1. Mấy tuần nay, dư luận dậy sóng, dân mạng xầm xào về chuyện… chơi chim!
Nghĩ cũng lạ bởi trong cái bon chen tức tưởi của dòng đời, con người vẫn nhí nhảnh đến thế, khi cứ bàn lui tới về con chim bay trên trời cao của công danh và, con chim cũng “bay” trong cái lồng cao chật hẹp của sự chăm, bón, dỗ, dành – để dành…
Rất có thể chuyện bắt đầu từ chỗ báo chí ngợi ca về “thú vui giản dị” của một giám đốc trẻ rất thích chơi chim.
Xưa, độ 60 tuổi người ta mới thích chơi chim, chăm hoa, cây cảnh. Nay, thời đại của cái tôi, thì tuổi 30 chơi chim, cũng chẳng còn là chuyện lạ.
Nhưng đôi khi, muốn cắc cớ mình, tự vấn mình: Không hiểu những người chơi chim có bao giờ thấy thương xót cho cảnh tuyệt vọng của cô đơn khi con chim hót để gọi bạn mãi hoài mà không thể nào có được?
Đối với những người ưa tự do, thì việc nhốt một sinh vật bé nhỏ trong cái lồng chật hẹp khó có thể là một thú… VUI.
2. Có lẽ là điều đáng trách khi người viết bài này có “tư duy” hơi ngược với nhiều người: Dẫu con chim trong lồng có hót hay đến mấy, nó vẫn làm tôi xót xa cái cảnh cá chậu, chim lồng đau đớn.
Khi cu con tôi 9 -10 tuổi, bắt chước chúng bạn (hoặc giả, muốn làm ‘người đàn ông đích thực’), nó tập tành chơi chim.
Đầu tiên, nó đem về con chim chào mào - ắt hẳn để tham gia cuộc thi “tiếng hót chim chào mào”. Chờ hai ba ngày cho cu cậu hơi chan chán, tôi mở lồng cho nó bay đi.
Câu đầu tiên khi đón con đi học về là tôi nhận lỗi, ba cho ăn, lỡ quên đóng cửa, chim bay mất rồi.
Lần thứ hai là một con chim khá quý, tôi quên mất tên. Bổn cũ soạn lại. Thấy mắt con rơm rớm, tôi ân hận, nhưng rồi việc cũng nguôi êm… Từ sau lần ấy, hai cha con chẳng bao giờ bàn về chim hay bất cứ từ gì liên quan đến… chim!
Đến bây giờ, khi cu con đã là một chàng trai 25 tuổi, tôi vẫn chưa dám chắc là nó “biết” hay không biết, hiểu hay không mấy câu chuyện xưa.
Thuở nhỏ, mỗi khi đi làm về thấy nhà bẩn, chúng tôi không quét, bát đũa ăn từ sáng không rửa là mẹ tôi lại la: “Mấy đứa bay như cò, có giật mới máy”.
Chờ đến khi mẹ nguôi giận, tôi hỏi, bả mới trả lời rằng, cò trong trường hợp này là con cò làm chim mồi bẫy lũ cò.
Nó ít khi động đậy nên người ta phải đứng đằng xa giật dây, bắt nó động đậy cho lũ cò bay trên cao có thể thấy, để lao xuống và… sập bẫy.
3. Chuyện dân gian trên thế giới bàn về chim có nhiều lắm! Chuyện thực cũng chẳng kém cạnh gì.
Đến thế kỷ 21 này, nhiều bộ tộc trên thảo nguyên vẫn nuôi – luyện được loài chim săn. Đây mới đích thực là công nghệ cao, tài năng lớn của “nghệ thuật” chơi chim: Vẫn cho chim bay mà nó vẫn quay về, thậm chí, còn mang cả “chiến lợi phẩm” về cho chủ.
Người xưa kể có con chim quý, cứ sau một thời gian, thấy tiếng hót của nó hay hơn, chủ nó lại thay lồng. Đầu tiên là cái lồng đan, hiểu sơ sơ như chức phó phòng. Sau đó, là cái lồng gỗ quý trau chuốt óng ả, đó là lồng trưởng phòng.
Rồi đến một lúc nào đó, mọi sự trau hay chuốt không đủ thì phải đưa lên mức sơn son, thếp vàng, tạm gọi là “lồng giám đốc”…
Khi nói về một đứa trẻ con nhà giàu được dạy dỗ, chăm sóc quá đáng, dân gian ví là “chim trong lồng”.
Luận về thân phận tủi nhục thì người ta lại nói “cá chậu chim lồng”. Nổi tiếng nhất trong cái sự bàn, có lẽ là nữ nhà thơ Mỹ Maya Angelou với bài: Tôi hiểu vì sao chim hót trong lồng (I know why the caged bird sings)…
4. Truyện cổ của người Đức có câu chuyện thật hay: Chim ưng làm tổ trên vách đá cheo leo nhất, chỗ cao nhất. Khi lũ chim non mọc gần đủ lông cánh, chim mẹ dạy lũ con tập bay, chim bố đi kiếm thức ăn.
Chim mẹ cứ lo sợ lũ con chưa đủ lông, đủ cánh nên khi rời tổ, vực sâu và vách đá sẽ xé tan xác chúng. Vì thế, nó cứ loay hoay mãi mà chẳng có con chim non nào biết bay.
Một lần, chim bố “đi làm” về, thấy cái cảnh ngứa mắt, thế là, nó chẳng nói chẳng rằng, đạp phắt cả lũ con bay ra ngoài.
Trong sự tuyệt vọng sống – chết, bầy chim non ra sức vùng vẫy, hầu như tất cả đều sống thoát để làm bạn với trời xanh. Chỉ có một chú chim con, do không thể vượt qua cái khoảnh khắc cuối cùng của sợ hãi nên đã bị đập vào vách đá.
Bài học từ truyện cổ có hàng trăm năm và chắc hẳn người Đức là dân tộc thấm thía nên kể mãi hoài. Họ biết rõ cái cách dạy con trong cảnh lầu son, gác tía, rồi tự mặc định ra cách nhìn nhận nhân tài, để thay lồng, nguy hại đến thế nào.
Nhiều người khác cứ thích mình tự nghe mình nói về tài năng của con cái y như chim ưng mẹ, cho dù chúng nó chẳng biết bay!
5. Tản mạn về chim có thể chỉ là vài ba điều có thể ngẫm, nhưng giật mình vì một nỗi lo mơ hồ rất thực:
Ai đó chơi chim cũng không sao, nhưng sẽ thật tuyệt nếu người đó không chỉ nghe được tiếng chim hót mà còn biết nghe những tiếng kêu của dân khổ...
Giống như Nguyên Phó TGĐ Đài Truyền hình Việt Nam Trần Đăng Tuấn từng viết trên điện thoại di động, khi chờ quyết định chấp nhận đơn xin từ chức của ông: "Những gian khó của đời cha sẽ nếm/ Để gần hơn bao thân phận mất, còn".
Dù có biện giải cách nào đi nữa, nhấm nháp nỗi đau của con chim bị nhốt luôn đồng nghĩa với tiếng vọng từ vô thức là mình đang mê say “cầm tù” những khát vọng, dâng hiến của tuổi trẻ, tài năng.
Sự “giản dị” của trò chơi trong tầng mức này luôn hàm ẩn những xót xa…
Xem ra, loài chim có thể bay trên trời cao hay bị nhốt trong lồng son, luôn là chuyện gần gũi với con người.
Hiểu đúng và đủ về chim chẳng mấy dễ dàng. Các nhà sinh vật học nói rằng tất cả mọi loài đều bị “nhốt” trong cái lồng vô hình – ví như, chỉ cần lên cao hay xuống sâu một chút là con người không sống nổi bởi áp suất, thiếu dưỡng khí.
Một vài người chơi chim có thể là hiện tượng nhất thời. Nhưng, nếu đi đến đâu cũng thấy cảnh những con chim bị nhốt hay “được nuôi” trong lồng son, ‘chuồng’ tía thì quả là chuyện đáng bàn.
Những con chim nuôi trong lồng rất kỹ, rất lâu có chịu nổi giông bão cuộc đời? Những con chim bị nhốt cứ loay hoay quẫy đạp, phải chăng là “chỉ dấu” của một sự chạng vạng lẫn lầm?...
Huế, 29.9.2015