Tiếng thở dài trên xóm rác giữa Thủ đô

daquynh |

Ít ai nghĩ đằng sau những ngôi nhà cao tầng trong con ngõ 36 Hoàng Cầu là những túp lều rách nát, những mảnh đời cơ cực.

Nằm lọt thỏm giữa những khu nhà cao tầng, bãi ve chai rộng khoảng 1.000m2 là nơi sinh sống của gần 200 con người lam lũ, quanh năm sống bằng nghề nhặt rác.

Trông chờ vào mảnh ruộng ở quê chỉ đủ ăn chứ không có tiền cho các con học hành. Vì thế người ta tràn ra Hà Nội kiếm sống. Người nọ giới thiệu người kia, dần dần một “xóm ve chai” được hình thành.

Tuy nhiên, dù cũng là một nghề để mưu sinh, nghề ve chai bị người đời nhìn bằng ánh mắt thiếu thiện cảm, khiến những người làm nghề này phải nhiều lần khóc tủi.

Xóm ve chai ngập trong đủ loại rác

Chị Nguyễn Thị Mơ (33 tuổi, Nam Trực, Nam Định) nghẹn ngào kể: “Mình đã bị chửi là “con phò, con đĩ”, “cái bọn đồng nát, đi đâu là mất đấy”... Nhiều khi ngồi tủi thân phát khóc. Mình là người mà sao người ta dùng những câu nặng nề quá. Ai chẳng muốn làm việc nhàn hạ, nhưng vì cho các con ăn học mà mình phải chấp nhận công việc này”.

Chị Phạm Thị Thơm (46 tuổi, quê Nam Trực, Nam Định) đã theo nghề ve chai được 18 năm. Chồng mất đã lâu, một mình chị nuôi 3 con ăn học, dựng vợ gả chồng cho con từ những đồng tiền kiếm được bằng nghề nhặt rác, chị phải tằn tiện hết mức.

Vừa kéo gấu áo che vết sơn đỏ loang lổ ở tay, chị Thơm tâm sự: "Nghề này nó bẩn lắm chị ạ. Mình cố làm cho em ăn học thôi. Em nó học xong mình cũng về quê sống. Mà khổ nỗi cái nghề này là khi con mình lên đây chơi nó còn không dám thay quần áo để giặt chứ đừng nói ngủ lại với mẹ một đêm".

Theo SGDT

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại