Thượng úy là thầy của... 6 vị tướng

lananh |

Khi ấy, ông mới 25 tuổi, dạy lý, hóa cho 6 vị tướng (trong đó có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) nên rất run...

Người thầy giáo ấy là Doãn Mậu Hòe (hiện là đại tá), nguyên Hiệu trưởng Trường Văn hóa Quân khu V.

Vượt qua gần 40 giáo viên, ông và một người nữa được Tổng cục Chính trị chọn giao dạy văn hóa cho 6 vị tướng.

Những học trò đặc biệt là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Song Hào, Trung tướng Lê Quang Đạo, Trung tướng Phạm Ngọc Mậu và Thiếu tướng Phạm Kiệt.

Thầy giáo - Đại tá Doãn Mậu Hòe

'Họ đã là những tướng lĩnh nổi tiếng, chỉ huy hàng ngàn người. Trước mặt thủ trưởng, liệu tôi có đủ can đảm đứng lớp…' thầy Hòe nhớ lại cảm giác hồi đó.

Vậy là lần đầu đứng trình bày trước các vị tướng, ông loay hoay không biết xưng hô thế nào cho phải phép.

Nhớ lại giây phút đó, thầy giáo Hòe ngượng ngùng cười:

'Mở đầu, tôi run run nói: 'Mời sáu thủ trưởng mở sách vở chép bài, chúng ta bắt đầu buổi học'.

Thấy tôi xưng hô lúng túng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đề xuất:

'Theo tôi, khi vào lớp học, giáo viên gọi chúng tôi là anh. Còn chúng tôi gọi giáo viên là thầy. Khi ra thao trường thì trở lại là thủ trưởng và đồng chí'.

'Từ đó tôi mới mạnh dạn xưng hô và công việc đứng lớp diễn ra suôn sẻ,' thầy Hòe nói.

Đại tá Doãn Mậu Hòe kể mỗi vị tướng - học trò có cá tính riêng nhưng ai cũng kiên trì học hỏi.

Nhớ về anh học trò, thiếu tướng Phạm Kiệt, ông ngậm ngùi kể:

'Thủ trưởng Kiệt tham gia cách mạng từ những buổi đầu kháng Pháp, bị tù đày, đánh đập nên trí nhớ bị ảnh hưởng.

Tôi dạy chương trình lớp 3 và lớp 4 nhưng học trước, quên sau.

Mỗi lần anh suy nghĩ căng thẳng thường xoa đầu, bóp trán và bảo đầu đau như búa bổ. Những lúc ấy tôi chỉ biết đến bên động viên, gợi nhắc bài học từng chút một.

Trong một lần kiểm tra bài cũ, anh Kiệt chỉ nhớ được mang máng nên tôi phải nhắc khéo, gợi mở.

Khi trả lời hoàn chỉnh câu hỏi bài tập, anh ấy đã bật khóc òa và chạy đến ôm chầm lấy tôi và nói: 'Thầy thông cảm, tôi mừng quá, vì lâu nay cứ sợ cái đầu không còn học được nữa'…

Năm 1965, khóa học kết thúc, như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, ông lại được phân công chủ nhiệm và trực tiếp giảng dạy cho các con trai của học trò cũ.

Dù chỉ gắn bó với nhau hơn một năm nhưng tình cảm thầy trò giữa ông và các vị tướng rất thắm thiết.

Ông kể cứ vào dịp ngày Nhà giáo Việt Nam hằng năm, 6 anh học trò lại tổ chức một bữa cơm thân mật mời thầy giáo trẻ đến dự.

'Các anh ấy thay nhau chúc rượu, khiến tôi say túy lúy...'

Theo VnExpress

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại