Thu hàng trăm triệu mỗi năm nhờ nuôi loài bò sát đáng sợ

Bảo Bình (Tổng hợp) |

Ngoài giá trị làm thuốc để chữa bệnh hay bồi dưỡng sức khỏe, rắn hổ hèo còn là vật nuôi có giá trị kinh tế, đem lại nguồn thu nhập cao, tạo việc làm ổn định cho nhiều người dân.

Rắn long thừa thuộc loài rắn hổ, có tên khoa học là Ptyas Mucosus. Tùy địa phương mà loài rắn hổ nhưng không độc này được gọi là rắn hổ dện, rắn hổ trâu, rắn hổ hèo. Do vốn đầu tư ít, đầu ra ổn định, giá trị cao và quan trọng nhất là cứu nguy loài này thoát nguy cơ tuyệt chủng nên mô hình nuôi rắn được địa phương khuyến khích, tạo điều kiện. Vì vậy đã có nhiều nông dân thoát nghèo, cuộc sống khấm khá nhờ mô hình chăn nuôi động vật thuộc Sách đỏ này.

Nếu như trước đây, rắn là loài bò sát đáng sợ thì hiện nay, với việc nuôi rắn trong chuồng, tiếp xúc hàng ngày cũng tạo cho chúng thân thiện với con người hơn.

Anh Mai Hữu Tâm, ngụ ấp Xa Mau 2, thị trấn Phú Lộc (huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng) là một trong những nông dân khá thành công với mô hình nuôi rắn hổ hèo.

Theo thông tin đăng tải trên báo Nông nghiệp, vào giữa năm 2012, anh Tâm lên Long An rồi xuống Cà Mau cũng chỉ mua được khoảng 30 con rắn hổ hèo con (còn gọi là rắn ráo trâu) để nuôi thử nghiệm. Do loại rắn này ít được nuôi ở địa phương, nên không ai có kinh nghiệm cũng như rành về kỹ thuật nuôi.

Vì vậy, khi bắt đầu mô hình mới này, anh phải tự mày mò đóng lồng, tìm thức ăn cho rắn, cách chăm sóc… Không ít người ở địa phương đã bàn ra, tán vào chuyện nuôi rắn của anh vì nó quá mạo hiểm. Những lúc như thế, anh chỉ cười, vì có mấy ai biết anh đã có sự chuẩn bị khá kỹ càng trước khi bắt tay vào thực hiện.

Anh Tâm chia sẻ kinh nghiệm nuôi rắn hổ hèo. Ảnh: Báo Nông nghiệp

Theo anh Tâm, rắn hổ hèo là loại rất dễ nuôi, ít dịch bệnh, thích ứng với mọi điều kiện nuôi dưỡng. Thức ăn chính của chúng là cóc, ếch, nhái, chuột… nhưng phải còn sống và cứ khoảng 4 ngày mới cho ăn 1 lần.

Với mỗi lồng 5 con, ngoài việc cho ăn, anh chỉ tốn công làm vệ sinh chuồng. Sau 10 tháng nuôi, con lớn nhất ước chừng hơn 1 kg, con nhỏ nhất cũng khoảng 700 gr. Với trọng lượng trên, nếu xuất bán ở thời điểm hiện nay chỉ được giá khoảng 400.000 đ/kg, vì mới vô loại 3. Khi rắn đạt trọng lượng từ 1,2 - 1,4 kg, sẽ có giá từ 700.000 - 800.000 đ/kg và nếu đạt từ 1,5 kg trở lên, giá trên 1 triệu đồng.

Một mô hình khác được báo Zing.vn ghi nhận tại miền Tây là sự vươn lên làm giàu với thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm của gia đình chị Trần Thị Nói, ở ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng, huyện An Phú (An Giang) nhờ nuôi rắn hổ hèo.

Chị Nói bắt đầu nghề nuôi rắn vào năm 2006. Chị lấy số tiền gần 2 triệu tích cóp từ 3 năm làm thuê làm mướn mua được 20 con rắn hổ hèo giống về nuôi. Chưa có kinh nghiệm, chị làm một cái lồng sắt rộng hơn 4m2 dưới sàn nhà, thả rắn vào. Thức ăn của rắn hổ hèo là chuột, ếch nhái được chị và chồng bắt ở vườn vào các buổi tối.

Chị Nói bên đàn rắng bố mẹ mỗi con nặng từ 1,8-3kg/con.
Chị Nói bên đàn rắn bố mẹ có cân nặng 1,3 đến hơn 2 kg mỗi con. Ảnh: Zing.

Sau gần 10 tháng nuôi, chị Nói xuất bán được 7 con, lãi hơn 5 triệu đồng. Số tiền lãi này tiếp tục được chị dùng để mở rộng đầu tư. Có kinh nghiệm hơn so với thời gian đầu, chị Nói nuôi nhốt chung cả rắn đực và cái để chúng tự giao phối. Khi rắn đẻ được lứa trứng đầu tiên, chị tích cóp kinh nghiệm từ anh em, bạn bè, sách báo và tự thiết kế ổ ấp trứng cho rắn. Ổ ấp là thùng chứa 2/3 đất pha cát có mặt rải cát mỏng. Trứng đặt lên trên, phủ lá chuối trên bề mặt, sau 75 ngày sẽ nở ra rắn con.

Chị Nói cho biết, nuôi rắn hổ hèo không tốn nhiều diện tích, vốn đầu tư, công chăm sóc. Mỗi chuồng có diện tích từ 3 đến 5 m2, thoáng mát, sạch sẽ. Chuồng lưới thì cần tránh ánh nắng trực tiếp, chuồng xi măng tốt nhất xây ở khu vực độ ẩm không quá cao và tạo nhánh cây để rắn bò, như sống ngoài tự nhiên.

Nhớ lại thời kỳ bắt đầu nuôi, chị Nói cho hay, ban đầu cũng sợ khi tiếp xúc với rắn. Nhưng dần dần, chị cũng quen, thậm chí còn dám cho rắn quấn vào cổ. Trong gia đình, chị cũng là người chăm sóc cho bầy rắn. Chồng chị chỉ phụ giúp ở khâu đi kiếm thức ăn.

Hiện trại rắn của chị Nói có trên 200 rắn con và đàn rắn bố mẹ cho sinh sản lên đến trên 75 con. Mỗi năm, chị cung cấp ra thị trường trên 600 con rắn giống. Đầu mối tiêu thụ là các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long. Giá bán rắn giống 1 tháng tuổi dao động khoảng 300.000 đồng/con, loại 2 tháng tuổi đắt hơn 100.000 đồng/con. Với rắn thịt, giá loại một với cân nặng 1,3 - 1,6 kg/con là 300.000 đồng/kg. Riêng rắn bố mẹ cân nặng mỗi con hơn 2 kg có giá bán 8 triệu đồng/cặp.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại