"Tỉ phú" bán sen, được ví như “Bùi Giáng”!

Như Phú |

Ông có tài xuất khẩu thành thơ và sống theo kiểu kỳ quái khiến nhiều người ví von ông là “phiên bản” của nhà thơ điên Bùi Giáng!

Ông tự xưng mình là “Nhà thơ hoa sen” vì ông thích làm thơ và yêu quí hoa sen. Ông yêu hoa sen đến độ nhà có gần cả ngàn mét vuông đất nhưng ông nhất quyết không bán mà đào ao trồng hoa sen trắng. Hằng ngày, ông hái những đóa hoa sen đẹp rồi bán cho người mộ đạo đem lên chùa cúng Phật.

Điều đặc biệt, suốt 20 năm qua, ông hái sen theo kiểu hành xác. Không hái vào sáng sớm mà hái từ 12 giờ trưa đến khoảng 16 giờ chiều. Những lúc hái hoa, dù nắng như đổ lửa nhưng ông vẫn để đầu trần và nhất quyết không mặc áo. Ông bảo: “Người ta mua sen của tôi lên chùa dâng Phật. Lâu ngày người ta sẽ sống hướng thiện. Do đó, Phật cũng ghi nhận lòng thành, công sức của tôi. Tôi kính Phật, yêu sen nên hái sen bán khắp nơi, dâng Phật khắp nơi!”.

 

 

Ông chọn những búp sen đẹp để hái bán vì nó lâu tàn

 

Ông mua chiếc quần phụ nữ rồi tháo bỏ dây thun thay thế bằng dây ny- lông trắng

 

Ông chọn quần phụ nữ vì nó dài, nhẹ. Ống quần luồn trong trong vớ chân để khỏi bị đỉa hút máu

 

Da ông cháy đen vì 20 năm đầu trần, mình trần hái sen.

 

Ông còn hái gương sen bán. Ông nói: “Phật ngồi trên cái đài sen này vì vậy nó tinh túy lắm!”

Nói về sự yêu thơ của ông cũng có nhiều điều thú vị. Chỉ cần ngồi quán nước nghe thấy một chuyện gì đó động lòng là ông có thể xuất khẩu ngay một bài thơ. Khi biết chúng tôi có nhã ý nghe thơ do ông sáng tác, ông đáp ứng ngay. Dù trời đang nắng cháy da nhưng ông vẫn "phiêu" rồi nghêu nga: “Thơ tình anh viết mấy trang/ Biết em có giải ẩn tình cho anh/ Đò anh mấy lượt rước đưa/ Bây giờ đưa rước một trang bi tình”….

Tất cả bài thơ do ông đọc đều không có tựa đề, không được viết ra giấy. Ông tự xưng mình là “nhà thơ hoa sen không nói không cười”. Ông bảo mình xem nhà thơ Hàn Mặc Tử vừa là sư phụ vừa là đối thủ. Ông tự hào, đảm bảo ngay cả những nhà thơ Trung Quốc cũng không “xuất khẩu thành thơ” nhanh như ông. Không chỉ làm thơ tình, ông còn sáng tác các chủ đề về Hoàng Sa, Trường Sa, ca ngợi Bác Hồ, tôn kính Phật pháp. Nhiều người quen biết, nhất là các chủ quán bán giải khát ven đường ở khu vực xã Tương Bình Hiệp (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) đã được nghe ông đọc thơ. Chị Nở, chủ một quán nước kể: “Ổng ngồi uống nước mà nghe được chuyện gì mủi lòng là làm thơ ngay. Nhanh tức thời luôn. Thơ ổng có vẻ lộn xộn nhưng cũng tình cảm lắm”.

 

Khuôn mặt “phiêu” khi đọc thơ tình

 

Giữa trời nắng chang chang

 

Khi hái sen, trên thắt lưng của ông có một cái bàn chải giặt đồ

 

...ông dùng nó để...gãi ngứa

Sau khi hái sen xong ông tắm cho mình rồi tắm cho sen. Màu ông thích nhất là màu trắng, vì thế, ông buộc lưng quần bằng dây ny-lông trắng và bó sen cũng bằng loại dây này.

 

Tắm cho sen và đi bán sen vẫn theo kiểu khổ hạnh

 

Cột lưng quần và bó sen bằng dây ny-lông trắng. Mỗi bó sen ông bán từ 5-20 ngàn đồng tùy từng khách mua. Người mua càng nghèo ông bán càng rẻ

 

Chiếc xe bán sen rất nặng vì mang theo 50-60 lít nước dùng để “tắm sen” vậy mà ông vẫn đẩy đi bán hàng chục cây số mỗi ngày

Ông bình thản kể về thời niên thiếu của mình mà như của người khác. Bố ông có vợ bé bỏ mẹ con ông. Đến năm 19 tuổi ông ngộ ra đạo Phật và theo một vị sư phụ đi tu. Đến lúc giải phóng đất nước, ông làm nghề hớt tóc dạo. 20 năm qua, ông sống qua ngày bằng nghề hái sen bán. Chỉ sống mình ên và nghèo nàn nhưng ông bao giờ cũng cho rằng mình là người hạnh phúc vì phục vụ Phật, hướng người ta đến tính thiện. Thậm chí trong ao sen có nhiều cá nhưng ông không bao giờ bắt ăn vì ông không muốn sát sanh.

Nghe hỏi vì sao không bán bớt đất đi để có tiền sống sung sướng, ông Xuân cười vui vẻ: “Sung sướng để làm gì. Cái gì rồi cũng tiêu tùng thôi. Tôi muốn để lại cái ao sen”.

 

Cổng vào nhà ông được ông ghép từ nhiều cánh cửa. Cách mở cổng rất phức tạp chỉ có chủ nhân mới biết cách mở

 

Cơ ngơi của ông rộng gần cả ngàn mét vuông. Trước cổng là con đường nhựa chiều ngang 5m. Ông nhất quyết không bán khuôn đất này

 

Cánh cửa chính vào nhà ông được trang bị hệ thống dây xích và khóa kỳ cục. Khóa trên, khóa dưới

 

Muốn mở khóa trên phải bắc ghế.

 

Một góc áo sen trắng trong vườn nhà ông

 

Gia tài là những đôi dép

 

Ông tự thiết kế lại những đôi dép bằng cách cắt quai, luồn dây ny- lông

 

Ông đục lỗ khắp thân dép.

 

Khi mang lỗ này bị rách thì ông luồn dây qua lỗ khác

Đến nhà người đàn ông có mảnh đất giá bạc tỉ này mới thấy tài sản mà ông có nhiều nhất là bộ sưu tập gồm hàng chục đôi dép mà ông mua hoặc lượm về, cắt quai "thiết kế" lại theo ý ông. Cái quai dép nhất định phải là bằng dây ny-lông trắng. Ông hài lòng về những đôi dép mà mình sửa chữa, bảo mang chúng rất êm. Mỗi ngày ông đẩy xe đi bán sen hàng chục cây số bằng loại dép mà vẫn băng băng, đều bước.

Ông Xuân có lẽ là người duy nhất ở TP Thủ Dầu Một sống trong cơ ngơi cả ngàn mét vuông mà không có điện, có nước máy. Điều lạ lùng này xuất phát từ việc nhà ông có nhiều tôn, nhiều sắt; ông sợ điện nhiễm, giật chết. Riêng chuyện nước máy thì ông càng không cần vì "đã có lu hứng nước trời uống. Nhà tôi sát sông Cái. Tắm thì chỉ cần lấy nước sông là được rồi”.

 

Ông còn có bộ sưu tập khác gồm hàng chục chiếc lu bằng gốm

 

Chúng được bố trí theo một trật tự mà ông gọi là “nghệ thuật sắp đặt"

 

Những chiếc lu nhỏ, đậy nắp là lu chuyên đựng nước mưa. Khi trời mưa ông sẽ mở nắp những chiếc lu này để hứng

 

Ông uống rất nhiều nước mưa mỗi ngày nhưng ông bảo rất ít khi đau bụng

 

Thỉnh thoảng ông xách nước sông để tắm.

 

Ông là người hoài cổ. Bộ đồ nghề hớt tóc được ông lưu giữ hơn 20 năm qua.

Ông cho biết tết này ông phải tất bật hái hoa sen cho người đi lễ chùa. Ai thích nghe ông đọc thơ hoặc muốn ghé nhà thăm ông thì phải đến vào buổi chiều tối. Nhà ông khá dễ tìm. Tới phường Tương Bình Hiệp cứ hỏi: “Ông già bán sen thích làm thơ ở chỗ nào?”! Nhất định khối người biết!

Ông lão kỳ lạ này là cụ Nguyễn Văn Xuân, 81 tuổi, cư ngụ tại phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Như Phú

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại