Theo đó, chỉ bằng phương pháp xoa bóp, bấm huyệt, vị "thần y" này có thể chữa được tất cả các loại bệnh, từ ung thư, xương khớp, tai biến, câm điếc bẩm sinh, bại liệt... thậm chí còn làm cho bệnh nhân kéo tuổi thọ thêm được vài năm nữa. Trước những thông tin gây xôn xao dư luận, chúng tôi đã tìm về xã Đức Thắng để tìm hiểu thực hư.
Đột nhập "đại bản doanh" của "thần y"
Theo lời chỉ dẫn của một người bạn, chúng tôi tìm về xã Đức Thắng trong vai trò là người nhà của bệnh nhân muốn đến đặt lịch khám chữa bệnh. Mất khoảng gần 10 phút chạy lòng vòng qua những con đường đất, chúng tôi dừng xe trước ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, phía ngoài cổng có dán một bảng thông báo về lịch làm việc và thời gian khám chữa bệnh. Trên đó ghi rất rõ: Khám bệnh tất cả các ngày trong tuần, trừ ngày mùng 1 và 15 âm lịch.
Vừa mới hơn 9h sáng, thế nhưng hàng chục chiếc xe máy đã dựng kín lối đi từ cổng vào đến sân vườn, phía trong sân nhà lúc này đã có khoảng 40-50 người đang chăm chú theo dõi "thần y" chữa bệnh.
Theo quan sát của chúng tôi, nơi "thần y" Thắng tổ chức khám chữa bệnh được diễn ra ngay tại hè của nhà mình. Khi chúng tôi vừa đi vào sân thì một người phụ nữ tiến lại gần chúng tôi rồi giới thiệu: "Tôi là Quyết mẹ đẻ của "cậu" Thắng, các chú đến chữa bệnh hả? Có đăng ký hay chưa? Sau khi nghe tôi trình bày là đến để đăng ký khám bệnh cho mẹ thì bà Quyết vồn vã: "Mẹ cháu có đến đây không? Nếu đến thì cho vào đây để khám luôn, chứ còn đăng ký thì phải đợi lâu lắm, có khi đến một năm đấy".
Bà Quyết nói tiếp: "Đăng ký cũng đơn giản thôi, các chú cứ lấy cái phong bì kia, rồi để chút tiền gọi là "lòng thành" vào trong đó rồi dán lại, sau đó ghi đầy đủ họ, tên, tuổi, địa chỉ, mang đặt lên bàn thờ giữa sân đó thắp hương rồi bà vái cho. Không cần đăng ký đâu, hôm nào thuận tiện thì chở mẹ đến đây, bà nói trước với "cậu" khám luôn cho", nói rồi bà Quyết đưa cho chúng tôi mỗi người một cái bao phong bì rồi đi thẳng vào nhà.
Làm xong các thủ tục "ban đầu", chúng tôi tiến lại gần khoảng sân nơi có để sẵn những chiếc ghế nhựa dành cho bệnh nhân đến chữa trị. Phải may mắn lắm mới có được một chỗ ngồi, bởi số người tìm đến đây rất đông. Trên hè, một chiếc chiếu hoa được chải rất ngay ngắn, người bệnh nào đến chữa sẽ được "cậu" Thắng gọi lên lần lượt. Đang tìm chỗ ngồi, chợt phía trên hè phát ra những tiếng vỗ tay bốp, bốp liên tục.
Giật mình ngẩng đầu lên, chúng tôi nhìn thấy một cô gái khoảng 25 - 26 tuổi, đang được "thần y" chữa bệnh. Theo lời bà Hương, ngồi ngay cạnh chúng tôi cho biết: "Cô gái này ở tận xã Đoan Bái (huyện Hiệp Hòa) đến đây chữa bệnh câm, điếc bẩm sinh cũng được hơn một tuần rồi, lần nào đến "cậu" Thắng cũng phải vỗ tay xem tai cô ấy có nghe được không, sau đó "cậu" Thắng sẽ tiếp tục thực hiện các liệu pháp xoa bóp, bấm huyệt để chữa trị".
Rất đông bệnh nhân ngồi đợi "thần y" chữa bệnh cho mình.Ảnh T.G.
"Thần y" không chữa được bệnh cho người nhà?
Đang ngồi chăm chú theo dõi phương pháp chữa bệnh của "thần y", chúng tôi bị phân tâm bởi những tiếng dép loẹt quẹt của một người phụ nữ khoảng 50 tuổi, người này cũng bị dị tật một bên bàn chân, bởi vậy bà không thể bước đi bình thường được. Theo lời bà Hương thì người đó chính là cô ruột của "thần y" Thắng.
Tiến lại gần người phụ nữ này để bắt chuyện, chúng tôi được biết bà tên Thắm (tên nhân vật đã được thay đổi - PV), là cô ruột của "thần y". Theo bà Thắm cho biết, "cậu" Thắng năm nay đã 40 tuổi, có vợ và hai con. Trước đây "cậu" đi làm thợ hàn, còn cơ duyên đến với nghề chữa bệnh này cũng rất tình cờ.
Bà Thắm tâm sự: "Cách chữa bệnh của "cậu" chủ yếu là chữa về đằng âm là chính, khả năng này cũng đến rất tự nhiên. Tôi nhớ dạo đầu năm, tự nhiên "cậu" nói trong lúc ngủ có nhìn thấy 4 người đàn ông ngồi xung quanh chiếu, sau đó họ bắt "cậu" ngồi dậy rồi hướng dẫn cho cách chữa bệnh bằng bấm huyệt. Sau đó một thời gian "cậu" Thắng trổ tài chữa bệnh cho người nhà, nhưng dần dần tiếng lành đồn xa, người bệnh ở khắp nơi cứ kéo đến nhờ cậu chữa, giờ thì đông lắm, một ngày cũng phải gần 100 người ấy".
Cũng theo chia sẻ của bà Thắm với chúng tôi, nhiều người bệnh ở các tỉnh lân cận cũng tìm về đây để chữa trị, mà nhiều nhất là những người mắc bệnh câm điếc, bại liệt và tai biến, bà Thắm Kể: "Nhiều người ở xa về chữa bệnh phải tìm chỗ trọ lại, vì thực hiện đúng theo phác đồ điều trị của "cậu", mỗi đợt sẽ kéo dài 7 ngày, chia làm 3 đợt. Nam thì sẽ điều trị 21 ngày, còn nữ là 27 ngày". Khi tôi hỏi: "Nếu sau 21 ngày chữa trị với nam giới mà không khỏi thì sao?".
"Nếu vậy thì sẽ tiếp tục thực hiện theo phác đồ điều trị mới, cho đến khi nào người bệnh khỏi hẳn mới thôi", bà Thắm trả lời. Nghe bà Thắm nói vậy, tôi nhìn xuống bàn chân co dúm lại của bà rồi hỏi: ""Cậu" chữa được bách bệnh, sao bà không nhờ "cậu" chữa chân cho mình". Như hơi chột dạ, bà Thắm trả lời nhát gừng: "Chân tôi hả? Nó bị di chứng từ hồi chiến tranh, giờ gân nó đã co lại, làm sao mà chữa được. "Cậu" chỉ chữa các bệnh mới phát thôi, đặc biệt là bệnh tai biến, câm điếc, bại liệt".
Lịch khám chữa bệnh được "cậu" Thắng dán ngay ngoài cổng. Ảnh T.G .
Đem câu chuyện về "thần y" Thắng có khả năng chữa được bách bệnh, chúng tôi hỏi ông Hùng, một người dân ở xã Đức Thắng cũng từng đưa người nhà đến nhờ "cậu" Thắng chữa bệnh, được ông cho biết:
"Tôi nói thật nhé, các chú có bệnh thì nên tìm đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị, chứ tìm đến với nó (tức "cậu" Thắng - PV) không khỏi được đâu. Tôi đây đã từng dẫn ông cụ nhà tôi đến đó chữa bệnh, cụ bị tai biến mạch máu não liệt mất nửa người.
Một tuần điều trị "thần y" này không cho ông nhà tôi dùng bất kỳ một thứ thuốc gì, chỉ sử dụng mỗi phương pháp bấm huyệt, rồi mát xa. Sau một tuần tôi thấy vớ vẩn quá, mà ông cụ không thuyên giảm nên tôi không cho ông cụ đến đó nữa".
Trao đổi cùng PV báo GĐ&XH Cuối tuần, ông Phạm Ngọc Ban - Chủ tịch UBND xã Đức Thắng cho hay: "Việc hành nghề y dược tư nhân đều do chính quyền xã quản lý, việc anh Phạm Đức Thắng hành nghề chữa bệnh là không hề có giấy phép. Xã đã xuống kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu anh Thắng dừng ngay việc khám chữa bệnh tại nhà, bản thân anh Thắng cũng chưa từng học qua bất kỳ trường lớp y học nào cả".