Tiết lộ thú vị về Anh hùng Hồ Giáo và nguyên mẫu anh Nhẫn trong "Cỏ non"

Thanh Hằng (thực hiện) |

Ngay sau khi nhận tin Anh hùng Hồ Giáo ra đi, sáng 15/10, PV Báo CAND đã gặp nhà văn Hồ Phương (NV HP) tại nhà riêng, để trò chuyện về mối quan hệ giữa người Anh hùng vừa khuất và “Cỏ non”...

Chiều 14/10, ông Hồ Giáo, người duy nhất trong ngành chăn nuôi 2 lần được phong danh hiệu Anh hùng Lao động đã từ giã cõi tạm ở tuổi 87,  tại TP Quảng Ngãi.

Là một con người bình dị, nhưng cuộc đời ông đã trở thành cảm hứng sáng tác của nhiều nhà thơ, nhạc sĩ.

Cũng đã hàng chục năm, nhiều người cho rằng, ông chính là nguyên mẫu của nhân vật Nhẫn trong truyện ngắn “Cỏ non” (năm 1960) của Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương và cũng không ít bài viết về chuyện này.

Ngay sau khi nhận tin Anh hùng Hồ Giáo ra đi, sáng 15/10, PV Báo CAND đã gặp nhà văn Hồ Phương (NV HP) tại nhà riêng, để trò chuyện về mối quan hệ giữa người Anh hùng vừa khuất và “Cỏ non”...

+ Thưa nhà văn! Nhiều người vẫn đinh ninh Anh hùng Hồ Giáo chính là nguyên mẫu của anh Nhẫn trong “Cỏ non” đã được giải của Báo Văn Nghệ. Ông có thể cho biết xuất xứ của truyện ngắn này?

NV HP: Nhiều năm qua, rất nhiều người đều nói tôi viết “Cỏ non” từ nguyên mẫu là anh Hồ Giáo. Nhưng thực ra, anh Hồ Giáo hoàn toàn không liên quan đến truyện “Cỏ non”.

Sau năm 1954, tôi về công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ). Khi đó, mới thành lập các nông trường để xây dựng CNXH, nên Tạp chí cũng muốn phản ánh mô hình kinh tế này, đã cử tôi về một số nông trường ở Ba Vì, Mộc Châu.

Trên đường đi, tôi dừng xe đạp nghỉ trưa ngay cổng một nông trường.

Bất ngờ nghe tiếng hô “Đứng lạ, thằng kia, vô kỷ luật, đứng lại...” Ban đầu tôi tưởng anh bộ đội nào quát lính, nhìn lại thì hóa ra giữa trưa nắng, một người đang vất vả “điều hành” một đoàn bò.

 

Nhà văn Hồ Phương
Nhà văn Hồ Phương

Tôi được giới thiệu đấy là anh Hồ Giáo và rằng “đó là người tốt, khiêm nhường, dễ thương”.

Tôi có bút danh họ Hồ, nghe giới thiệu anh ấy cũng họ Hồ thì cảm thấy thú vị. Nhưng cũng không trò chuyện nhiều, rồi anh ấy dẫn đàn bò đi.

Lúc đó anh ấy chưa nổi tiếng nên chưa ai biết. Ngay lúc ấy, tôi đi đến nơi mà tôi được giới thiệu đến công tác, chứ cũng không vào nông trường của anh Hồ Giáo.

Nông trường trong “Cỏ non” là hình ảnh phảng phất nhiều hơn về các nông trường ở Mộc Châu mà tôi đã đi thực tế.

Còn anh Nhẫn có nguyên mẫu từ nhiều người chăn nuôi bò trong các nông trường mà tôi đã gặp.

Khi đó, người làm nghề chăn nuôi trâu bò còn bị coi là thấp kém trong xã hội, nên tôi muốn xây dựng hình ảnh một người chăn nuôi có văn hóa, tâm hồn và tinh thần yêu nước.

Tôi xây dựng hình ảnh anh Nhẫn trên tinh thần con người mới của xã hội mới. Tên người, tên đất đều là sáng tạo.

+ Ông viết “Cỏ non” mất bao lâu?

NV HP: Sau khi đi thực tế 2-3 nông trường trong một tuần ở Ba Vì, tôi về viết chỉ trong một đêm. Vì khi đó, không khí chung đang đề cao người lao động cũng tạo cảm hứng cho tôi.

+ Khi dư luận cho rằng, anh Nhẫn chính là Hồ Giáo, ông nghĩ gì?

NV HP: Tôi nghĩ rằng, đó là một vinh dự với người cầm bút. Khi nhà văn viết về một anh A không có thật, về sau trở thành nhân vật văn học A nổi tiếng thì đó là công sức, sự đóng góp của nhà văn.

Còn nếu tôi viết về người thật thì giá trị tác phẩm sẽ có mức độ thôi.

Anh Hồ Giáo cũng đóng góp những tình cảm tốt cho tác giả, dù tôi không khai thác tư liệu ở anh, không có ấn tượng hay kỷ niệm nào.

Rất nhiều độc giả cứ nhất quyết nói tôi viết về anh và tôi cám ơn bạn đọc vì đó là thành công của tôi khi phản ánh con người và cuộc sống. Vì văn học phải có gì chung nhất.

Tôi không viết về người thật việc thật, vì là văn học, nên phải là tư liệu của nhiều người nhưng có phần sáng tạo của nhà văn.

Nhân vật Nhẫn của tôi là chân dung mang tính khái quát, nhưng không thể không mang dáng dấp của người này hay người kia. Nhiều người nói với tôi đó là anh Hồ Giáo và tôi cũng cười “ừ đó là anh Hồ Giáo”.

+ Sau khi “Cỏ non” và cả ông Hồ Giáo đều nổi tiếng, ông và ông Hồ Giáo đã gặp nhau chưa?

NV HP: Cho đến nay, chúng tôi cũng chưa gặp nhau và sẽ không có cơ hội nữa rồi. Khi đó, tôi còn mải bám sát các cuộc chiến, cũng không có thời gian trở lại những nông trường mình đã qua.

Sau này cũng không có điều kiện vì anh ấy đã về quê.

Anh hùng lao động Hồ Giáo.
Anh hùng lao động Hồ Giáo.

+ Suốt thời gian dài nhiều người vẫn cho anh Hồ Giáo là Nhẫn của “Cỏ non”, nhưng ông không lên tiếng?

NV HP: Nghĩ gì là quyền của người đọc. Vả lại, đều là rất đẹp, thì cần gì phải lên tiếng. Nếu có gì xấu về ông Hồ Giáo, tôi mới cần lên tiếng chứ!

+ Ông nghĩ sao khi dù ông Hồ Giáo không là nguyên mẫu của anh Nhẫn, nhưng lại có mối liên quan với “Cỏ non” và cùng rất nổi tiếng?

NV HP: Tôi vui, tự hào và kiêu hãnh vì cho đến nay, trong giới chăn nuôi nổi lên anh Hồ Giáo.

Còn trong những người viết về những người chăn nuôi, về mối quan hệ giữa con người với gia súc, với nông trường, chưa có tác phẩm nào vượt qua “Cỏ non”.

Văn chương không nhất thiết phải có nguyên mẫu, mà cùng với tư liệu, tác giả phải hư cấu, sáng tác ra một nhân vật văn học không hoàn toàn là người này hay người kia mà mang dáng dấp của nhiều người. Vì thế, anh Nhẫn là hư cấu văn học của tôi.

+ Mối liên hệ giữa nguyên mẫu và nhân vật tưởng rất chặt chẽ, mà cũng thật mơ hồ?

NV HP: Đúng thế, nhiều người tưởng phải lăn lộn mới viết được. Nhưng phụ thuộc quá nhiều vào tư liệu là cách làm báo, còn cách làm việc của nhà văn là gợi cảm rồi mới đến tư liệu, hoặc song hành cả tư liệu và cảm hứng sáng tác.

+ Cám ơn ông đã trò chuyện!

Ông Hồ Giáo quê xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi; là đại biểu Quốc hội khóa IV, V và VI.

Những năm phong trào hợp tác hóa phát triển, ông Hồ Giáo về nông trường Ba Vì (Hà Tây) chăn nuôi bò sữa và được phong Anh hùng Lao động năm 1966.

Năm 1976, ông về nông trường Sông Bé tiếp tục chăn nuôi trâu Mura và ở đây, ông thêm một lần được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động.

Anh hùng Hồ Giáo là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều văn nghệ sĩ: thơ “Gặp anh Hồ Giáo” của Tố Hữu, ca khúc "Bài ca anh Hồ Giáo" của Nhật Lai; phim “Chân dung một anh hùng” của đạo diễn Đinh Anh Dũng, “Cỏ xanh im lặng” của NSND Nguyễn Thước và phim “Người bình thường” của Đài TH Quảng Ngãi.

Nhà văn Hồ Phương là tác giả của hàng loạt tiểu thuyết, trong đó nhiều cuốn về đề tài Công an.

Ông là một trong 15 nhà văn vừa được Bộ Công an vinh danh “Nhà văn Việt Nam vì ANTQ và bình yên cuộc sống”.

Truyện ngắn “Cỏ non” là một trong 3 tác phẩm mang về Giải thưởng Nhà nước cho ông.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại