Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp tăng ngoạn mục: Buồn hay vui?

vytran |

Dồn dập các địa phương công bố điểm thi và tỉ lệ đỗ tốt nghiệp. Đúng như dự đoán, nhiều nơi tỉ lệ đỗ cao hơn năm ngoái.

Từ ngày 15/6, nhiều sở giáo dục và đào tạo trong cả nước lần lượt công bố điểm thi, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm2011 của địa phương mình. Kết quả cụ thể cho thấy, gần như địa phương nào cũng có tỉ lệ, kết quả đỗ tốt nghiệp khá cao, vượt xa so với các năm trước, có nhiều trường tỉ lệ đỗ đạt 100%. Đặc biệt hệ GDTX, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay tăng cao đến đột biến.Tại Bắc Cạn, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp tăng mạnh ở cả hai hệ. Cụ thể là tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay đạt 88,7%, tăng gần 20% so với năm trước. Đối với hệ GDTX, tỉ lệ đỗ đạt 88,86% - tăng trên 40%.

Tỉ lệ TN cao không hẳn là niềm vui cho nhiều người

Tỉnh Kiên Giang kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt 97,34% với 7 trường THPT có tỉ lệ học sinh thi đỗ đạt 100%. Hệ GDTX, 1.875 thí sinh thi đỗ, đạt 86,84%. Như vậy, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của Kiên Giang năm nay đạt cao nhất trong hàng chục năm qua.

Còn ở Thừa Thiên - Huế, hệ GDTX đỗ tốt nghiệp tăng đột biến. Ở hệ này, tỉ lệ tốt nghiệp của học sinh Thừa Thiên - Huế tăng hơn 34% lên đến 91,37%, trong khi năm 2010 chỉ dừng lại ở mức 56,87%.

Vậy những nguyên nhân, yếu tố nào đã góp phần làm cho kết quả, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay lại "tăng trưởng" ngoạn mục đến thế?

Đề thi vừa sức, thậm chí có môn quá dễ

Không phủ nhận việc đây là năm tốt nghiệp thứ 3 của chương trình phân ban bậc THPT. Nhà trường, thầy cô giáo có nhiều kinh nghiệm, phương pháp tốt trong quá trình giảng dạy, tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp cho học sinh. Tăng cường thời lượng ôn tập, tập trung củng cố, đào sâu kiến thức trọng tâm, cơ bản, lên kế hoạch, tổ chức nhiều lần thi thử tốt nghiệp, thi đại học…

Tuy vậy, theo nhận định của các giáo viên, đề thi các môn nhìn chung là vừa sức, sát kiến thức, nhiều em hoàn thành bài làm trong thời gian ngắn, bước ra khỏi phòng thi trong tâm trạng rất phấn khởi, mừng vui.

Theo các thầy cô giáo bộ môn Toán thì đề thi môn Toán năm nay quá nhẹ, quá dễ, hơn nhiều so với các năm trước, do đó, điểm môn Toán ở hầu hết các hội đồng thi đều cao chót vót.

Đề thi các môn trắc nghiệm: Vật lý, Sinh học và Ngoại ngữ năm nay có điều làm giới chuyên môn thất vọng là số lượng phiên bản đề quá ít, chỉ có từ 4 đến 6 bản đề, ít hơn một nửa so với các năm trước.

12 bản đề như năm ngoái mà nhiều thí sinh vẫn có thể truyền ký hiệu, trao đổi, quay cóp bài của nhau được. Vậy mà, năm nay, chỉ có 4-6 bản đề nên các thí sinh càng thuận lợi, càng dễ dàng "qua mặt" giám thị.

Bởi lẽ đối với các môn thi trắc nghiệm, học sinh có rất nhiều kinh nghiệm làm bài; chỉ cần trong phòng thi có 1 em làm được bài, lập tức các em sẽ chuyền cho nhau đáp án đúng bằng cách ghi lời dẫn mở đầu của câu hỏi và kèm theo đó là đáp án A, B hoặc C, D.

Nhiều em vẫn có cách copy rất tinh vi mà giám thị không thể nào lập biên bản (học sinh ghi vào giấy nháp cỡ chữ lớn để các bạn trong phòng coi theo).

Mặt khác, hầu hết học sinh lớp 12 đều tham gia học nghề, có điểm khuyến khích cộng điểm tốt nghiệp, từ 1 đến 2 điểm. Theo thống kê nhiều trường, thì khoảng 10% thí sinh được "cứu" từ việc có điểm khuyến khích đó, khi điểm thi ngấp nghé 28, 29. Điểm nghề tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn, góp phần đưa tỉ lệ đậu tốt nghiệp nhiều trường, nhiều địa phương tăng lên.

Kỷ cương phòng thi chưa nghiêm

Đây là vẫn đề khá cốt lõi để có 1 kỳ thi nghiêm túc, đúng thực chất. Vậy mà theo nhiều thầy cô giáo đi làm công tác coi thi, thì tính kỷ cương, nghiêm túc trong kỳ thi vừa qua ở nhiều Hội đồng coi thi đã có dấu hiệu bị buông lỏng, xem nhẹ.

Đây là năm thứ 2, tất cả thành phần của Hội đồng coi thi đều là nội bộ, "người nhà", không có lực lượng thanh tra ủy quyền của Bộ cắm chốt nên nhiều hội đồng thi có biểu hiện vi phạm. Những tiêu cực của thí sinh, giám thị thường được bỏ qua, lấp liếm, dàn xếp nội bộ....

Thanh tra Bộ khoảng 600 người, phân về mỗi tỉnh một đoàn, năm bảy người, chỉ đi thanh tra đột xuất, giống như những năm trước đây, theo tôi không thể “ăn thua” gì. Mỗi hội đồng thi, giỏi lắm đến "cưỡi ngựa xem hoa" được vài ba vòng, chừng 10 đến 20 phút là cùng. Lúc đó, những “kịch bản” có lớp lang đều đã chuẩn bị chu đáo đón Thanh tra.

Thầy L.T.L, ở tỉnh Kon-Tum cho biết: "Những biểu hiện không bình thường (từng xuất hiện trong kỳ thi tốt nghiệp THPT trước năm 2006) nay bắt đầu hoành hành trở lại. Hội phụ huynh, sở tại hết lòng phục vụ các thầy, cơm bưng, nước rót, ăn uống liên miên.... từ tiền đóng góp "tự nguyện" của phụ huynh học sinh. Nhiều lãnh đạo hội đồng đến giám thị, người làm bảo vệ... cũng thi đua nhau gởi "gà". Thậm chí, có chuyện giám thị nháp bài, dàn xếp giám thị người A, người B, vào phòng C để " hỗ trợ" cho "gà" vượt khó khăn"Thiết nghĩ, nếu tổ chức thi tốt nghiệp thiếu đồng bộ, triệt để, không nghiêm túc như hai năm qua, Bộ GD&ĐT nên bỏ kỳ thi Tốt nghiệp THPT, thay vào đó là xét công nhận Tốt nghiệp THPT cho học sinh sau khi hoàn thành chương trình học là hợp lý nhất.

Theo VTC.vn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại