"Thủ đoạn trốn nghĩa vụ quân sự" không thể lừa được quân đội

Nguyễn Huệ |

(Soha.vn) - Trốn nghĩa vụ quân sự chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng hiện tượng đó đã và đang tồn tại và không cán bộ quân sự nào có thể khẳng định là nó sẽ bị “triệt tiêu” trong thời gian tới. Nhưng cũng có biện pháp “khắc chế” để nêu cao tinh thần quân ngũ.

Đó là lời chia sẻ của anh Nguyễn Đình Toàn – Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội.

Những người làm công tác tuyển quân của phường Dương Nội vừa trải qua những ngày “khó khăn” nhất của mùa tuyển quân năm nay khi kì sơ tuyển đúng vào ngày thi đại học đợt I năm học 2013 – 2014. Và phường đã bố trí khám vét vào ngày 6/7 đối với những trường hợp đi thi để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân.

Thanh niên lên đường nhập ngũ (Ảnh: QĐND)
Thanh niên lên đường nhập ngũ (Ảnh: QĐND)

Đọc những chia sẻ mà cư dân mạng bày nhau “trốn nghĩa vụ quân sự”, anh Toàn không khỏi ngạc nhiên. Làm công tác tuyển quân nhiều năm, anh cũng đã gặp những trường hợp có dùng “chiêu trò” để được tạm hoãn việc tuyển quân. Nhưng cái sự đa dạng, phong phú mà cư dân mạng bày nhau thì đúng là lần đầu tiên anh được thấy.

Anh Toàn nhớ lại, ở phường Dương Nội, mùa tuyển quân cách đây 1 – 2 năm, trong đợt sơ tuyển, cũng có thanh niên sau khi nghe bạn bè kháo nhau, với những hình xăm diện rộng 5cm trở ra thì sẽ không bị đi nghĩa vụ, họ cũng đã áp dụng với những hình xăm dán lên bả vai.

Nhưng sau khi cán bộ y tế xử lý bằng cồn đã phát hiện ra “chiêu trò” ấy và công khai ngay tại buổi sơ tuyển để các công dân khác biết.

Đồng thời, bên y tế cũng thông báo cho hội đồng sơ tuyển biết “chiêu trò” này để tiếp tục điều khám thanh niên này. Có trường hợp đi xăm thật, tới lúc điều động khám vết xăm vẫn còn rỉ máu.

“Nhưng tất cả, dù là xăm thật hay giả đều không 'qua mắt' được cán bộ y tế cũng như những người làm công tác tuyển quân. Bây giờ, cũng chẳng ai dùng chiêu ấy để 'trốn nghĩa vụ quân sự' nữa. Bởi lẽ, có nhiều người muốn xóa hình xăm nhưng không sao xóa được”, anh Toàn khẳng định.

“Là một xã mới lên phường từ năm 2009, mỗi đợt sơ tuyển, Dương Nội tiếp nhận gần 200 công dân. Và năm nào, phường cũng được quận “ưu ái” giao chỉ tiêu tuyển quân nhiều nhất quận. Những gì cư dân mạng bày nhau “trốn nghĩa vụ quân sự” có lẽ Dương Nội chỉ gặp có trường hợp như thế.

Năm nay, theo Luật tuyển nghĩa vụ quân sự cũng có nét mới là có giấy báo nhập học nhưng đồng thời có giấy báo nhập ngũ thì vẫn phải ưu tiên cho việc nhập ngũ”, anh Toàn cười chia sẻ thêm.

Nhưng khi nhắc về vấn đề đo độ cận thị của mắt, anh lại thở dài. Bởi lẽ, đó cũng là cái “khó khăn” của cấp xã, phường khi công cụ đo độ cận, loạn thị chưa có hoặc chưa chuẩn xác để khớp với số đo khi lên khám ở tuyến trên. Nhưng cũng không phải vì khó khăn ấy mà phường để “lọt” công dân đi sơ khám.

Nói về những công dân còn đang luẩn quẩn trong những suy nghĩ muốn “trốn nghĩa vụ quân sự”, anh Toàn cho biết: “Đại đa số những công dân ấy là những người được nuông chiều, chơi bời, lêu lổng, chưa hiểu về luật Nghĩa vụ quân sự. 

Họ cứ nghĩ đi bộ đội là 'khổ sai' nhưng không nghĩ đó là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân và bộ đội sau khi phục viên còn có phiếu phụ cấp học nghề. Bản thân những người bố người mẹ cũng giữ con nên đã gây ra nhiều vất vả cho hội đồng nghĩa vụ quân sự”.

Xét về cơ bản, Dương Nội là một vùng nông thôn mới lên phường nên tỉ lệ công dân đi học cao ít hơn các phường nội thị. Chính vì vậy, việc tuyển quân cũng sẽ dễ hơn các phường khác.

“Nhưng giờ họ xác định mất đất rồi nên sẽ đi học. Chính vì vậy, vấn đề huy động công dân tham gia các kì tuyển quân, chúng tôi cũng chỉ xác định thuận lợi trong 1 – 2 năm nữa. Rất cần sự vào cuộc của các ban ngành đoàn thể để đảm bảo mỗi mùa tuyển quân đều diễn ra tốt đẹp”, anh Toàn bày tỏ mong muốn.

Cũng bàn về vấn đề “trốn nghĩa vụ quân sự”, ông Nguyễn Huy Phương, Phó Chủ tịch thường trực, Hội Cựu chiến binh TP. Hà Nội chia sẻ:

“Có những thanh niên hiện nay chưa được nhiệt tình. Tránh né, viện cớ, viện lý do để lui đợt tuyển quân này sang đợt tuyển quân khác như: viện lý do gia đình khó khăn, đi học thêm, làm hết công việc này tới công việc khác… Nhưng đó chỉ là những thành phần cá biệt và tỉ lệ này hiện nay là rất ít.

Nguyễn Huy Phương, Phó Chủ tịch thường trực, Hội Cựu chiến binh TP. Hà Nội

Nguyễn Huy Phương, Phó Chủ tịch thường trực, Hội Cựu chiến binh TP. Hà Nội.

Chúng ta phải nhìn nhận và khuyến khích những mặt tích cực mà đại đa số thanh niên hiện nay đã làm được trong vấn đề tuyển quân. Đó là, rất nhiều thanh niên kể cả thành phố cũng như nông thôn đã viết đơn tình nguyện xin nhập ngũ.

Chuyện đào ngũ, bỏ ngũ, vi phạm của tân binh trong gần 10 năm trở lại đây theo báo cáo của các cơ quan quân sự là gần như không có”.

LTS: Mời Quý độc giả gửi nhận xét, bình luận, ý kiến vào hộp thư: tkts@soha.vn hoặc comment vào ô "Viết bình luận" ở cuối bài. Những ý kiến hay sẽ được chúng tôi đăng tải. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại