Thủ tướng: Phòng chống tham nhũng tích cực nhưng chưa đạt yêu cầu

Hoàng Đan |

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc phòng chống tham nhũng trong năm qua đã có những chuyển biến tích cực song chưa đạt yêu cầu.

13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015, nhiệm vụ 5 năm tới trước kỳ họp thức 10 Quốc hội khóa XIII vào sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết:

Tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra 6,2%; bình quân 5 năm đạt khoảng 5,9%/năm, trong đó công nghiệp, xây dựng tăng 6,74%/năm, nông lâm thủy sản tăng 3,01%/năm, dịch vụ tăng 6,31%/năm.

Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, bình quân đầu người 2.228 USD.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, trong 14 chỉ tiêu kế hoạch của năm 2015, ước tính có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ che phủ rừng.

Cùng với đó, thời gian qua, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; cải cách hành chính đạt những kết quả tích cực; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí đã được chú trọng.

Việc phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo và có những chuyển biến tích cực.

Các hành vi tham nhũng được xử lý nghiêm. 512/528 vụ việc khiếu nại kéo dài đã được giải quyết.

So với năm 2014, số đoàn khiếu nại đông người giảm 4,8%; số đơn thư khiếu nại tố cáo giảm 10,7%; số vụ việc khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính giảm 8,8%.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thừa nhận cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực còn chậm, thủ tục còn phiền hà. Cơ cấu tổ chức, bộ máy nhà nước còn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ vẫn còn chồng chéo, chưa đủ cụ thể.

Năng lực, phẩm chất, đạo đức, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều hạn chế. Thanh tra, kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội hiệu quả chưa cao. Phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu...


Quang cảnh kỳ họp.

Quang cảnh kỳ họp.

Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận, vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trên biển Đông còn nhiều thách thức.

An ninh trật tự, an toàn xã hội trên một số địa bàn vẫn còn phức tạp; một số vụ án nghiêm trọng gây bức xúc xã hội; một số tổ chức nhen nhóm hình thành trái pháp luật. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng còn nhiều bất cập.

Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền

Để phát triển kinh tế, xã hội trong 5 năm tới, Thủ tướng cho biết Chính phủ chủ trương phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo.

Đồng thời, chú trọng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, các khu công nghiệp tạo sức lan tỏa, kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ sẽ chăm lo phát triển hài hòa các khu vực, các địa bàn còn nhiều khó khăn, sớm xây dựng hiệu quả một số đặc khu kinh tế.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động sẽ được xây dựng để phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp.

Một nhiệm vụ quan trọng mà Thủ tướng nhấn mạnh là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, đạo đức, năng lực, trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao.

Công tác tuyển dụng, đề bạt cán bộ, công chức sẽ được đổi mới bảo đảm cạnh tranh, công khai, minh bạch.

Việc đánh giá cán bộ, công chức phải trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ và người đứng đầu cơ quan trong bộ máy nhà nước phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và phải được trao quyền tương ứng về tổ chức, cán bộ.

"Tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch và thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Kiện toàn tổ chức bộ máy phòng chống tham nhũng; thực hiện nghiêm quy định về kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập.

Trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng, lãng phí sẽ được đề cao", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Chính phủ cũng tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và xử lý đúng pháp luật các hành vi tham nhũng, lãng phí; tăng cường giám sát và phòng chống tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực, phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc... sẽ được thiết lập.

Thủ tướng cho biết sẽ thực hiện hiệu quả chiến lược bảo vệ tổ quốc, tăng cường quốc phòng an ninh, bảo đảm độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ.

Đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội và môi trường hoà bình để xây dựng, bảo vệ đất nước, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Các lực lượng quân đội, công an sẽ được xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại nhanh ở những lĩnh vực cần thiết.

Hiệu quả hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển sẽ được nâng cao. Nhiệm vụ quốc phòng an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được kết hợp hài hòa, phát triển bền vững kinh tế, xã hội khu vực biên giới và biển đảo.

Chính phủ sẽ có chính sách phù hợp để thực hiện một số nhiệm vụ đặc thù về quốc phòng an ninh, đẩy mạnh hợp tác và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để duy trì môi trường hoà bình và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

"Việt Nam tiếp tục tham gia hoạt động giữ gìn hoà bình của Liên Hợp Quốc.

Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và tăng cường phòng chống tội phạm, không để hình thành các tổ chức trái pháp luật chống phá đất nước, tăng cường an ninh an toàn thông tin mạng", Thủ tướng cho hay.

Về Hiệp định TPP, Thủ tướng Chính phủ thông tin, trong quá trình xây dựng phương án và đàm phán, Chính phủ đã nhiều lần báo cáo và luôn thực hiện nghiêm túc các chủ trương về hội nhập quốc tế theo Nghị quyết và các chỉ đạo cụ thể của Bộ Chính trị.

Nhất là bảo đảm lợi ích quốc gia cao nhất, không ký kết Hiệp định bằng mọi giá.

Các nước tôn trọng thể chế chính trị của nước ta và có đối xử linh hoạt, dành cho Việt Nam lộ trình thực thi phù hợp.

Khi kết thúc đàm phán, chúng ta đạt được kết quả theo đúng chủ trương, chỉ đạo nêu trên và phương án đã được Bộ Chính trị phê duyệt.

Theo thỏa thuận, các Bên tiếp tục hoàn tất các văn bản, thủ tục để có thể cùng ký chính thức Hiệp định vào cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016.

Sau đó, các nước sẽ tiến hành phê chuẩn Hiệp định theo quy định pháp luật của mỗi nước với mục tiêu là đưa Hiệp định có hiệu lực từ giữa năm 2017 hoặc đầu năm 2018.

Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định theo đúng quy định của pháp luật.

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại