Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vài thời khắc tôi nhớ

Xuân Ba |

Tôi đang nghĩ đến những động thái, những ứng xử có thể nói là bất ngờ của Thủ tướng mà may mắn mình được chứng kiến…

Nhà ngoại giao David Brown, chuyên nghiên cứu về Việt Nam đã viết trên tờ Asia Times thời điểm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đảm chức Thủ tướng (2006) như sau: Thủ tướng và các đồng sự cũng cần được thông cảm...

Thật dễ tìm ra các vấn đề đáng phê phán trong đời sống KTXH của Việt Nam hiện nay nhưng khắc phục chúng khó hơn nhiều. Ra lệnh thì dễ nhưng thực thi lệnh rất khó .

Chuyến thăm hữu nghị chính thức Nhật Bản năm 2006. Buổi tiếp các doanh nhân hàng đầu Nhật Bản.

Trong không khí cởi mở, Thủ t­ướng Nguyễn Tấn Dũng bất ngờ hư­ớng về ông chủ tịch tập đoàn Keiko (một tổ hợp kinh tế hùng mạnh kinh doanh đa ngành có hẳn một tập đoàn báo chí) với cái cư­ời thân mật đại ý, báo chí của ngài có khi nào nói hơi quá lên một vấn đề gì không?

Vừa rồi giới truyền thông hình như­ có thổi phồng việc Việt Nam sử dụng vốn vay ODA qua vụ tiêu cực tại PMU18 ở Việt Nam.

Một số vụ việc tiêu cực được phanh phui gần đây ở Việt Nam không liên quan đến chất l­ượng các công trình và hiệu quả vốn ODA của Nhật.

Nhân đây, chúng tôi xin khẳng định với các ngài, những ngư­ời đóng thuế nhiều nhất, góp nhiều nhất cho vốn ODA và nhân dân Nhật Bản rằng, những đồng vốn ODA của Nhật đã và đang sẽ đư­ợc đặt vào những bàn tay tin cậy.

Hơn thế, chúng tôi sẽ ăn nói với những thế hệ sau  ra sao nếu như những đồng tiền mà con cháu chúng tôi phải trả nợ bị biển lận, bị dùng sai mục đích?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ.

... Chuyến thăm Nhật lần ấy, có hai cái lần đầu ấn tượng.

Một phát ngôn ấn tượng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi họp báo chung tại Philippines chiều 21/5/2014 chắc hẳn còn lưu trong tâm trí của mọi lương dân nước Việt: “Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Thủ t­ướng Việt Nam bất ngờ trả lời một phóng viên Nhật rằng, đến bây giờ Việt Nam vẫn là một nước nghèo một phần cũng do hậu quả chiến tranh để lại trong đó có quân phiệt Nhật Bản cũng góp không nhỏ.

Nh­ưng Việt Nam sẵn sàng gác lại quá khứ đã và đang mở tiếp trang mới tươi sáng trong quan hệ hữu nghị và làm ăn với Nhật Bản.

Và như là sự sẻ chia cùng là đồng điệu, bà Chủ tịch Quốc hội Nhật Bản, trước Lưỡng viện Nhật, lần đầu tiên đã ngỏ lời xin lỗi nhân dân Việt Nam vì những tội ác của quân phiệt Nhật cùng nạn đói khủng khiếp năm 1945.

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tại La Hay Hà Lan năm 2014 xôm tụ lãnh đạo 53 quốc gia (trong đó có 14 tổng thống và 1 vua, 16 thủ tướng, 4 phó tổng thống và 2 phó thủ tướng).

Thời gian Hội nghị eo hẹp, nhưng chỉ trong một ngày tại diễn đàn đa phương ấy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tranh thủ các cuộc gặp với 20 nguyên thủ, những B. Obama, Tập Cận Bình, Hollander, Shinzo Abe…

Tôi đã may mắn được ngồi chuyện với vị Thứ trưởng ngoại giao trẻ Hà Kim Ngọc.

Chuyện Thứ trưởng Ngọc và các sứ thần ngoại giao Việt đã bất ngờ ra sao khi nhận lệnh của Thủ tướng phải khẩn trương tăng tốc cùng khôn khéo để kiến tạo thành công 20 cuộc gặp song phương ấy!

Rồi một phát ngôn ấn tượng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi họp báo chung tại Philippines chiều 21/5/2014 với sự có mặt của Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino chắc hẳn còn lưu trong tâm trí của mọi lương dân nước Việt: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng.

Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

Người viết bài này đã mạo muội hỏi Thủ tướng sau sự kiện đó rằng, tâm trạng Thủ tướng khi phát biểu? Thì ông  trả lời ngay với chất giọng bình thản: Cứ gì một Thủ tướng mới phát biểu được như vậy?

Và có gì mà phải nghĩ ngợi? Nó nằm lòng lâu nay rồi. Nó ở trong máu mình, trong máu của người Việt mình rồi…

Mới đây trong buổi Thủ tướng tiếp Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) Piyasvasti Amrannad dịp Thủ tướng dự Hội nghị Thượng đỉnh Mê Kông (PTT đang triển khai dự án nhà máy lọc dầu 22 tỷ USD ở Bình Định mà tỷ lệ góp vốn dự kiến là PTT 40-45%; Saudi Aramco 40-45%; Đối tác Việt Nam, nếu có là 15%), ông Chủ tịch PTT đã cố  nèo Thủ tướng rằng, Thủ tướng cần chỉ định cho doanh nghiệp nào đó ở Việt Nam tham gia cái tỷ lệ 15%.

Thủ tướng đã thẳng thắn nêu rõ, với cơ chế thị trường hiện nay, quyền quyết định là của doanh nghiệp, nên hay  không là quyền của họ. Lợi thì họ đầu tư và ngược lại.

Sơ sơ chuyện đối ngoại như vậy.

Thời điểm nội các của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra mắt QH năm 2011, tại hành lang giờ giải lao, tôi được chứng kiến một cuộc trao đổi khá thẳng thắn của một nhà báo với Thủ tướng.

Những câu hỏi cùng câu trả lời đã lâu mà chưa thấy trình làng ở một ấn bản truyền thông nào?

Xin trích ra vài đoạn.

Những thách thức với Thủ tướng cũng như bộ máy điều hành rất nặng nề. Thủ tướng kỳ vọng đòi hỏi gì ở các bộ trưởng?

Có ý kiến Thủ tướng ôm quá nhiều việc và phải làm thay cả những phần việc của các bộ trưởng?

Trả lời:

Thủ tướng nào cũng muốn chọn muốn có bộ trưởng giỏi.

Nhưng thực tế không hẳn thế. Vẫn phải kỳ vọng vào  tài năng và đột phá của các thành viên chính phủ.

Từ Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các bộ trưởng vẫn phải nghiêm túc thực thi những nguyên tắc phát huy vai trò sức mạnh của tập thể chính phủ, trên cơ sở làm rõ hoàn thiện chức trách nhiệm vụ từng bộ và giữa các bộ  đề cao trách nhiệm của từng thành viên Chính phủ.

Họ phải chịu trách nhiệm trước bộ ngành mà mình phụ trách, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, trước nhân dân và Quốc hội.

Không để ai hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai, thực hiện sai. Không thể để những quyết sách lớn liên quan đến vận mệnh của nhiều triệu người bị những quan chức yếu kém làm cho méo mó sai lệch.

Hỏi:

Thủ tướng từng nói chưa kỷ luật ai dường như là lời than bởi công tác đề bạt, kỷ luật cán bộ đang có nhiều thứ bất cập? Nhiệm kỳ tới sẽ có những bước đột phá nào để tăng thêm quyền hạn trách nhiệm của Thủ tướng?

Trả lời:

Quan điểm của tôi là việc giao nhiệm vụ, giao trách nhiệm đi liền với việc giao quyền.

Có những thứ, dạng đặc thù, cố hữu không dễ thay bỏ một sớm một chiều... Chúng ta vừa làm vừa hoàn thiện. Những gì cản trở thực tiễn cản trở phát triển thì sẽ nhanh chóng bị đào thải.

Một câu hỏi khá nhạy cảm khác:

Thưa Thủ tướng, trưởng nam của Thủ tướng là cán bộ cao cấp của Đảng (ông Nguyễn Thanh Nghị Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng rồi Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang)  các thành viên gia đình của Thủ tướng có phải chịu áp lực xã hội nào đó không?

Tôi thấy Thủ tướng cười, trả lời luôn đại ý thế này.

Một xã hội học tập đào tạo, một xã hội lành mạnh thì luôn rộng mở cánh cửa bình đẳng với bất cứ người trẻ nào có chí tiến thủ.

Là một đảng viên, một cán bộ trẻ ham học hỏi, cống hiến, tôi nghĩ con trai mình chẳng thể bỏ qua những cơ hội mà xã hội cho phép và tạo ra ấy, không phân biệt đối xử lẫn thành phần xuất thân.

Lại một bất ngờ mới đây.

Tại Hội nghị tổng kết công tác 2014 và triển khai nhiệm vụ 2015 của Văn phòng Chính phủ ngày 15/1/ 2015, lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ có phát biểu công nhận vai trò của các mạng xã hội, mà những năm gần đây đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu văn phòng phải làm sao để tổ chức, định hướng thông tin trên mạng xã hội một cách nhanh chóng và chính xác.

Hiện nay hơn 30 triệu người ở Việt Nam đang sử dụng các mạng xã hội.

Đó là nhu cầu thiết yếu không thể ngăn cấm.

Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng xã hội, có điện thoại để lên Facebook xem thông tin. Vậy làm sao để thông tin đó đúng đắn, chúng ta không ngăn, không cấm được đâu các đồng chí”.

“Phải đưa thông tin chính xác, kịp thời để định hướng.

Trên mạng ai nói gì thì nói nhưng nếu có thông tin chính thống của Chính phủ thì người dân mới có lòng tin. Đây là nhiệm vụ mới cần phải làm tốt trong năm nay”.

Sự bộc bạch ấy cứ như là một hình thức  giao việc cho các cơ quan lãnh đạo quản lý, các tổng biên tập cùng các ký giả?

Và như một tín hiệu đổi mới trong lãnh vực truyền thông?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại