Một, hai ngày gần đây, dư luận không khỏi “mất bình tĩnh” trước một đề xuất “lạ đời” của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI).
Trong công văn số 695/HHĐTTC gửi tới các bộ ngành liên quan ngày 31/5, Hiệp hội này đã lên tiếng kiến nghị Bộ Tài chính ban hành quy định thu "Phí được quyền mua ô tô, xe máy" với mức thu lên tới 4 -10 lần giá trị xe.
Theo đề xuất này, việc thiết kế chính sách phí đối với việc mua xe máy mới nên theo hướng: xe bình dân (giá trị thấp nhất ) không thu phí ở khu vực nông thôn, các thành phố nhỏ; xe bình dân với đối tượng sử dụng ở các thành phố lớn thu phí ở mức độ thấp hoặc mức độ vừa phải. Trong giai đoạn đầu, có lẽ nên thiết kế ở mức thấp hoặc chưa thu để không gây phản ứng nhiều và chính sách dễ ra đời hơn.
Người tiêu dùng "đau khổ" trước đề xuất mới của VAFI.
Với các loại xe đắt tiền (giá trị gấp từ 3 lần trở lên so với xe bình dân), thu phí bằng từ 2 lần giá trị xe trở lên, xe đắt tiền gấp 5 lần xe bình dân thì phí thu bằng 4 lần giá trị xe… Bằng phương pháp này, gần như có thể ngăn chặn được việc sử dụng xe xa xỉ đắt tiền, có thể giảm 1/2 tổng giá trị nhập khẩu phụ tùng, linh kiện, xe nguyên chiếc .
Với thiết kế chính sách phí đối với việc mua ô tô con, phí được quyền mua cần áp dụng cho mọi đối tượng, trừ các loại xe bus, xe du lịch, xe tải, xe taxi phục vụ giao thông công cộng nhưng phải có biện phápquản lývới đối tượng này để tránh lạm dụng chính sách; cũng như phân chia mức phí theo giá trị thị trường của xe và bắt đầu tính từ loại xe bình dân.
Mức phí khởi đầu sẽ bằng 100% giá trị thị trường của xe bình dân và được nâng lên mức lũy tiến theo nguyên tắc phí thu sẽ vượt từ 3 - 10 lần giá trị thị trường của các dòng xe xa xỉ.
Nói về nguyên nhân đưa ra đề xuất này, VAFI lý giải, với các sắc thuế hiện hành như thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, nếu có áp dụng hết khung cũng không thể ngăn chặn được tình trạng nhập khẩu ngày càng gia tăng.
Do đó, sử dụng công cụ “phí được quyền mua ôtô, xe máy” ở mức rất cao so với giá trị thị trường sẽ hoàn toàn kiểm soát được số lượng, cơ cấu phương tiện, giá trị nhập khẩu theo từng thời kỳ và sẽ thu được một khoản tiền lớn dành cho phát triển giao thông, đồng thời cũng có tác dụng điều tiết thu nhập.
Tuy nhiên, ngay sau khi vừa đưa ra, đề xuất “lạ đời” của VAFI đã phải hứng chịu luồng ý kiến phản đối rầm rộ. Giới kinh doanh thì cho rằng, kiến nghị trên là không khả quan và thậm chí còn đi ngược lại quy định của Hiến pháp bởi quyền sở hữu tài sản là quyền bất khả xâm phạm của công dân, miễn tài sản đó là hợp pháp. Hơn nữa, hiện nay, các chính sách siết nhập xe cũng đã có những tác động mạnh mẽ tới thị trường xe nên quy định về phí quyền mua xe là không cần thiết.
Trong khi đó, người tiêu dùng thì lại e ngại sẽ phải bỏ ra một khoản tiền quá lớn mỗi khi muốn mua ô tô hay xe máy, thậm chí càng mua đồ “xịn” thì càng mất tiền “oan”. Anh Lê Quang ở Vĩnh Tuy dẫn giải: “Giả sử tôi có đủ tiền để mua một chiếc ô tô xịn, được xếp vào hạng xa xỉ với mức giá khoảng 6 tỷ đồng thì để mua được chiếc xe này, ngoài số tiền 6 tỷ đồng trả cho hãng, tôi còn phải bỏ ra thêm 60 tỷ đồng (gấp 10 lần) nộp vào ngân sách Nhà nước để có quyền được mua. Làm sao lại có quy định vô lý thế. Nói như thế thì chúng tôi không có quyền mua xe hay sao, dù chúng tôi đã chấp nhận nộp các loại thuế đang ở mức cao?”.
Anh Ngọc Khánh ở Xuân Thủy, Cầu Giấy cũng ngỡ ngàng trước thông tin này. "Giá xe máy, ô tô ở nước ta đã quá cao so với mặt bằng thế giới đã là điều vô lý và người tiêu dùng đã phải gánh chịu thêm bao nhiêu loại thuế và loại phí khác. Giờ lại thêm khoản này chắc mọi người phải chuyển sang đi xe đạp cho tiện”, anh Khánh ngao ngán nói.
Bên cạnh việc đè xuất thu phí được quyền mua ô tô, xe máy, VAFI cũng kiến nghị Chính phủ không cấp phép thành lập các nhà máy sản xuất ô tô, xe máy phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Bởi hiệncó quá nhiều nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô xe máy nhưng đều không có khả năng nội địa hóa.
Theo Báo Đất Việt