Trả lời về việc các chợ tạm, chợ quê chưa chấp hành các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, BộY tế cho biết: “Trách nhiệm là của UBND xã, phường sở tại”.
Ông Phong cho biết: Quyết định 41 về quy định bày bán thực phẩm với nhiều tiêu chí vệ sinh do Bộ Y tế ban hành từ năm 2005, quy định rõ các cửa hàng bán thịt phải có chứng nhận kiểm dịch của thú y; thịt phải được bày bán trên bàn cao cách mặt đất ít nhất 60cm, có thiết bị chống ruồi nhặng và các loại côn trùng gây hại khác; không được bày bán thịt bị bệnh, thịt ôi và thịt ô nhiễm; không sử dụng các chất bảo quản độc hại để bảo quản thịt...
Quy định là vậy nhưng chính thói quen, phong tục tập quán của người dân cũng góp phần làm tăng hoặc để tồn tại các thực phẩm mất an toàn này. Người dân vẫn giữ thói quen làm thịt gà, thịt lợn cạnh bờ ao, bên cống rãnh… sau đó mang ra chợ bán.
Rồi khi mang ra chợ cũng bày trên manh chiếu, để ruồi nhặng bâu… nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận mua. Còn chính quyền địa phương cũng cho rằng điều đó là đương nhiên nên để mặc cho tồn tại. Hoặc có những nơi làm nghiêm, dẹp bỏ thì tiểu thương sẽ chạy sang chỗ khác. Chỉ khi nào người mua “tẩy chay” thì mới không còn kiểu bán hàng mất vệ sinh nữa.
Bán thịt trên bàn gỗ cáu bẩn ở chợ Cọi (Thái Bình).
Nhưng tại sao ngay giữa thủ đô vẫn tồn tại 2 chợ bán thịt ôi thiu tại Hà Đông và chân cầu Thăng Long như vậy?
- Chúng ta đều biết rằng, chợ đó dành cho những công nhân nghèo. Có người bán hàng đã nói rất nghiệt ngã với cán bộ thanh tra y tế rằng: “Tôi chỉ bán thịt này cho gia súc, còn người ta cứ mua ăn thì làm sao tôi biết”. Đó chính là nghịch lý đau xót.
Bởi vì, cấm chợ thịt ôi, thịt rẻ đó họp, là bóp miệng những người nghèo. Nhưng cũng cần nâng cao ý thức cho người dân hiểu, ăn thịt ôi thiu sẽ dẫn đến các nguy cơ về sức khỏe. Nếu bị ngộ độc thực phẩm thì sẽ mất tiền gấp hàng chục, hàng trăm lần. Đồng thời, chính quyền các cấp cần có các giải pháp vĩ mô để nâng cao chất lượng sống cho nhóm người này.
Thế còn đối với những người mua thịt ôi thiu, rẻ tiền này về để chế biến trong các khu công nghiệp, các quán cơm bụi?
- Khó khăn khiến người ta bóc lột lẫn nhau. Tháng trước, chúng tôi đi kiểm tra tại các khu công nghiệp, trung bình bữa ăn của công nhân có giá từ 7.000-12.000 đồng. Trừ tiền lãi, tiền hoa hồng, mắm muối, công lao động, thì miếng ăn đến miệng công nhân chắc chỉ còn 2.000-3.000 đồng. Với giá đấy thì chỉ ăn lạc và đậu phụ cũng chưa đủ. Nhưng cũng không thể bắt công nhân ăn chay mãi. Vì thế, họ mới xoay sang mua thịt ôi, giá rẻ. Đó là nguyên nhân của hầu hết các vụ ngộ độc tập thể ở các khu công nghiệp.
Chúng ta cần tuyên truyền để các chủ lao động hiểu rằng, sức lao động của công nhân chính là tài sản mà họ cần bảo vệ. Nếu công nhân ăn không đủ, ăn thức ăn mất vệ sinh thì họ sẽ không đủ sức lao động, thậm chí doanh nghiệp còn bị phạt tiền… Ngoài ra, cán bộ thanh tra cần tăng cường kiểm tra bếp ăn tập thể, hàng quán, đảm bảo họ có giấy tờ đầy đủ về nguồn gốc thực phẩm…
Vấn đề quản lý việc bán thịt nói riêng và thực phẩm nói chung tại địa phương hiện vẫn đang tranh cãi giữa 3 ngành y tế, nông nghiệp và công thương. Trách nhiệm chính là của cơ quan nào, thưa ông?
- Sau khi Luật ATVSTP ra đời năm 2010, việc quản lý chất lượng chăn nuôi, giết mổ do Bộ NNPTNT phụ trách, việc kiểm tra lưu hành thực phẩm ở chợ do Bộ Công Thương đảm nhiệm. Tuy nhiên, người đảm bảo, giám sát, kiểm tra việc thực hiện tại địa phương thì do UBND phường (xã) phụ trách. Cụ thể, Điều 65 Luật ATVSTP quy định: “UBND chịu trách nhiệm quản lý ATTP trên địa bàn, quản lý điều kiện đảm bảo ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, các chợ trên địa bàn”. Nếu để tình trạng mất ATTP ở các chợ thì chứng tỏ các lãnh đạo UBND chưa làm tròn trách nhiệm.
Ông có cho rằng việc phối hợp 3 bên về chất lượng ATTP giữa Bộ Công Thương – Bộ Y tế - Bộ NNPTNT sẽ dẫn đến chồng chéo và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau không?
- Hoàn toàn không có việc chồng chéo nếu như mỗi bên làm đúng trách nhiệm được phân công. Còn về thực thi luật tại các địa phương thì hiện nay, mỗi xã (phường) đều đã thành lập ban chỉ đạo liên ngành về ATTP. Các ban này chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra, phát hiện, lập biên bản và xử phạt đối với các trường hợp vi phạm về ATVSTP và báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn. Nếu bộ phận này làm đúng chức trách, nhiệm vụ thì ATTP ở địa phương mới tương đối tốt được.