc làm ảnh hưởng tới môi trường sống tự nhiên và các tác động lên loài vật...

Bữa trưa đạm bạc của các thành viên trong đoàn ở ngay tại nơi làm việc.
Bữa trưa đạm bạc của các thành viên trong đoàn ở ngay tại nơi làm việc.

Lúc đã cùng nhau ngồi nghỉ ngơi và đánh chén bữa ăn dã chiến ngay tại chỗ, tôi hỏi Hằng rằng nghe nói loài cá cóc này nếu ngâm rượu còn có công dụng “một người uống hai người vui” phải không, cô bạn cười, bảo: “Ở các tỉnh vùng cao phía Bắc, em thấy đồng bào dân tộc trên đấy cũng nói như vậy! Chẳng biết có đúng không? Hay anh thử xem sao!”.

Tuy chỉ là chuyện vui nhưng khi Hằng dịch lại cho Mona nghe thì cô bạn nhăn mặt: “Tuyệt nhiên không được rồi! Cá cóc Việt Nam là loài động vật tự nhiên cần phải được bảo vệ, đừng vì những món ăn hay thứ thuốc do con người ngộ nhận là có công dụng đặc biệt nào đó mà ra tay bắt chúng mà làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái nói chung và nguồn gen quý để nghiên cứu. Các bạn hãy bảo vệ và bảo tồn mới là những hành động hữu ích cho sau này!”. Tôi phải giải thích mãi rằng đó chỉ là đùa thôi, nét mặt cô bạn người nước ngoài mới hết vẻ cáu giận…

Không chỉ có ý thức trong việc bảo vệ các loài sinh vật trong tự nhiên, tôi còn để ý thấy rằng những vỏ đồ ăn, chai rỗng... luôn được 2 cô bạn Marta và Mona thu gọn và cất vào ba lô vốn đã đủ thứ lỉnh kỉnh của mình. Không có bất kỳ một thứ đồ dùng gì sau khi sử dụng, kể cả mẩu giấy lau, mà các cô vứt lại tại chỗ. Đến cả những mẩu tàn thuốc lá Marta cũng có riêng hẳn một cái lọ như ống nghiệm để bỏ vào vì cô bảo thứ đó mình quăng bừa bãi sẽ rất dễ gây nguy cơ cháy rừng. Họ khiến tôi nhận ra rằng muốn bảo vệ một thứ gì đó, nhất là về vấn đề môi trường thì sự nâng cao ý thức, văn hoá ứng xử nơi công cộng một cách văn minh là điều mấu chốt và hết sức quan trọng.

Sau khi giải quyết cơn đói và nghỉ ngơi cho đỡ mệt, cả đoàn lại đi tiếp tới một đầm lầy nữa nằm giữa khu vực khe Kẻng và khe Trại. Các con đường mòn mà cả đoàn đang đi đã thuộc dạng dễ đi nhất mà vẫn phải chật vật mới vượt qua. Đoạn đường tiếp theo này chúng tôi phải xuyên tiếp qua một cánh rừng tre dày đặc, ban ngày mà muỗi bay vo ve, đốt khắp người. Rồi còn phải trèo lên một đoạn dốc gần như dựng đứng.

Có lúc trên đầu tôi là gót chân của người đi trước, hai tay bám cành cây, còn hai chân mượn những gốc tre mọc choãi ra mà đạp vào lấy đà đu lên. Thế nhưng khi phờ phạc tới được điểm có cái đầm trên đỉnh dốc thì lại chẳng thu hoạch được gì. Thật chán! Thế mới biết, công việc đôi khi còn cần cả sự may mắn nữa. Vậy nên chỉ có kiên trì, nhẫn nại thì mới tới được thành công…

“Mona và Marta đang là sinh viên năm cuối rồi và đây là công trình nghiên cứu làm đề tài tốt nghiệp của họ. Họ phải rời xa gia đình, người thân hàng tháng trời để lang thang trong rừng núi Việt Nam bất kể đêm ngày, nhiều khi công việc không thuận lợi, các bạn ấy cũng suy sụp đến phát khóc. Em nhớ có lần mệt quá khi về phòng, muốn rủ hai cô nàng đi chơi để giải toả căng thẳng một chút thì thấy Mona sau khi gọi điện cho người thân liền khóc nức nở, hỏi ra mới biết là mệt mỏi quá rồi lại bị áp lực công việc nên chán nản, chỉ muốn buông xuôi và thèm cái cảm giác có ai đó bên cạnh động viên an ủi…” - Hằng ngồi tâm sự với tôi trong khi hai cô bạn người nước ngoài vẫn quyết tâm xuống cái đầm lầy mới với hy vọng may ra sẽ có chút kết quả cho khỏi uổng công chuyến trèo dốc này.

Sau một ngày mệt nhoài làm việc, lang thang giữa cánh rừng già của Khu bảo tồn Đồng Sơn - Kỳ Thượng, chúng tôi trở về đến trụ sở của Ban Quản lý Khu bảo tồn thì trời đã nhá nhem tối. Tuy mệt song ai cũng vui dẫu sao công việc cũng có thể coi là có chút thành công.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại