Sau khi phát hiện kho rùa biển tại nhà bà Thanh, tổ liên ngành tiếp tục kiểm tra kho hàng thứ hai cách đó khoảng 1km, phát hiện tại đây có nhiều giàn phơi nghi là để xử lý rùa biển cùng vải vụn nghi để nhét vào bụng rùa làm tiêu bản.
Địa điểm thứ ba là một trang trại ở xã Phước Đồng, tổ liên ngành phát hiện ngay bên ngoài sân của trang trại có để rất nhiều vỏ trai tai tượng, nhưng không thấy rùa biển.
Được biết, trai tai tượng có tên khoa học là Tridacnagigas, là loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo vệ, bị cấm khai thác, đánh bắt.
Bà Thanh khai rằng số rùa biển trên là của ông Hoàng Tuấn Hải (SN 1972, ngụ thôn Phước Lợi, xã Phước Đồng) đem đến gửi vào cuối tháng 11 vừa qua.
Tổ công tác làm việc với ông Hải, ông này xác nhận số rùa biển khô, tươi này là của ông gửi ở nhà bà Thanh.
Trước đó, kho chế tác mỹ nghệ của Hải ở hai thôn Phước Hạ và Phước Lợi, xã Phước Đồng bị phát hiện nên Hải đem số rùa trên gửi nhờ vào gia đình bà Thanh.
Được biết, số rùa này ông Hải mua của các ngư dân đi biển với giá từ 200.000 – 800.000 đồng/con.
Khi cơ quan chức năng hỏi giấy tờ thì Hải không xuất trình giấy phép kinh doanh cũng như xuất xứ của số xác rùa biển trên.
Được biết, cách đây 1 tháng, cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa phát hiện 2 cơ sở sản xuất mỹ nghệ của ông Hải cất giấu 4,4 tấn tiêu bản rùa biển, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa đang tạm giữ, chờ xử lý theo quy định của pháp luật.