“Bao cấp” là từ dùng để chỉ giai đoạn lịch sử từ đầu năm 1976 đến cuối năm 1986 của thế kỷ trước. Khi mà hầu hết sinh hoạt kinh tế diễn ra dưới nền kinh tế kế hoạch hóa. Hàng hóa không được mua bán, trao đổi trực tiếp trên thị trường mà được nhà nước phân phối theo chế độ tem phiếu. Để sở hữu được sản phẩm được cung cấp, người dân phải xếp hàng rất lâu chờ đến lượt mình.
Tới quán, bạn có thể được nhìn lại những đồ vật vừa lạ, vừa quen của một thời để nhớ
Ngày ấy, quạt tai voi, bàn là Liên Xô, tivi Hitachi, xe đạp Vĩnh Cửu được coi là những vật dụng xa xỉ mà chỉ có nhà nào giàu lắm mới có. Và không phải cứ có tiền là mua được. Bao cấp, một giai đoạn khó khăn, thiếu thốn, vất vả nhất trong cuộc sống người dân. Nhưng đó cũng là quãng thời gian lưu giữ nhiều dấu ấn kỷ niệm khó quên của đời người.
Những đồ vật được coi là của nhà giàu thời bao cấp
Nằm trên con phố nhỏ Nam Tràng (gần Hồ Tây), mới đây có xuất hiện một quán ăn với tên “Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37” hấp dẫn thực khách bởi nơi đây đang làm sống lại những ký ức về thời bao cấp xưa ở Hà Nội. Không gian quán với mái ngói cấp 4, tường quét vôi thô càng đậm chất hoài niệm bởi những vật dụng dùng để trang trí quán vô cùng độc đáo, vừa rất đỗi thân quen lại vừa hết sức thú vị. Khách hàng đến đây để tìm lại ký ức xưa, để thưởng thức lại hương vị của những món ăn đã đi vào dĩ vãng, cũng có thể bởi nghe lời quảng cáo từ những người đi trước, hay đơn giản chỉ bởi sự tò mò, muốn khám phá một hình thức quán ăn mới mẻ...
Câu khẩu hiệu “Ở đây tai vách mạch rừng/ Những điều trông thấy xin đừng nói ra” cùng với chiếc xe đạp Thống Nhất treo lơ lửng trên tường nhà, và những vật dụng giản dị, thân thuộc của thời kỳ trước như bình bi – đông, đôi dép cao su, dép đúc Trung Quốc, viên gạch xếp hàng, biển hiệu “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, tem phiếu mua hàng, sổ lương thực... tất cả đều góp phần tái hiện đầy đủ không gian xưa trong Hà Nội ngày nay.
Không những vậy, thực đơn quán còn có nhiều món ăn đặc biệt, đậm chất “mậu dịch” xưa cũ, ít có ở Hà Nội hiện nay như: cơm độn khoai, nem mậu dịch, cá khô mậu dịch, dưa xào tóp mỡ, cơm cháy mậu dịch, rau củ luộc chấm sốt mậu dịch, cơm rang mậu dịch, salat mậu dịch...
Món cơm rang, cơm cháy "mậu dịch" rất lạ miệng và ngon
Những món ăn với thế hệ bây giờ quả thực ra lạ, nhiều món còn trở thành "đặc sản" như tóp mỡ xào dưa chua. Giờ nhà nhà đều dùng dầu ăn, quả thật rất hiếm hoi khi dùng mỡ rán để lấy tóp xào dưa. Tuy nhiên, nếu ai đã từng được thưởng thức qua món ăn bình dị này chắc chắn sẽ nhớ mãi hương vị thơm ngon của nó. Vị chua gắt của dưa đã dịu đi rất nhiều và hòa vào cái béo ngầy ngậy, thơm phưng phức của tóp mỡ.
Món dưa xào tóp mỡ giờ thành món ngon khó tìm. Nguồn ảnh: Internet
Hay món cơm độn khoai cũng là một món ăn lạ với nhiều người hiện này. Ngày xa xưa, khi gạo thiếu, người ta độn thêm khoai, thêm sắn cho nồi cơm đầy. Bố mẹ thường nói làm như vậy cho cơm thêm thơm và thường nhường cơm cho con cái. Những đứa con vài bữa đầu còn "tranh" khoai, sắn với bố mẹ vì quả thật nó rất thơm và ngọt. Rồi sau đó lại thèm cơm...
Cơm trộn giờ cũng toàn gạo ngon, khoai "xịn". Nguồn ảnh Internet
Giờ, gạo không thiếu, khoai, sắn cũng dư thừa. Món cơm độn khoai cũng chỉ còn cái tên, còn quả thực nó rất ngon vì gạo tốt, khoai, sắn cũng toàn đồ mới: sắn bở bung, khoai Nhật vàng ruộm, ngọt lừ... Quán mới mở và cố gắng phục vụ theo đúng kiểu "mậu dịch" xa xưa (tất nhiên là cũng có rất nhiều cải tiến trong khâu coi khách hàng là thượng đế!). Một vài khách hàng lớn tuổi hơi hoài niệm có nhận xét rằng không gian quán chưa thật sự giống ngày xưa, món ăn cũng vậy. Nhưng họ hài lòng vì dù sao cũng tìm được về một miền ký ức không thể lãng quên.
Còn với những khách hàng trẻ tuổi, cái tên quán đã tạo sức hút lạ kỳ, nhất là với ai đã từng được nghe câu chuyện "thời bao cấp" của ông bà, bố mẹ mình...
Một điểm khác nữa là giá cả, nếu ngày xưa, những món ăn trên đều có giá rất rẻ và thường là do các gia đình tự sáng chế trong thời kỳ đói kém. Thì nay, để được thưởng thức, bạn phải trả số tiền từ 40.000-60.000 đồng/món.