Khi vấn đề thu phí giao dịch qua thẻ được đặt ra lần đầu tiên cách đây 3 năm, dư luận đã bày tỏ ý kiến phản đối. Đầu tuần này, lần thứ tư vấn đề này được đặt ra và vẫn không nhận được sự đồng tình của dư luận.
Qua 4 lần đề xuất, với mức phí ban đầu được đưa ra là 1.000 đồng/lần, nay mức đề xuất đã nâng lên 5.500 đồng/lần.
Đề xuất nâng lên 5.500 đồng/lần rút tiền
Bà Thu Hà - Chủ tịch Hội Thẻ lý giải cho đề xuất nâng mức thu phí liên mạng (dùng thẻ ATM của ngân hàng này rút tại ATM của ngân hàng khác) và tính thêm phí là để nâng cấp dịch vụ, bù đắp chi phí. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến đều cho rằng lý do này hoàn toàn không thuyết phục, thậm chí đi ngược với những tiêu chí của kinh tế thị trường. Bởi lẽ ra phải cải tiến dịch vụ, cung cấp những tiện ích cho khách hàng rồi mới thu phí thì các ngân hàng lại đang làm ngược.
Khách hàng sẽ hài lòng nếu việc thu phí đi đôi với việc cung cấp dịch vụ tiện ích qua ATM hoàn hảo.
Chị Lan Hương - nhân viên phòng kế toán một công ty bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính phàn nàn: "Tôi theo dõi thấy kết quả kinh doanh quý I/2011 của hầu hết các ngân hàng vừa công bố đều tiếp tục có lãi lớn, vì vậy việc đề xuất nâng mức thu phí trong giao dịch rút tiền ngoại mạng và thêm phí rút tiền nội mạng là “tận thu” khách hàng.
Nếu những đề xuất này của Hội Thẻ được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, thì mức phí 5.500 đồng/lần rút có thể hiểu là mức thấp nhất mà các chủ thẻ phải chịu và rất có thể còn nhiều khoản phí nữa mà khách hàng sẽ phải thanh toán với ngân hàng để phát huy hết tác dụng của tấm thẻ ATM.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết: Tính đến cuối năm 2010, toàn thị trường có 11.700 máy ATM, tăng 20% so với cuối năm 2009. Theo tìm hiểu của NTNN, nhiều nước không thực hiện việc thu phí qua thẻ ATM mặc dù những tiện ích của việc sử dụng thẻ cũng như những dịch vụ hoàn hảo của các ngân hàng rất rõ ràng.
Nhiều hệ lụy xấu
Trao đổi vớiDân Việt, hầu hết những người sử dụng thẻ ATM đều không đồng tình với việc thu phí, bởi trong lĩnh vực này các ngân hàng còn nhiều bất cập, đặc biệt là trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ kèm theo thẻ.
Việc các cơ quan nhà nước bắt buộc trả lương qua thẻ trong bối cảnh chi tiêu vẫn chủ yếu dùng tiền mặt buộc người lao động không thể không rút tiền trong khi lại thu phí rút tiền khiến người tiêu dùng thiệt đơn, thiệt kép. Anh Việt Dũng - công nhân khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) than phiền: "Đồng lương quá ít ỏi, lại bị trả qua tài khoản rồi lại mất tiền phí để rút khoản tiền của mình, rõ ràng ngân hàng được lợi quá".Quy định bắt buộc nhận lương qua tài khoản ATM trước rồi thu phí sau xem ra là một việc làm không công bằng với khách hàng trong điều kiện những tiện ích để sử dụng thẻ còn rất hạn chế.
Một vấn đề quan trọng khác được dư luận đặt ra là, trước khi ngân hàng tính đến chuyện thu phí thì phải công khai vấn đề: Ngân hàng có lãi không từ các tài khoản ATM (nếu không thu phí), bởi trung bình mỗi thẻ ATM luôn có số dư 100.000 đồng trong tài khoản, trong khi số tiền này không cần nạp vào máy rút tiền ATM. Có nghĩa là các ngân hàng hoàn toàn được quyền chủ động sử dụng số tiền này.
Nhiều ý kiến chuyên gia liên quan đến lĩnh vực ngân hàng cảnh báo hệ quả sau khi thực hiện thu phí giao dịch qua ATM sẽ khiến các ngân hàng thiệt thòi hơn. Nếu tiến hành thu phí giao dịch với mức cao, khả năng khách hàng sẽ chỉ rút một lần số tiền trong tài khoản là rất lớn. Như vậy, viễn cảnh khách hàng vẫn chi tiêu bằng tiền mặt sẽ xảy ra nhiều hơn mà không khuyến khích được chi tiêu qua thẻ. Do vậy, ngân hàng sẽ không thể tăng được số dư tiền mặt trong thẻ. Trong khi cách tốt nhất để bù chi phí là tăng số dư tiền mặt của khách hàng.
Theo Danviet.vn