Suốt đêm 3-7, chúng tôi cùng người dân thôn Đồng Hội, xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) thức canh để mục kích con vật to lớn phá hoại hoa màu mà chính quyền địa phương cùng người dân đều khẳng định là bò tót. Họ mời phóng viên báo chí đến ghi hình để chứng minh bò tót đang xuất hiện trong khi kiểm lâm chưa tin đó là bò tót…
Canh bò tót vì sợ bị săn trộm
Đây là đêm thứ ba liên tiếp người dân hỗ trợ các phóng viên ghi nhận hình ảnh về những con vật mà họ cho là bò tót.
Ông Lê Quốc Hải, Trưởng thôn Đồng Hội, nói: “Hai con bò tót này xuất hiện trở lại đã hơn 20 ngày nay, ăn phá, giẫm đạp hàng loạt ruộng bắp, hoa màu. Ban ngày bà con không dám vào rừng, ban đêm đã có một số người bị nó rượt suýt chết. Chúng tôi đã nhiều lần báo cho Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân nhưng họ chỉ cử người đến hai, ba lần rồi đi, không ghi được hình ảnh gì. Chúng tôi mong cơ quan chức năng đến đưa chúng đi nơi khác để bảo vệ”.
20 giờ, một số người dân địa phương lặng lẽ đưa chúng tôi vào bìa rừng, cách ngôi làng chỉ hơn 1 km. Chúng tôi ngồi trên một chòi canh cao hơn 2 m đặt giữa đám rẫy. Dưới ánh trăng, hàng loạt đám bắp đang thời kỳ thu hoạch đã bị phá tan hoang, gãy đổ, xơ xác. “Từ khi bò ra ăn bắp, đêm nào vợ chồng tôi cũng ngồi suốt đêm trên chòi này để xua đuổi chúng. Cả ông chủ tịch xã, mấy anh em công an xã cũng ngồi trên chòi này, tận mắt nhìn thấy và đều khẳng định đó là bò bót. Thế nhưng khi chúng tôi báo lại, cán bộ kiểm lâm không tin. Cả vụ này, gia đình tôi chỉ trông chờ vào đám bắp này. Giờ bắp bị phá nát hết, xót lắm nhưng cũng phải thức đêm canh chừng chứ kẻ xấu bắn bẫy chúng là có chuyện to” - anh Cường thì thầm với chúng tôi.
22 giờ, rừng xuất hiện những tiếng động lạ mà người dân cho là tiếng đi của bò tót. Theo người dân thôn Đồng Hội, những đêm đói bò tót ra ăn khá sớm. Những khi có nhiều tiếng người, bò đứng ở bìa rừng rống to, tức tối. 0 giờ, ông trưởng thôn Lê Quốc Hải nhẹ nhàng đến chòi canh sau khi tham gia chữa cháy rừng. Đây là đêm thứ 11 liên tiếp ông Hải thức trắng cùng người dân canh giữ bò tót. Ông báo tin:
Một con bò tót đã ra ăn ở đám bắp cách chúng tôi vài trăm mét.
2 giờ 30 sáng, một con bò đen, trọng lượng ước chừng cả tấn đến ăn bắp cách chúng tôi gần 30 m. Từ trên chòi canh, qua máy quay phim, chúng tôi quan sát rất rõ hình dáng, các bộ phận của con vật, nhất là màu lông, cặp sừng, đôi chân giống hệt những con bò tót mà chúng tôi đã nhìn thấy. Theo ông Hải, có những đêm con bò này ăn đến vài tiếng đồng hồ và hôm sau các đám bắp hầu như không còn gì.
Hy sinh hoa màu để bảo vệ bò
Ông Đặng Chí Hậu, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1, cho biết: “Từ hôm cùng người dân tận mắt nhìn thấy con vật, về tìm hiểu, đối chiếu các tài liệu, hình ảnh trên Internet, tôi khẳng định đó là con bò tót. Chính vì thế, chúng tôi càng lo nó bị sát hại hơn. UBND xã đã báo cáo UBND huyện, Hạt Kiểm lâm đề nghị Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã đưa những cá thể này đến khu vực bảo tồn nhưng đến nay chưa có phản hồi”.
Từ khi hai con bò xuất hiện, ban đêm ông Lê Quốc Hải cùng người dân thức canh giữ, ban ngày ông nhờ người vào mạng Internet in các tài liệu về bò tót rồi phát cho dân làng để mọi người không làm tổn thương con vật này.
Một người dân cho biết: Dân Đồng Hội vốn là những thợ săn giỏi. Thấy bò phá dữ quá, nhiều người bảo bẫy nhưng chúng tôi phản đối. Thực ra để bẫy bắt những con bò này là điều quá dễ với chúng tôi nhưng khi biết nó là động vật hoang dã quý hiếm, ai cũng có ý thức bảo vệ.
Còn gia đình ông Trần Văn Bình có đám bắp rộng gần 3.000 m2 đang chuẩn bị thu hoạch nhưng ông chấp nhận bỏ bắp để giữ bò. Ông thuyết phục vợ: Đám bắp gần bìa rừng, cứ để cho bò tót ra ăn, các cơ quan chức năng mới nhìn thấy để bảo vệ nó.
Sau khi phóng viên quay được hình ảnh về con vật mà người dân cho là bò tót, ngày 4-7, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân đã đến hiện trường. Ông Vũ Công Tâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân, cho biết kiểm lâm đã ghi nhận hiện trường, lấy các mẫu vật như phân, lông rơi lại để gửi kiểm nghiệm. “Chúng tôi đang dò tìm đường đi, nơi ở của con vật để xác định có phải là bò tót hay không. Nếu xác định đúng bò tót, cơ quan kiểm lâm sẽ đề nghị các cơ quan chức năng trung ương có biện pháp xử lý để đưa đi nơi khác bảo tồn. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là chúng tôi chưa có khả năng cũng như chưa có các thiết bị để kiểm tra, xác định chính xác” - ông Tâm nói.