Thiên đường du lịch: đeo bám, tra tấn, chặt chém

myle |

Không phải lúc nào những điểm du lịch được giới thiệu đầy ngợi ca cũng mang lại cảm giác thỏa mãn cho du khách.

Cái giá của sự thân thiện
Thấy một nhóm khách du lịch trẻ tuổi chơi quanh con suối, đám trẻ con dân tộc chừng 9 – 10 tuổi, trên tay cầm đủ loại vòng, ở đâu chạy ào tới, luôn mồm chào mời “Anh ơi, mua đi!”, “Chị ơi, cái này nhé!”. Có đứa bạo dạn còn đeo ngay cho một cô bạn chiếc vòng dệt bằng tay. Các anh chị đi đâu, đám trẻ theo tới đó, rí rách câu chuyện. Giọng trẻ con dân tộc nói tiếng Kinh nghe lanh lảnh, vừa lạ vừa hay.
Hiếm có điểm du lịch nào mà ở đó, trẻ em lại dạn dĩ chứ không e dè, ngượng ngùng với người lạ như trẻ em ở Sa Pa. Chúng sẵn sàng bắt chuyện, chụp ảnh với người lạ, đeo vào tay người lạ những chiếc vòng làm bằng bạc, bằng thổ cẩm nhiều màu sắc hay đặt lên tóc họ vòng đội đầu được kết từ hoa dại đầy thơ mộng.
Thêm nữa, Sa Pa nổi tiếng bởi không khí mát mẻ, khung cảnh hoang sơ quyện trong sương, thời tiết nóng – lạnh – mát mẻ đầy thú vị hội tụ trong cùng một ngày. Không ít lần, Sa Pa được ví von như “miền tiên cảnh”. Tuy nhiên, thực tế là chữ “tiền” xuất hiện ở đây nhiều tới nỗi du khách chưa kịp thưởng ngoạn ở “chín tầng mây” thì có thể đã bị rơi ngay về thực tại.
thien-duong-du-lich-deo-bam-tra-tan-chat-chem
Trẻ em Sa Pa vây quanh một khách nước ngoài.
Không chỉ giỏi ngoại ngữ, trẻ em ở đây còn rất giỏi đeo bám, khi thì vây quanh nói chuyện, khi lại cho đeo thử thứ này thứ khác. Một khi đã bị các em nhỏ vây quanh, chào mời mua cái này cái khác thì phải cứng rắn và kiên trì lắm mới dứt ra được yên ổn. Nếu không, chỉ có cách phải mua món đồ nào đó. Thu Hiền (Mỹ Đình, Hà Nội), một du khách đã từng trở thành mục tiêu đeo bám của đám trẻ con ở Sa Pa chia sẻ: “Mình còn nói là “Chị không có tiền đâu”, thế mà cũng chẳng ăn thua gì”.
Chụp ảnh – trả tiền, hỏi đường, hỏi chuyện – trả tiền, đó là luật bất thành văn dành cho du khách, bất kể Tây hay ta. Ống kính giơ lên - không trả tiền, đôi khi thứ nhận không phải là những bức ảnh nghệ thuật mà chỉ là sự quay ngoắt đi đầy phũ phàng. Còn người ở lại chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
"Thiếu văn minh"
Nằm cách trung tâm thành phố Hạ Long khoảng 8 km, đảo Tuần Châu là sự kết hợp của thiên nhiên đẹp, cơ sở hạ tầng hiện đại, nhiều hoạt động vui chơi giải trí quy mô. Hòn đảo nằm ở thành phố Hạ Long này được đánh giá là khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, hứa hẹn mang tới sự thoải mái, thư giãn cho khách thăm quan.
Song, gần đây, dư luận xôn xao vì bức thư gửi cho báo Giáo dục Việt Nam của Alice Chen, một du khách nước ngoài tới thăm Tuần Châu. Thay vì cảm giác thoải mái, vui vẻ sau khi được xem buổi biển diễn xiếc của khỉ và cá sấu, du khách này gọi đó là buổi tra tấn cả người xem lẫn những động vật tham gia biểu diễn: “Tôi còn thấy nếu con khỉ nào mà không nghe lời thì sẽ bị huấn luyện viên xiết chặt dây quấn vào cổ… cơ thể của những con khỉ đáng thương đó giật giật lên mấy cái. Điều đó đã làm tôi bật khóc và có cảm giác như chính mình bị xiết chặt cổ vậy”.
“Sau khi biểu diễn xong, một người khác xách dây buộc cổ những con khỉ một cách vô tình mà không biết đến nỗi đau của chúng. Vì dây quá ngắn nên con nào con nấy phải giữ chặt dây kéo để cổ khỏi bị nghẹn”.
“Không có con cá sấu nào muốn biểu diễn cả. Huấn luyện viên phải chọc chọc vào người  chúng, chúng phải chạy trốn….Họ lôi xềnh xệch con cá sấu vào giữa sân và bắt đầu dùng gậy để đánh lên khuôn mặt con vật vô tội”.
thien-duong-du-lich-deo-bam-tra-tan-chat-chem
Một màn biển diễn với cá sấu.
Thứ cuối cùng đọng lại trong lòng nhóm du khách này không phải là hình ảnh tốt đẹp ban đầu, mà là sự bức xúc, ngậm ngùi: “Sau khi buổi biểu diễn kết thúc, chúng tôi bước ra khỏi cổng mà không ai nói với ai điều gì. Ngồi trên xe mà mọi người im lặng và trầm ngâm, suy nghĩ mãi về buổi biểu diễn thiếu văn hóa và thiếu văn minh này”.
Mua tận gốc, trả giá tận ngọn
Mặc dù là một trong những điểm du lịch có tiếng trên thế giới, là nơi mà du khách không thể bỏ qua khi tới Việt Nam, song những dịch vụ Hạ Long đang sở hữu thực sự chưa thể sánh ngang với tiếng tăm tầm cỡ quốc tế của mình.
Những người bán hàng ở đây không ngại ngần đẩy giá lên vô tội vạ, nhìn khách đặt giá. Một chiếc vòng được gọi là ngọc trai, thực ra chỉ được làm bằng nhựa, nhưng lại có giá lên tới 600 – 700 nghìn, đồ trang trí làm từ vỏ ốc, vỏ sò được bày bán với giá 200 – 300 nghìn, thậm chí một chiếc thuyền để trưng bày có giá trị lên tới gần 2 triệu đồng.
Ngay cả các đồ ăn uống, vốn đã có giá sàn như kem, nước ngọt, nước suối… đều được gán một giá trị mới, cao gấp 2 – 3 lần giá bình thường. Thậm chí, dù mua hải sản tận “nơi sản xuất”, nhưng không phải lúc nào cũng được rẻ hơn chứ đừng nói tới rẻ hơn nhiều. Anh Toàn (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm: “Ăn gì cũng phải hỏi giá, mặc cả trước mới được, chứ không là bị hớ”.
Mặc dù tình trạng chặt chém không còn là điều hi hữu ở nhiều điểm du lịch tại Việt Nam, song với Hạ Long điều này đã làm mờ đi nhiều lần giá trị của một kì quan thiên nhiên được UNESCO công nhận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại