Thời gia sư “lên ngôi”

vytran |

Nhiều gia sư “ngôi sao” đã trở thành triệu phú nhờ phong trào “người người học thêm” ở đặc khu hành chính này của Trung Quốc.

Xuất hiện trên những tấm biển quảng cáo khổ lớn với nụ cười tươi và phong thái đĩnh đạc, những gia sư có tiếng ở Hồng Công cam kết có thể giúp những học sinh học yếu kém trở thành học sinh loại A và đổi lại là họ có thể kiếm tới 1,5 triệu USD/năm.

Một giờ học thêm tiếng Anh của học sinh cấp 2 với gia sư Richard Eng. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngành công nghiệp dạy kèm ở Hồng Công ước đạt giá trị khoảng 400 triệu đôla Hồng Công (tương đương 51 triệu USD), khi mà theo thống kê chính thức có tới gần 1/2 số học sinh trung học ở đây tìm đến gia sư sau giờ học chính khóa và các bậc phụ huynh luôn sẵn lòng móc hầu bao để có được sự kèm cặp tốt nhất cho con em mình, giúp chúng đạt kết quả cao trong thi cử.

“Dạy kèm có thể xem là một hình thức đầu tư giáo dục ở Hồng Công”, Kelly Mok - gia sư tiếng Anh tại King’s Glory, một trong số những trung tâm gia sư lớn nhất ở Hồng Công – nhận định. Chính nhờ sự lên ngôi của nghề gia sư mà Richard Eng đã trở thành người giàu có. Lái chiếc Lamborghini, tay đeo những loại đồng hồ đắt tiền, Eng sống sung túc trong biệt thự nhiều triệu đô ở khu Yuen Long.

Eng cho biết, “trong khi mỗi năm ở Hồng Công chỉ có 20.000 người tốt nghiệp đại học thì lại có tới 100.000 học sinh muốn được vào học tại các trường này. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như vậy, dễ hiểu tại sao người ta lại lo lắng cho các cuộc thi đến thế, nhất là các kỳ thi vào đại học”.

Một đồng nghiệp của Eng - Clad, 47 tuổi, cũng là một hình mẫu “gia sư thành đạt”. Mặc quần jean bó, áo phông xám, đeo thắt lưng hiệu Gucci, Clad đang có một bài giảng sinh động bằng hai thứ tiếng Anh và Quảng Đông. Anh còn sử dụng cả máy tính nối với máy chiếu và microphone để bài giảng hấp dẫn học sinh hơn.

Trong khi đó, Mok - một nữ gia sư dáng như người mẫu - cho biết, các bài giảng của cô vừa đảm bảo tính học thuật vừa đảm bảo tính thư giãn. Nữ gia sư dùng túi xách hiệu Louis Vuitton, diện chiếc váy ngắn, đi giày cao gót, tâm sự: “Mỗi bài giảng gần giống như một buổi trình diễn. Nên nhớ rằng những học sinh này đã mệt mỏi sau các tiết học ở trường. Vì vậy, công việc của chúng tôi là làm sao cho những tiết học thêm phải sinh động hơn”.

Một gia sư khác, Alex Lam còn tự bỏ tiền ra để sản xuất một bộ phim nhiều tập mà anh thủ vai chính để lôi cuốn học sinh.

Về phía các trung tâm gia sư, họ đua nhau quảng bá về những gia sư của mình trên các bảng quảng cáo lớn hoặc trên những chiếc xe buýt chạy dọc ngang khắp thành phố.

Trung tâm King’s Glory còn đi xa hơn trong cuộc đua thu hút học sinh bằng việc thưởng điểm cho các học sinh. Sau đó, học sinh có thể dùng số điểm này để đổi lấy các món quà như văn phòng phẩm hoặc đồ chơi.

Phất lên nhờ nghề gia sư, song thầy Lam cũng cảnh báo rằng một số học sinh và phụ huynh quá cực đoan với thành tích học tập. “Việc học thêm đang trở nên hơi điên rồ. Một số học sinh học thêm tới 5 đến 6 môn. Thực tế, chẳng có lợi gì cho các em khi học quá nhiều môn như thế. Các em chỉ nên tập trung vào một hoặc hai môn mà các em còn yếu”, thầy Lam cho biết.

Một vấn đề nữa là chất lượng gia sư đang giảm sút. Theo thầy Lam, một số gia sư mới sử dụng nhiều chiêu bài phi giáo dục để thu hút học sinh như kể chuyện hài hay dùng gương mặt đẹp... mà chẳng tập trung vào việc dạy. Thậm chí, một số gia sư còn dùng các chiêu phi đạo đức như quảng cáo rằng họ có thể tiếp cận được các câu hỏi thi.

Sở Giáo dục Hồng Công không ủng hộ việc dạy thêm – học thêm, từ năm 2009 đã khẳng định rằng học sinh học ở trường là đủ. Dù vậy, khi các bậc phụ huynh vẫn còn lo lắng tới thành công học tập của con thì nghề gia sư vẫn còn “đất sống”, như lời gia sư Eng: “Giáo dục sẽ luôn là một ưu tiên bởi vì mỗi bậc cha mẹ đều muốn con cái họ tốt hơn thế hệ mình”.

Theo Tuổi Trẻ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại