Thủ khoa ĐH Luật gợi ý giải đề thi Ngữ Văn tốt nghiệp THPT

PV |

(Soha.vn) - Thủ khoa khối C ĐH Luật Hà Nội năm 2012 đưa ra đáp án gợi ý đề Ngữ Văn tốt nghiệp sáng nay (2/6). Những thông tin này mang tính tham khảo cho sĩ tử chứ chưa có đáp án chính thức từ Bộ GD&ĐT.

Nguyễn Thị Hương, Thủ khoa khối C, ĐH Luật Hà Nội năm 2012 đưa ra gợi ý lời giải môn Ngữ Văn tốt nghiệp năm 2013 trong buổi thi sáng nay (2/6).

Nguyễn Thị Hương - thủ khoa khối C, ĐH Luật năm 2012 đưa ra lời khuyên cho các sỹ tử.

Nguyễn Thị Hương (trái) - thủ khoa khối C, ĐH Luật năm 2012 đưa ra lời lời ý đáp án môn Ngữ Văn tốt nghiệp.

Đề Ngữ Văn tốt nghiệp năm nay không đánh đố học sinh nhưng có câu hỏi mở, gây hứng thú cho học sinh.

Đề Ngữ Văn tốt nghiệp năm nay không đánh đố học sinh nhưng có câu hỏi mở, gây hứng thú cho học sinh.

ĐỀ THI CHÍNH THỨC

I. PHẦN CHUNG CHO CÁC THÍ SINH : (5.0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Trong phần cuối truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn, nhân vật bà mẹ Hạ Du đã có thái độ như thế nào khi nhìn thấy vòng hoa trên mộ con mình? Hình ảnh vòng hoa ấy có ý nghĩa gì?

Gợi ý đáp án:

 Mở bài: Giới thiệu tác giả Lỗ Tấn, tác phẩm "Thuốc".

Lỗ Tấn là nhà văn lớn trong nền văn học hiện đại của Trung Quốc. "Thuốc" là một tác phẩm ra đời vào năm 1919 vào hoàn cảnh Trung Quốc bị các nước xâu xé, biến thành xã hội nửa phong kiến, nửa thuộc địa nhưng nhân dân lại an phân chịu nhục, đó là căn bệnh đớn hèn, cản trở con đường giải phóng. Tác phẩm ra đời như một lời cảnh tỉnh với những ai còn đang ngơ ngác trước thời cuộc và cần tiêu diệt căn bệnh kia để giải phóng đất nước.

Thân bài: Trong phần cuối truyện, nhân vật bà mẹ Hạ Du có thái độ khi nhìn thấy vòng hoa trên mộ con mình: Bà kinh ngạc khi thấy trước mộ con mình có "những cánh hoa trắng hoa hồng... không nhiều lắm, xếp thành vòng tròn tròn, không lấy gì làm đẹp, nhưng cũng chỉnh tề" rồi Bà lặp đi lặp lại câu hỏi" Thế này là thế nào?" như một điệp khúc gợi nhiều day dứt. 

Câu hỏi là sự bế tắc, lạ lẫm của bà mẹ khi ngay cả bà cũng không hiểu ý nghĩa việc làm của cậu con trai. Câu hỏi còn có chút gì đó đau khổ, tự trách.

Ý nghĩa của hình ảnh vòng hoa:

- Hình ảnh ấy thể hiện sự khâm phục, thương tiếc, kính trọng của một số ít người dân Trung Hoa đối với người cách mạng Hạ Du. Họ hiểu và cảm phục tinh thần dũng cảm hi sinh vì nghĩa lớn của anh.

- Hơn thế vòng hoa trên mộ Hạ Du cho ta thấy những người như anh không thể chết vô nghĩa được và khi đã bị hi sinh thì có người hiểu và tiếp bước anh để đấu tranh đến cùng.

- Chi tiết đó góp phần được thể hiện trọn vẹn tư tưởng của tác phẩm, không khí truyện vốn u buồn tăm tối nhưng nhờ có chi tiết này nên điều mà tác giả đưa đến không phải là tư tưởng bi quan.

Kết bài: Tổng kết

Câu 2. (3.0 điểm) 

Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam từ thông tin sau:

Chiều ngày 30 - 4 – 2013, bên bờ sông Lam, đoạn chảy qua xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12 T7, Trường Trung học phổ thông Đô Lương I) nghe tiếng kêu cứu có người đuối nước dưới sông, em liền chạy đến. Thấy một nhóm học sinh đang chới với dưới nước, Nam đã nhảy xuống, lần lượt cứu được ba học sinh lớp 9 và một học sinh lớp 6.

Khi đẩy được em thứ năm vào bờ thì Nam đã kiệt sức và bị dòng nước cuốn trôi.

(Theo Khánh Hoan, Thanhnienonline, ngày 6 – 5 – 2013)

Gợi ý đáp án:

Mở bài: Trích dẫn thông tin cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam. Nêu nội dung cần bàn luận: Lòng dũng cảm.

Thân bài:

- Lòng dũng cảm là gì? Đó là đức tính cần thiết và đáng quý trọng của mỗi con người. Dù ở nơi đâu và bất cứ lúc nào lòng dũng cảm cũng là cần thiết. Dũng cảm là đương đầu với mọi khó khăn gian nan vất vả, sẵn sàng chiến đấu hi sinh bảo vệ công lý và con người.

- Tại sao cần phải có lòng dũng cảm? Đó là một đức tính tốt, thể hiện sự mạnh mẽ của con người trong cuộc sống. Lòng dũng cảm không những giúp ta bảo vệ chính mình mà còn xả thân bảo vệ cho người khác.

Từ xưa đến nay trong cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc ta đã chứng kiến bao tấm gương dũng cảm hi sinh xả thân vì độc lập tự do của đất nước... Tiếp nối lòng dũng cảm của cha ông, ngày nay có rất nhiều tấm gương về lòng dũng cảm, đặc biệt là tấm gương của học sinh Nam. Đó là tấm gương đáng được mọi người kính trọng và biết ơn.

Những tấm gương đó đã góp phần làm xã hội trở nên tốt đẹp. Đó là một đức tính rất quan trọng.

- Tuy nhiên hiện nay vẫn còn một số con người còn thờ ơ với mọi người xung quanh, hèn nhát không ra tay cứu giúp mọi người.

- Thái độ của mọi người đối với tấm gương của học sinh Nam là biết ơn, kính trọng và rèn luyện lòng dũng cảm cho chính bản thân mỗi con người, tạo nên mối quan hệ xã hội tốt đẹp.

Kết bài: Lòng dũng cảm là đức tính đáng quý, vì vậy cần rèn luyện lòng dũng cảm trong mỗi con người.

II. PHẦN RIÊNG – PHẦN TỰ CHỌN : (5,0 điểm)

Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc câu 3.b)

Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5.0 điểm)

Phân tích diễn biến tâm lí và hành động của nhân vật Mị qua cảnh đêm mùa xuân Mị muốn đi chơi và bị trói trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ -  Tô Hoài (phần trích trong Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam – 2012).

Gợi ý đáp án: 

Mở bài: Giới thiệu tác giả Tô Hoài và tác phẩm Vợ chồng A Phủ.

Thân bài: Phân tích

- Giới thiệu nhân vật Mị và nêu cuộc sống trong nhà Pá Tra.

- Phân tích diễn biến tâm lý và hành động của nhân vật Mị qua cảnh đêm mùa xuân Mị muốn đi chơi và bị trói.

+ Lúc đầu Mị nghe thấy tiếng sáo văng vẳng gọi bạn đầu làng, trong men say Mị "lịm mặt ngồi đấy" nhưng lòng đang hướng về ngày trước... Nhưng khi tiệc rượu tàn Mị lại bước vào buồng như một thói quen ăn sâu vào máu của con rùa lùi lũi xó cửa. Khi nhìn vào lỗ vuông ô cửa sổ phòng Mị trông ra ngoài lúc nào cũng "trăng trắng" không biết là xương hay là nắng. Thứ ánh sáng đó lúc này đã đánh thức mầm mống vùi sâu trong Mị. Mị thấy phơi phới trở lại. "Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị phải đi chơi".

+ Nhưng quá khứ đưa đi mà hiện tại cứ trì níu lại. Mị nhận ra hoàn cảnh nô lệ của mình lúc này. Mị phẫn uất " Nếu có nắm lá ngón trong tay Mị sẽ ăn cho chết ngay". Nhưng chính giây phút ấy, tiếng sáo 1 lần nữa lay tỉnh hồn Mị.

+ Mị đang sống lại những ngày trước, A sử về Mị cũng không hay. Mị có một loạt những hành động: xắn thêm 1 miếng mỡ bỏ vào đĩa đèn... - > Thắp sáng cuộc đời dằng dặc khổ đau trong Mị. Rồi Mị quấn lại tóc, rút cái áo.....

+ A Sử về. Mầm sống trỗi dậy của Mị lập tức bị bóp chết. Thấy Mị muốn đi chơi nó xách hẳn một thúng sợi dây, trói Mị lên cột quấn cả tóc khiến cho Mị không cúi, không nghiêng được nữa... Nhưng sợi dây trói chỉ trói được thể xác chứ không trói được tâm hồn Mị. Tiếng sáo dìu hồn Mị theo những cuộc chơi, có những lúc quên hẳn thực tại Mị "vùng bước đi". Nghe thấy tiếng chân ngựa => thực tế khô khốc, bi thảm.

+ Mị nhớ lại câu chuyện có người từng bị trói chết trong nhà này, "Mị sợ quá". Sợ chết lúc này là biểu hiện của tình yêu cuộc sống. 

=> Đây là hành động thể hiện 1 cách tích cực sức sống tiềm ẩn trong lòng Mị. Sức sống ấy trỗi dậy mạnh mẽ, mở ra một loạt suy nghĩ, hành độn táo bạo của Mị...

Tuy Mị không được đi chơi hội nhưng hình ảnh cô Mị muốn được đi chơi hội trong đêm tình mùa xuân là ấn tượng không thể phai mờ trong lòng độc giả. Sức sống tiềm tàng trong Mị như 1 đốm lửa trong đống tro tàn đang chờ ngọn gió dể bùng lên thành ngọn lửa...

Kết bài: Tổng kết nội dung tư tưởng, nghệ thuật tác phẩm: Nghệ thuật thành công khắc họa tính cách nhân vật, tạo tình huống, ngôn ngữ trần thuật tự nhiên sinh động.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại