Sau công điện hỏa tốc của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN- làm rõ nguyên nhân giá cả các loại thực phẩm, đặc biệt là thịt và rau tiếp tục tăng rất nhanh, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ngày 12/7 đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp, nhằm tìm nguyên nhân và biện pháp kiềm chế giá các mặt hàng này.
Cung đáy, cầu đỉnh
Tổng quát tình hình, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhận định: “Hiện chăn nuôi trong nước đang rơi vào thế cầu ở đỉnh mà cung ở đáy. Số liệu thống kê 6 tháng đầu năm cho thấy nhập khẩu giảm, nguồn cung giảm, nhu cầu tăng. Nhưng nguyên nhân nguồn cung cạn kiệt từ đâu.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT, nếu so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, thịt lợn của Việt Nam ngang bằng hoặc đắt hơn chút ít, nhưng so với Mỹ thì quả là đáng xem xét. Nguyên nhân chính, theo ông Dương là “cung cầu đang có vấn đề”. Dẫn chứng đáng báo động là tình trạng bỏ chuồng trại của chăn nuôi nhỏ lẻ. Trước đây, cả nước có 8 triệu hộ chăn nuôi nhỏ thì giờ chỉ còn 3 triệu. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang lấp chuồng, trong khi chăn nuôi công nghiệp, trang trại lại không thể phát triển bất chấp chính sách khuyến khích chăn nuôi trang trại Bộ NN-PTNT.
Thực phẩm liên tục tăng giá nóng trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Nguyễn Hữu
Ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, cho hay trang trại gần như chỉ duy trì chứ không dám mở rộng, vì rủi ro từ lãi suất quá lớn. Chưa bao giờ chăn nuôi lợn lãi cao tới 2 triệu đồng/con như hiện nay, nhưng trang trại vẫn không dám đầu tư, vì nông dân ám ảnh chuyện “được mùa mất giá”. Một vấn đề đáng nói nữa là dù chính sách khuyến khích nuôi trang trại của Bộ NN&PTNT đã rõ ràng, nhưng các địa phương lại không dám chứng nhận. Ông Tâm còn cho biết thêm, hiện nay chủ tịch UBND huyện rất ngại công nhận trang trại, bởi lo quy hoạch không ổn định. Điều này làm chăn nuôi trang trại cứ phát triển trong “nhấp nhổm”. Và vì vậy, số đầu con gia súc, gia cầm liên tục giảm, nay trở thành báo động. “Ngành chăn nuôi cần có chính sách dài hơi, nếu không muốn chăn nuôi hộ gia đình nhỏ lẻ dần bị xóa bỏ, trong khi chăn nuôi trang trại vẫn chưa phát huy hiệu quả”, ông Tâm nói.
Tương tự, giá rau tại các chợ cũng tiếp tục lên do rơi vào thời kỳ giáp vụ, ảnh hưởng bởi cơn bão số 2 vừa qua cộng với tâm lý đẩy giá của tiểu thương. Hiện chỉ có các loại rau chính vụ mồng tơi, rau muống, mướp.... giữ giá, còn lại đều tăng, nhất là nhóm rau cải, cà chua, rau sống…
Bắt đầu từ thịt gà để kéo giá thịt đi xuống
Giải pháp trước mắt được Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo là điều hòa lại thị trường trong nước, hạ nhiệt những nơi quá cao.
Đối với hai nhóm sản phẩm “nóng bỏng” là chăn nuôi và rau, ông Phát chỉ rõ mặt hàng rau sẽ điều chỉnh nhanh nên vấn đề chính là thông tin thị trường cho chuẩn để tự điều chỉnh trong thời gian sớm nhất. Cục Trồng trọt phải nắm chắc lại tình hình và báo cáo xem cần điều chỉnh gì và xem xét khả năng tung lượng giống rau dự trữ. Mặt hàng thịt, Cục Chăn nuôi khẩn trương nắm, phân tích kỹ tình hình, đề phòng những vấn đề có thể xảy ra trung và dài hạn. Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu Cục Thú y, Cục Chăn nuôi ngay trong chiều 12.7, cập nhật giá bán tại tất cả các tỉnh thành, địa phương xem nơi nào cao nhất, nơi nào thấp nhất. Trong 3 loại thịt chính là lợn, bò, gà, vòng nuôi nhanh nhất là gà với khoảng 45 ngày, nên bắt đầu từ thịt gà để giải quyết vấn đề trước mắt, bằng cách kéo giá gà rẻ xuống nhanh để người dân chuyển sang ăn gà, mới kéo được giá thịt lợn xuống.
Ngoài ra, tất cả các đơn vị liên quan phải nắm chắc lại tình hình các địa phương, bao gồm cả sản xuất và tiêu dùng, lượng, chất lượng và giá cả, kể cả các vùng miền núi. Đối với từng ngành hàng, từ gạo, đường dù nguồn cung đang ổn cũng phải dự báo tình hình, không xảy ra cú “sốc” thị trường. Theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, trong tuần này, Cục Trồng trọt, Chăn nuôi trong tạm thời dừng tất cả các công việc hành chính, chia nhiều đoàn về các địa phương, vùng chăn nuôi, trồng trọt, trực tiếp trao đổi tình hình với nông dân để nắm rõ tình hình sản xuất, chăn nuôi và báo cáo chính xác lên bộ vào cuối tuần.
“Việc tăng giá đột biến của một số loại thực phẩm trên thị trường đúng là có lợi cho nông dân, nhưng lại ảnh hưởng đến đời sống của người làm công ăn lương và chỉ số giá cả. Nếu tăng từ từ theo lộ trình sẽ tạo được sự ổn định, nhưng tăng đột biến như hiện nay là tác động tiêu cực, nên phải xử lý để điều hòa lợi ích giữa nông dân và những người tiêu dùng, tránh làm xáo trộn đời sống xã hội”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cao Đức Phát.
Theo Đất Việt