Phí ra vào nội đô giờ cao điểm là cần thiết nhằm chống tình trạng ùn tắc
Thủ công thì khó mà hiện đại cũng dở
Sở GTVT Hà Nội vừa có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội nghiên cứu đề xuất phương thức và giải pháp thu phí lưu hành đối với phương tiện giao thông hoạt động trong khu vực nội thành. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT cho biết, theo chỉ đạo của UBND TP, Sở này sẽ sớm hoàn thiện đề án phương thức và giải pháp thu phí để trình UBND TP. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, khó khăn khi triển khai đề án này là không ít.
Cụ thể, về cơ sở pháp lý, trong 13 danh mục phí, lệ phí thuộc lĩnh vực GTVT của Ủy ban thường vụ Quốc hội, chưa có mục chi phí lưu hành đối với phương tiện giao thông hoạt động trong khu vực nội đô giờ cao điểm. Vì vậy, để triển khai được phương án, cần có sự bổ sung vào danh mục phí, lệ phí. Tiếp đó, Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung, hướng dẫn triển khai danh mục phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh, TP. Tiếp đến, UBND TP trình HĐND TP quyết định mức thu, đối tượng thu phí trên địa bàn.
Còn về thực tế triển khai, đại diện Sở GTVT phân tích, việc thu phí hiện tại mới chỉ sử dụng các phương pháp thủ công, chưa có điều kiện thu phí tự động dẫn tới phải tăng cường lực lượng Thanh tra giao thông, CSGT mới có thể thu được. Song, nếu thu phí thủ công rất dễ dẫn tới ùn tắc cục bộ tại các chốt thu phí như thực tế đang diễn ra tại các trạm thu phí đường bộ hiện nay. Còn nếu thu phí tự động, thì phải đầu tư kinh phí rất lớn, bao gồm trang thiết bị tại các chốt và thiết bị gắn trên xe ô tô. Trong khi đó ở Việt Nam hiện gặp rất nhiều khó khăn cả về quy định pháp lý và cần có lộ trình để thực hiện việc gắn thiết bị tính phí trên các xe ô tô.
Hơn nữa, mật độ dân cư phân phối không đồng đều, chủ yếu tập trung trong vành đai II, vùng phía ngoài, mật độ dân số thưa hơn. Các luồng giao thông đan xen, phức tạp (người trong nội thành đi ra ngoại thành làm việc và ngược lại). Qua ghi nhận thực tiễn cho thấy, việc ùn tắc trong khu vực nội đô chủ yếu tại các nút giao do mật độ phương tiện giao thông quá đông, vượt quá khả năng thông qua của nút, đặc biệt trong giờ cao điểm từ 2 đến 4 lần.
Nhiều vướng mắc cần làm rõ
Tuy nhiên, Sở này khẳng định sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan lập đề án chi tiết, cụ thể. “Sở sẽ phối hợp với các cơ quan của Bộ GTVT, các cơ quan tư vấn như trường ĐH GTVT lập đề án nghiên cứu tổng thể, xin ý kiến các bộ liên quan. Việc nghiên cứu này bắt đầu được thực hiện trong tháng 2”, ông Hùng cho biết.
Trước đó, vào tháng 12- 2011, Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho triển khai việc thu phí ô tô đi vào trung tâm TP giờ cao điểm và thu phí lưu hành phương tiện giao thông đường bộ. Theo đề xuất này, việc thực hiện sẽ được thí điểm tại khu vực nội đô 5 TP Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng. Theo đề xuất của Bộ GTVT, mức thu phí dự kiến 30.000 đồng/lượt - 50.000 đồng/lượt. Miễn thu phí đối với các loại xe công và xe buýt. Thời gian thu phí là giờ cao điểm, buổi sáng từ 6h-8h30, buổi chiều từ 16h-19h hàng ngày (trừ thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ).
Về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, trường ĐH GTVT cho rằng, việc thu phí ra vào nội đô giờ cao điểm để hạn chế phương tiện là cần thiết. Tuy nhiên, Sở GTVT cũng như các ngành cần phải làm rõ nhiều vấn đề, cụ thể như, thế nào là phương tiện cá nhân hay người dân sinh sống ở nội đô có ô tô thì có mất phí khi ra vào, đến việc tổ chức thu ra sao, người dân sẽ đi bằng phương tiện gì để vào nội đô khi có việc cần? “Giải quyết được những vướng mắc này, thì đề án thu phí phương tiện ra vào nội đô giờ cao điểm sẽ thành hiện thực và được nhiều người ủng hộ”, ông Hùng cho ý kiến.
Theo Ngân Tuyền
ANTD