Thiên vị, lộ đề... điểm mặt những lùm xùm tại chung kết Olympia

hoanghuyen |

Những lùm xùm này vô tình ảnh hưởng đến uy tín của một trong những chương trình đang thu hút nhất trên truyền hình.

Chung kết Olympia 2008: Thầy giáo trường chuyên tố cáo gian lận

“Nếu họ không làm thế, kết quả đã khác!”. Đây là khẳng định của thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn - giáo viên Trường THPT chuyên Bắc Giang, tác giả entry Sự thật về “Đường lên đỉnh Olympia” gây xôn xao cộng đồng mạng.

Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia tháng thứ ba, quý 3.

Trong bài, tác giả cho biết người dẫn chương trình Nguyễn Hữu Việt Khuê (cũng nguyên là thầy giáo dạy toán), đã công khai thiên vị.

Theo đó Việt Khuê đã chèn ép thí sinh các đội Bình Thuận, Phú Yên, Bắc Giang để nâng đỡ cho thí sinh Hà Nội. Nhiều lần những thí sinh trên bấm nút trước nhưng không được trả lời với lý do là nhiều người cùng bấm thì máy treo. Khi Chí Thiện (Bình Thuận) bấm nút và hiện tên trên màn hình thì anh MC này trả lời "vì em bấm cuối cùng".

Thầy giáo Tuấn cho rằng đây là cuộc thi không công bằng, chịu sự chi phối của “thế lực đen tối phía sau”.

Chung kết Olympia 2011: Trộn văn với hóa, lẫn lộn L với R

Trong cuộc thi Olympia 2011, cô gái đất Cảng Phạm Thị Ngọc Oanh đăng quang với nhiều tranh cãi. Trong đó đáng kể nhất là câu hỏi số 4 ở phần Tăng tốc. Câu hỏi “Đây là gì” được nêu ra với các dữ liệu gợi ý:

1 – Đây là hợp chất vô cơ

2- Cấu trúc mạng tinh thể, liên kết ion

3- ..?.. của rừng (tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp)

4- Một loại gia vị

5- Salt

Hai lần may mắn nên Ngọc Oanh đăng quang?

Cả 3 thí sinh trả lời đáp án hình ảnh là “muối”. Riêng Phạm Thị Ngọc Oanh (THPT Tiên Lãng, TP Hải Phòng) có đáp án “muối ăn”. MC Tùng Chi không ghi nhận đáp án trên. Tuy nhiên, sau đó, TS Nguyễn Đức Chuy – thành viên ban cố vấn tổ hóa học của chương trình đã phân tích, bức ảnh trong dữ liệu cuối cùng là hình ảnh người dân làm muối trên biển và muối ăn là đáp án có thể chấp nhận được.

Như vậy, Ngọc Oanh có thêm 30 điểm, đưa số điểm từ 190 lên 220 (nếu đáp án “muối ăn” không được chấp nhận thì Oanh sẽ đứng ở điểm 190, thua Thái Ngọc Huy, đến từ Trường THPT Quốc học Huế đang có 205 điểm).

Tuy nhiên, nhiều khán giả tỏ ra không đồng tình với quyết định này. Mặc dù các dữ kiện khác đều liên quan tới cả muối và muối ăn nhưng rõ ràng với dữ liệu thứ ba ..?.. của rừng (tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp) thì chỉ muối mới phù hợp.

Thí sinh Ngọc Oanh thêm một lần nữa may mắn với câu trả lời Krôngpút cho câu hỏi về loại nhạc cụ của người Tây Nguyên. Tuy nhiên, sau giải thích của GS Sử học Lê Văn Lan, cố vấn chương trình, Krôngpút tức là dòng sông, còn Klôngpút mới là đáp án đúng. Như vậy, vô tình "l" và "r" được coi là … như nhau.

Chung kết Olympia 2012: Nghi án lộ đề, đưa câu hỏi sai

Ngay sau khi chiếc vòng nguyệt quế cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia 2012” được trao cho Đặng Thái Hoàng (THPT Hòn Gai, Quảng Ninh), trên nhiều trang mạng xã hội, nghi vấn “lộ đề” đã được bàn luận khá gay gắt.

Các thí sinh trong buổi thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2012 - Ảnh: Nguyễn Khánh

Những ý kiến nghi đề thi bị lộ dẫn giải: “Ở phần thi vượt chướng ngại vật có đến 8 ô hàng ngang, chưa ô nào được mở, tại sao thí sinh dám tự tin khẳng định đó là “tiếng Việt”.

Cũng rất lạ là MC Tùng Chi không hỏi Thái Hoàng lý do đưa ra đáp án như mọi khi vẫn hỏi người tìm ra ẩn số, đại loại: “Tại sao em nghĩ đến đáp án này, cơ sở gợi ý nằm ở đâu...?”.

Không những thế, PGS Văn Như Cương, người viết sách giáo khoa Toán khẳng định câu hỏi đầu tiên trong phần thi Tăng tốc ra sai làm ảnh hưởng đến cục diện của cuộc thi.

H. Huyền

(tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại