Trao đổi với chúng tôi về quyết định dừng đăng cai Asiad 18 của Thủ tướng ngày 17/4, ĐBQH Trương Văn Vở (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho hay: “Theo tôi, từ tình hình thực tiễn kinh tế xã hội của Việt Nam, Thủ tướng quyết định như vậy là đúng. Việc dừng đăng cai đó đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, hợp lý.
Ông Vở phân tích: “Mình chuẩn bị mà chưa có phương án cụ thể, chặt chẽ. Nếu chuẩn bị không tốt thì đó mới là việc ảnh hưởng đến uy tín của đất nước. Thứ hai là nguồn lực bảo đảm, trong điều kiện hiện nay, kinh tế Việt Nam còn khó khăn và nhiều lĩnh vực khác cần đầu tư chứ không chỉ có việc đăng cai Asiad…”.
Vị ĐBQH tái khẳng định: “Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều lắng nghe ý kiến của dân. Tôi cho rằng quyết định của Thủ tướng là xác đáng, hợp lòng dân".
Trong một cuộc trao đổi khác, đại biểu Huỳnh Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai) cho hay: "Theo quan điểm cá nhân của tôi, việc dừng đăng cai Asiad 18 là hợp lý vì việc chuẩn bị của mình chưa thật tốt trong khi kinh tế vẫn còn nghèo, không phải là mạnh mẽ như nhiều nước trên thế giới".
Ông Thành cũng cho rằng: Từ việc các nước khác tổ chức đăng cai đã cho thấy chi phí phát sinh (ngoài khoản dự kiến) là rất lớn trong khi họ cũng rất cố gắng tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa cơ sở vật chất sẵn có. Theo vị ĐBQH này, nếu đăng cai, chúng ta sẽ phải chuẩn bị cơ sở vật chất từ bây giờ chứ không phải đến năm 2019 mới làm. Và con số thực tế mà Việt Nam phải bỏ ra để tổ chức (nếu nhận đăng cai) sẽ lớn hơn rất nhiều con số 150 triệu đô la mà Bộ VH-TT&DL dự kiến.
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành (tỉnh Gia Lai) (Ảnh: Việt Dũng/Tuổi trẻ)
“Đó là cái không an toàn với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Mình còn nhiều cơ hội sau này”, ông Thành nói.
Liên quan đến quyết định dừng đăng cai Asiad 18 của Thủ tướng, ĐBQH Dương Trung Quốc (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) không bàn về việc nên hay không nên đăng cai mà ông lại băn khoăn: “Tại sao một việc rất quan trọng như thế mà lại có sự khác biệt giữa Thủ tướng và Bộ VH-TT&DL như thế. Chẳng lẽ trước một việc lớn như thế, theo quy trình chỉ có Bộ VH-TT&DL đưa lên đăng ký với thế giới là xong để rồi Thủ tướng phải cân nhắc và giải quyết? Việc cân nhắc và giải quyết của Thủ tướng là theo tình huống.
Còn bây giờ cân nhắc giữa việc làm hay không nên làm, điều kiện đất nước đã đủ hay chưa thì để các cơ quan chức năng với những dữ liệu thật đầy đủ sẽ nói được. Bởi từ góc độ nào thì cũng có mặt hay và mặt dở của nó. Ví dụ như cơ hội để ta phấn đấu từ nay đến 2019 thực hiện một sự kiện rất lớn mà nhiều nước trên thế giới muốn được đăng cai. Bên cạnh những bài học về “thất bát” thì cũng có không ít tấm gương thành công cả về tài chính.
Vấn đề được đặt ra ở đây là một bài toán kinh tế như thế đã được tính toán chu đáo hay chưa khi có rất nhiều mối quan ngại, nhất là về tài chính”.