Thời gian nghỉ tết Nguyên đán Giáp Ngọ theo Bộ luật Lao động là 5 ngày, tính từ 30 tháng Chạp. Do trùng vào thứ Bảy, Chủ nhật nên tính cả ngày bù thì thời gian nghỉ chính thức là 7 ngày. Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền - chịu trách nhiệm tham mưu về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi đề nghị tăng thêm một ngày trước đó, tức từ 29 tết.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, nên cho nghỉ tết từ 28 âm. “Như thế sẽ giảm tải giao thông những ngày cận tết, giảm nguy cơ tai nạn giao thông, lại thêm thời gian mua sắm, kích cầu tiêu dùng. Với lại, phải tạo điều kiện cho công nhân các nhà máy chứ cán bộ, công chức thực ra toàn nghỉ trước để mua sắm”.
Qua thảo luận, hầu hết ý kiến thành viên CP đồng tình với đề nghị của Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với đề xuất phương án nghỉ Tết 9 ngày của Bộ trưởng Bộ Giao thông & Vận tải Đinh La Thăng. Trong đó, thời gian làm bù nên chia đôi vào một ngày nghỉ cuối tuần trước Tết và một ngày nghỉ cuối tuần sau Tết. Như vậy, Tết âm lịch người dân sẽ nghỉ 9 ngày, từ 28 tháng Chạp đến hết mùng 6 Tết.
Trước đó, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có đề xuất điều chỉnh thời gian nghỉ trước Tết ít nhất là 3 ngày cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ.
Tại TP HCM, Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo, các trường sẽ nghỉ Tết Giáp Ngọ từ ngày 25/1 đến 9/2/2014 (tức là từ 25 tháng Chạp đến mùng 10 tháng Giêng Âm lịch).
Bên cạnh đó, với cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động ngoài thành phố, là đoàn viên công đoàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ít nhất 3 năm liền chưa về quê... được hỗ trợ tiền vé xe. Còn những người có hoàn cảnh khó khăn, không thể về quê ăn Tết sẽ tham gia họp mặt "Vui Tết", tạo không khí ấm áp như trong gia đình.