Thưởng Tết của giáo viên: “Nhìn mà muốn ứa nước mắt”

Thanh Thảo |

(Soha.vn) - Phần quà gọi là “thưởng Tết” đó thực chất là được trích từ nguồn quỹ công đoàn. Giá trị của những món đồ này chỉ từ mấy chục nghìn đồng.

Năm 2013 vừa qua là một năm kinh tế gặp nhiều khó khăn. Chính vì lẽ đó, chuyện thưởng Tết gần như là quá xa xỉ đối với nhiều doanh nghiệp, cũng là chuyện “không tưởng” của nhiều người lao động.

Theo Trưởng phòng Chính sách Lao động – Tiền lương, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Phạm Văn Thanh cho biết, mức thưởng Tết năm nay sẽ không được cao bằng những năm trước. Dự kiến mức thưởng Tết bình quân của các DN cho người lao động sẽ dao động ở mức 2 - 7 triệu đồng/người. Với các DN vốn nhà nước, mức thưởng Tết bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người.

Thế nhưng, so với những giáo viên tại các huyện vùng sâu vùng xa hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum thì nó vẫn là một điều ước không với tới. Theo đó, dù phải dạy học trong điều kiện khó khăn nhưng chế độ hỗ trợ cho những giáo viên này vẫn còn thấp. Quà Tết khiêm tốn, chỉ là nhu yếu phẩm như dầu ăn, nước mắm... nhưng vẫn được nhiều giáo viên vùng cao ở Gia Lai, Kon Tum gọi là “thưởng Tết”.

“Nghe đồng nghiệp, bạn bè hỏi về lương tháng 13, 14 mình chẳng biết trả lời thế nào. Ở đâu chứ giáo viên vùng xa này Tết đến được về nhà đoàn tụ với vợ con, gia đình là hạnh phúc rồi. Còn thưởng Tết thì đâu có nhiều, có khi là dầu ăn, bột nêm hoặc gói bánh kẹo”, thầy Bình giáo viên trường THCS xã Ngọc Tem (huyện Kon Plông) cho hay.

Phần quà gọi là “thưởng Tết” đó thực chất là được trích từ nguồn quỹ công đoàn. Giá trị của những món đồ này chỉ từ mấy chục nghìn đồng nhưng nó cũng làm “ấm lòng” các thầy cô.

Giáo viên ở các huyện vùng sâu vùng xa hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum phải dạy học trong điều kiện khó khăn nhưng chế độ hỗ trợ vẫn còn thấp.

Sau khi thông tin về thưởng Tết của các thầy cô giáo tại trường học ở Gia Lai và Kon Tum được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, nó đã nhận được sự phản hồi của nhiều độc giả. Tất cả đều thể hiện sự cảm thông, chia sẻ và động viên các thầy cô cố gắng vượt qua khó khăn, vất vả này.

“Không phải ở giáo viên ở vùng cao đâu, tôi là giáo viên miền xuôi, công tác hơn 10 năm, năm nào mà không nửa ký hạt dưa, chai dầu ăn, bị bột ngọt,... trị giá khoản trăm ngàn. Còn chuyện thưởng tiền ngay cả vài trăm cũng chưa bao giờ có”, độc giả Trần Xuân Triển chia sẻ.

“Từ khi tôi vào dạy tính đến nay là 3 năm. Nhưng tôi chưa nhận được một phần thưởng Tết nào. Có chăng chỉ là 1 phần duy nhất của công đoàn vào năm rồi trị giá 50.000 đồng do chúng tôi tự đóng tiền vô”, Cẩm Tú viết.

Độc giả Phúc Anh giọng đầy xót xa: “Đọc mà thấy nao lòng! Biết rằng các thầy cô đi dạy đã được nhà nước trả lương nhưng vẫn buồn. Thực tế nhiều ngành khác được nhiều hơn thế. Thầy cô chính là người tạo ra nguồn lực cho các ngành khác nhưng lại chịu nhiều thiệt thòi quá!”.

“Những món thưởng Tết của các thầy cô nhìn mà muốn ứa nước mắt. Xót xa quá, đau lòng quá. Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra. Làm gì có cái gọi là tháng lương thứ 13. Mong các thầy cô hãy giữ vững tinh thần nhiệt huyết để truyền lửa cho các thế hệ học trò, mầm non của đất nước”, nick name kichikichi chia sẻ.

 

“Tôi là một giáo viên nên khi đọc bài viết này không có gì là bất ngờ. Thường các tỉnh nhất là vùng quê chân lấm tay bùn thì giáo viên có quà tết xem như là quí, gọi là quà cho có vẻ hoa mỹ tí thực ra chỉ chai dầu ăn, chai nước mắm... Có nơi chi 50.000 đồng/giáo viên, nơi nào khá hơn thì 100.000 đồng hoặc cao lắm là 200.000 đồng. Quê tôi vùng đồng bằng (Bến Tre) cứ Tết đến anh em ai cũng hỏi nhau: Công đoàn có quà không? Tôi thường trả lời: có chứ! (vì tôi làm cán bộ công đoàn), thế là anh em đều vui vì ít ra ngày Tết cũng có sự quan tâm của nhà trường và Công đoàn dù ít hay nhiều nhưng quí là sự chăm lo, sự ân cần và tình đồng chí.

Năm nay trường tôi sau khi tính toán thật kỹ mạnh dạn chi cho anh em mỗi phần quà trị giá 100.000 đồng cũng gồm nhu yếu phẩm thôi. Chúng tôi hết sức đồng cảm với quí thầy, cô trong bài viết vì hình ảnh gói quà của thầy cô sao giống chúng tôi và tôi nghĩ còn nhiều người giống như thế.

Tôi tin rằng ở tất cả chúng ta giống nhau một điều là: tình yêu thương học sinh, tình đồng nghiệp và tinh thần vui tươi phấn khởi bởi lý tưởng sống chứ không vì vật chất. Phải không các bạn?”, độc giả Công Thương dốc bầu tâm sự.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại