Thiệt hại thế nào thì tổ chức quốc tang?

daquynh |

Chiều 13.8, UBTV QH đã thảo luận về dự thảo nghị định quy định tổ chức quốc tang.

Sau khi nghe đại diện cơ quan được giao chủ trì soạn thảo- Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Anh Tuấn đọc dự thảo NĐ quy định tổ chức quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến tính mạng của nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh, thiếu niên và nhi đồng của QH Đào Trọng Thi đọc báo cáo thẩm tra tờ trình dự thảo NĐ. Báo cáo cho biết, thực tế hiện nay, quốc tang đã được quy định tại NĐ 62/2001/NĐ-CP ngày 12.9.2001 của Chính phủ.
Tuy nhiên, NĐ này mới chỉ điều chỉnh đối tượng là những cán bộ giữ chức vụ cao nhất của Đảng và Nhà nước, mà chưa có nội dung quy định quốc tang trong trường hợp thiên tai thảm họa đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn tính mạng của nhân dân.

thiet-hai-the-nao-thi-to-chuc-quoc-tang

Người dân Mỹ trong lễ tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố ngày 11.9

Từ thực tiễn trên, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải ban hành một NĐ mới quy định riêng về quốc tang trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng của người dân. Tuy nhiên đa số các ý kiến của các ủy viên UBTV QH đều cho rằng dự thảo nghị định còn chưa làm rõ được những vấn đề cơ bản mang tính nguyên tắc như thiệt hại tới mức độ nào thì tổ chức quốc tang, ai là người có thẩm quyền quyết định tổ chức cũng như địa điểm, hình thức tổ chức quốc tang…

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc QH K’sor Phước cho rằng: NĐ chưa nói rõ mức độ “thiệt hại lớn” là như thế nào? Phải quy định cụ thể bao nhiêu người chết, thiệt hại bao nhiêu tiền thì mới tổ chức quốc tang. “Nếu không làm rõ điều này thì chẳng có căn cứ nào để tổ chức quốc tang” - ông K’sor Phước nhấn mạnh.

Chia sẻ với quan điểm này, Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Văn Hiện còn chỉ rõ: Dự thảo NĐ cũng phải chỉ rõ cấp có thẩm quyền quyết định tổ chức quốc tang? Bộ Chính trị như trong NĐ nêu hay là chủ tịch nước như các nước vẫn làm?

Còn Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh QH Nguyễn Kim Khoa lưu ý về hình thức tổ chức quốc tang: “Chúng ta cần phân biệt rõ hai loại quốc tang. Một là dành cho các nguyên thủ quốc gia. Còn với người dân mất trong các thảm họa, thiên tai, theo tôi nên tổ chức lễ tưởng niệm giống như nhiều nước vẫn làm”.

Tán thành với quan điểm này, Chủ nhiệm UB Đối ngoại QH Trần Văn Hằng cũng cho rằng, nên tổ chức theo hình thức lễ tưởng niệm chứ không thể tiến hành giống như lễ truy điệu một lãnh đạo Đảng, Nhà nước được.

“Trong một số trường hợp, lễ tưởng niệm còn mang ý nghĩa quốc tế, thậm chí như một lời cảnh báo (như trong trường hợp tưởng niệm nạn nhân của khủng bố chẳng hạn) đối với toàn thế giới”, ĐB Hằng góp ý. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng nhận xét dự thảo NĐ chưa ổn, còn nhiều điểm thiếu cụ thể.

Về cách thức tổ chức lễ tưởng niệm nên đơn giản, phù hợp với chủ trương đảm bảo an toàn, trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương lãng phí… Nhiều ĐB cũng nhất trí đề nghị nơi tổ chức quốc tang (hoặc tưởng niệm) tốt nhất nên ở nơi xảy ra sự cố (thảm họa, thiên tai), để có thể vừa giáo dục vừa nhắc nhở cho cộng động về những mất mát đã xảy ra.

Chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh và ban soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung những vấn đề còn chưa rõ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại