Việc ông Khổng Trọng Bình (trú phường Lê Lợi, TP. Bắc Giang) có căn nhà gỗ sưa giá hàng trăm tỷ đang khiến người dân Bắc Giang xôn xao, bàn tán. Thế nhưng, khi đón chúng tôi đến thăm ngôi nhà cổ, ông Bình vẫn thể hiện sự bình thản đến ngạc nhiên trước những mức giá khổng lồ mà nhiều người đã đưa ra để mong ông nhượng lại.
Ông Khổng Trọng Bình và ngôi nhà cổ được cho rằng làm hoàn toàn bằng gỗ sưa đỏ.
Ngôi nhà 3 gian không lớn, chỉ rộng khoảng 50m2nhưng được thiết kế bằng một phong cách hoài cổ với những hoa văn tinh tế đến rúng động lòng người. 24 cây cột trong nhà đều vẫn giữ được vẻ bóng đẹp với những đường vân mềm mại trầm phù ẩn hiện dấu tích thời gian.
Ngoài những cây cột thẳng đều tăm tắp ra, ngôi nhà còn thể hiện sự công phu của những nghệ nhân từ thời xa xưa qua những họa tiết, hoa văn độc đáo được chạm trổ trên kèo và xà nhà với những ánh hồng trong thớ gỗ. Đặc biệt, khi bước chân vào ngôi nhà cổ này, ai cũng dễ dàng cảm nhận được một mùi hương tự nhiên, rất dễ chịu.
Theo lời ông Bình, năm 2010, ông có dự định đi tìm mua một ngôi nhà cổ có kiến trúc đẹp để về làm nhà thờ tổ. Thế nhưng tìm khắp nơi ông vẫn chưa ưng ngôi nào. Đúng thời điểm ấy một người bạn ở TP Bắc Giang tâm sự muốn bán lại một ngôi nhà cổ bằng gỗ lim mới mua ở Hà Tĩnh về nhưng khi dựng lên thì quá nhỏ so với diện tích đất. Xem ảnh chụp ngôi nhà lúc chưa tháo dỡ, ông Bình mê quá nên gật đầu cái rụp và trả đủ ngay 350 triệu đồng.
"Ngôi nhà này tôi mua về để làm nhà thờ, chẳng có ai lại đem nhà thờ bán đi để lấy tiền tiêu cả. Nếu tôi giữ gìn ngôi nhà này và truyền lại cho con cháu thì đây sẽ là một bảo vật vô giá của dòng họ."- Ông Khổng Trọng Bình
Lúc xe ô tô chở ngôi nhà đã được tháo dỡ đổ xuống trước cửa nhà ông Bình, ngôi nhà cổ không khác gì một đống gỗ mục bám đầy bụi bẩn. Nào ngờ khi được cọ sạch thì gỗ chuyển từ màu đen sang màu hồng và khi phơi khô thì tỏa ra một mùi thơm dễ chịu. Thấy lạ, nhóm thợ được ông Bình thuê để tái dựng ngôi nhà xem lại chất liệu gỗ và tất cả đều choáng váng khi phát hiện ra đống gỗ trước mặt chính là loại gỗ sưa quý hiếm có giá đắt hơn vàng chứ không phải gỗ lim như gia chủ thông báo.
Thông tin chấn động này nhanh chóng từ đám thợ dựng nhà lan ra và tạo nên một làn sóng ồn ào khắp thành phố Bắc Giang và lan ra cả các tỉnh lân cận. Những người hiếu kỳ kéo đến chiêm ngưỡng ngôi nhà đặc biệt của ông Bình ngày càng đông. Thậm chí có một thợ gỗ ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh) sẵn sàng trả ông Bình 50 tỷ đồng để được sở hữu ngôi nhà.
Thời điểm chúng tôi có mặt, ông Bình cho biết có một bà giám đốc đến xem ngôi nhà xong đã đưa ra mức giá trên trăm tỷ đồng để mua lại ngôi nhà nhưng ông vẫn không đồng ý bán.
Gia chủ chia sẻ: "Nếu tôi bán ngôi nhà lấy hơn trăm tỷ đồng thì chắc hẳn từ giây phút đó, cuộc sống của tôi sẽ không được yên bình vì có trong tay số tiền quá lớn. Còn nếu cứ để nguyên là ngôi nhà cổ thì tôi chẳng lo gì cả. Không lo bị cướp tiền cũng không lo bị bọn sưa tặc cưa trộm.
Đâu là giá trị thật của ngôi nhà?
Cũng theo ông Bình, chủ nhân cũ của ngôi nhà là một bà cụ 90 tuổi quê ở Hà Tĩnh. Khi bà cụ về làm dâu thì đã thấy ngôi nhà được dựng lên rồi. Sau đó, vì đã gần đất xa trời nên bà cụ quyết định bán ngôi nhà lấy ít tiền để chia cho con cháu làm của hồi môn. Người bạn của ông Bình đã mua lại ngôi nhà rồi sau đó bán cho ông. Ông Bình cho biết người bạn đó khi nghe thông tin chấn động trên đã đến chúc mừng ông chứ không tỏ vẻ gì là nuối tiếc vì đã bán căn nhà quý chỉ với giá 350 triệu đồng.
Theo chỉ dẫn của ông Khổng Trọng Bình, chúng tôi tìm đến nhà người bạn cũng tên Bình đã bán ngôi nhà cổ cho ông. Nhà ông Bình đối diện cổng Sở Điện 7 TP. Bắc Giang. Gặp chúng tôi, ông Bình tỏ ra không mấy nhiệt tình trước những câu hỏi của chúng tôi về ngôi nhà.
Khác với thông tin của người sở hữu ngôi nhà hiện tại, ông Bình cho biết đây là ngôi nhà của các cụ nhà ông để lại ở Hà Tĩnh và ông không dùng nên bán đi chứ không phải do ông mua lại của người khác. Ông Bình cho rằng, ngôi nhà đó không phải là gỗ sưa bởi lẽ theo ông khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh không có gỗ sưa. Ngày xưa gỗ sưa chưa có giá trị cao như bây giờ, đường sá đi lại khó khăn nên chẳng ai cất công lên tận miền núi phía bắc để chuyển gỗ sưa về dựng nhà cả.
Thấy vẻ hứng thú của chúng tôi khi hỏi về ngôi nhà này, ông Bình liền mang ra cho chúng tôi xem một loạt những tấm ảnh chụp 2 ngôi nhà cổ khác có kiến trúc, theo lời ông Bình, còn đẹp hơn ngôi nhà được đồn là gỗ sưa rất nhiều. Dù niên đại lâu hơn nhưng giá của cả 2 ngôi nhà này chỉ có 300 triệu đồng và có thể đi xem luôn vì ngay ở TP. Bắc Giang.
Trước khi chúng tôi ra về, ông Bình còn đưa cho chúng tôi một tấm ảnh chụp một trong hai ngôi nhà cổ để "chào hàng". Ông bảo: "Tôi chỉ biết đó là nhà cổ của gia đình để lại, không dùng nên tôi bán. Nếu ai mua mà phát hiện ra đó là gỗ sưa thì người đó được hưởng chứ tôi cũng chẳng thấy tiếc nuối gì. Ai trả giá hàng chục tỷ thì đấy là việc của họ chứ với tôi thì những ngôi nhà đó chỉ đáng giá mấy trăm triệu thôi".
Theo Nguyễn Thắng
Danviet.vn