Thực thi DOC, bước khởi đầu cho an ninh biển Đông

hoanghuyen |

Con đường đi tới một nền hòa bình và an ninh cho biển Đông đã có bước khởi đầu mới.

Trưởng đoàn SOM Việt Nam Phạm Quang Vinh (bìa trái) và người đồng cấp Trung Quốc Lâm Chấn Minh trả lời báo chí sau hội nghị ở Bali

Dẫu còn không ít khó khăn và phức tạp, nhưng việc ASEAN và Trung Quốc đạt được sự thống nhất để thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) đã tạo nên định hướng quan trọng cho việc giải quyết những tranh chấp.

DOC được ký năm 2002 giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, thể hiện tinh thần vì hòa bình và ổn định trên biển Đông, nơi có các tuyên bố chồng lấn về chủ quyền giữa các bên nói trên. Phải mất mười năm chuẩn bị, DOC mới được ra đời. Nhưng sau các cuộc đàm phán dai dẳng kéo dài thêm chín năm, DOC mới có hệ thống các hướng dẫn thực hiện để có thể giải quyết hữu hiệu hơn các tranh chấp trên vùng biển có đường hàng hải đông đúc và giàu dầu khí này.

Kết quả quan trọng đó đã diễn ra tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc chiều 21-7 ở Bali (Indonesia). Các Ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc đã đạt được sự nhất trí và chính thức thông qua Quy tắc hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

Trước đó, tại cuộc họp các quan chức cấp cao (SOM) ASEAN - Trung Quốc, các quan chức cấp cao hai bên đã thảo luận việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, một văn bản quan trọng ký giữa ASEAN và Trung Quốc, thể hiện cam kết chung thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hợp tác xây dựng lòng tin và giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Nhấn mạnh việc triển khai quyết định của Hội nghị cấp cao ASEAN 18 (tháng 5-2011), các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhất trí giao các quan chức cấp cao (SOM) ASEAN khởi động tham vấn trong ASEAN về xây dựng Bộ quy tắc ứng xử về biển Đông (COC) mang tính ràng buộc pháp lý cao hơn và báo cáo kết quả vào dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 19 cuối năm nay dựa trên động lực kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc trong năm 2011.

Các bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi cơ chế theo dõi thứ hai về những gì đang diễn ra ở biển Đông, chẳng hạn như hội thảo thường xuyên về quản lý xung đột tiềm năng tại biển Đông do Indonesia tổ chức, có thể khuyến khích hợp tác, củng cố lòng tin và hiểu biết lẫn nhau giữa các bên liên quan.

Dư luận quốc tế, trong đó có Mỹ, Nga, Nhật Bản đã hoan nghênh tiến trình xây dựng và thực hiện giải pháp hòa bình ở biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc.

Biển Đông là vùng biển rộng lớn ở Thái Bình Dương. Có chín nước tiếp giáp biển Đông là Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei, Philippines và Trung Quốc. Biển Đông gắn với các lợi ích thiết thân của hàng trăm triệu người thuộc chín nước liên quan. Nhiều nước khác cũng có lợi ích ở các mức độ khác nhau trong việc sử dụng vùng biển này theo các quy định của luật biển quốc tế. Do đó, biển Đông cần có hòa bình và an ninh bền vững, các tranh chấp đều phải được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình, theo đúng luật pháp quốc tế.

Theo CAND

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại