Theo dấu chân thợ săn chim ở ngọn đồi xứ Mường

Để chuẩn bị cho cuộc di cư đến phương trời mới, cứ hằng năm, vào dịp tháng hai, tháng ba, chim mùa đông lại lũ lượt bay về địa phương tìm chỗ trú ngụ.

Chúng bay theo từng đàn và ngủ trên những ngọn đồi có rừng cây um tùm. Khi người dân địa phương phát hiện, sẩm tối là những tay thợ săn lão làng lại chuẩn bị đồ nghề nhằm tiến hành săn bắn chim rừng.

Cuộc hành trình săn chim trong đêm tối

Năm nào cũng vậy, vào cuối đông, đầu xuân chim ở nơi đâu lại kéo về chao liệng kín mít trên những ngọn đồi của người dân xứ Mường, thuộc bản Đồng Chư, xã Thành Công, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Nhìn từ xa lên đỉnh núi, chúng tôi thấy rõ đàn chim đang chuẩn bị tìm nơi trú ngụ, cánh thợ săn trong bản họ đã chực và mai phục sẵn. Chỉ còn chờ cho chúng ngủ say là cuộc hành trình săn chim về đêm sẽ diễn ra.

Khi ánh mặt trời đã khuất dần xuống đỉnh núi cũng là lúc những tay thợ săn trong bản kiểm tra lại đồ nghề như: dây nỏ, tên bắn chim, súng đạn, đèn pin, túi đựng, dao đi rừng... Anh Bùi Văn Công, một người dân trong bản đang kiểm tra lại độ chắc chắn của dây nỏ, tâm sự: "Mới tối hôm qua mình tôi bắn hạ được 11 con chim, hôm nay chú cứ đi theo tôi, dân ở đây săn bắn chim như đi trẩy hội". Nói xong, anh còn chỉ tay vào trong nhà để khoe với chúng tôi về tấm bằng khen vừa đoạt được trong cuộc thi bắn nỏ của xã.

Vậy là chúng tôi sẽ phải chờ cho trời tối hẳn mới gia nhập được vào đoàn săn bắn chim rừng của bản. Đúng 6 giờ tối, các tay thợ săn đã tập trung ở đầu bản, ai cũng trang bị cho mình những chiếc nỏ được đẽo trơn chu, đằng sau gáy còn có hàng chục mũi tên được gài vào cho dễ rút. Bên cạnh những chiếc nỏ của người dân bản địa vẫn có những khẩu súng hơi, hoặc súng tự chế...

Ngoài những tay thợ săn lão luyện trong bản, các thợ săn nghiệp dư ở bản khác cũng đến góp sức, họ đi bằng xe máy và gửi ở dưới chân đồi. Lúc này trời tối hẳn, các thợ săn đã tập trung đông đúc ở bìa rừng, chỉ chờ cho chim ngủ say là cả đội xuất phát ngay. Trước khi xuất phát, chúng tôi phải đeo ủng, mua đèn pin để trang bị cho mình mới có thể xem được họ bắn hạ chim rừng.

Đã đến giờ xuất phát, chúng tôi bám theo anh Công cùng các thợ săn để trèo lên đỉnh đồi. Đến nơi thì đã thấm mệt, ngồi nghỉ được một lúc và cũng là để cho các "tay nỏ" kiểm tra kỹ lại đồ nghề. Kiểm tra xong, tốp người lại tiếp tục tiến sát vào cánh rừng trồng keo của bản. Anh Công nói nhỏ: "Chú cứ đi và nói chuyện thoải mái, chim này nó ngủ kỹ lắm, thậm chí mình bắn trượt một mũi tên, vẫn có thể lên nỏ và bắn lại mũi tên thứ hai".

Tiến sâu vào trong khu rừng, các thành viên của đoàn đã tản ra những hướng khác nhau. Nhìn về phía trước của cánh rừng là những ánh đèn pin, họ đang soi len lỏi qua từng kẽ lá để tìm chim mùa đông trú ngủ. Đằng sau lưng chúng tôi chừng một đoạn ngắn lại có một vài thành viên khác, hình như họ đang cười nói và bàn tán với nhau về loài chim chuyên di cư khi mùa đông đến.

Bước đi sột soạt bên những lá keo khô, bất chợt chúng tôi nghe thấy âm thanh của súng hơi phát ra, sau đó là tiếng kêu eng éc, chắc chắn họ đã bắn hạ được một con chim. Sau phát súng hơi đầu tiên là liên tiếp âm thanh của các tay nỏ, cộng với tiếng kêu thất thanh trong đêm tối của những chú chim bị trúng tên.

Chúng tôi bước chậm để lắng nghe những âm thanh não nề ấy, cùng lúc đó thì anh Công soi thấy chú chim đầu tiên, nó đang chúi đầu vào cánh để giữ ấm cho cơ thể. Vẻ mặt anh Công lộ rõ sự căng thẳng và hồi hộp khi nhìn thấy mục tiêu. Chiếc đèn pha sáng quắc được phóng lên ngọn cây để xác định vị trí. Anh Công nhanh chóng khom lưng lấy sức để kéo dây nỏ. Khi đã lên nỏ, lúc này anh mới rút mũi tên được gài đằng sau gáy ra. Nhằm giữ cho mũi tên khỏi rơi, anh lại đưa lên miệng cho ướt nước dãi mới lắp vào khe nỏ.

Lắp xong, anh chĩa nỏ lên ngọn cây để tìm hướng thuận lợi nhất mới bóp cò. Theo như quan sát, khoảng cách từ gốc cây lên đến vị trí chú chim đang nằm chừng khoảng 20 mét. Trong giây lát, âm thanh của chiếc nỏ phát ra cũng là lúc chú chim mùa đông bị trúng tên và rơi xuống đất. Biết mình đã bắn trúng, anh Công chạy lại túm lấy cánh chim, rồi anh rút mũi tên đang găm vào ức chim. Vì đau quá nên chú chìm liền kêu lên một tiếng và chết ngay tức khắc.

Cùng lúc này, những chú chim bị trúng tên được chúng tôi cảm nhận qua âm thanh mỗi lúc một tăng. Có những chú chim chẳng may bị trúng tên phải đùi nhưng nó vẫn cố gắng vùng vẫy bay lên để thoát thân. Anh Công bảo: "Những con chim đó trước sau thì cũng chết thôi, nếu phải tôi mà bắn chắc nó không bay được như thế". Theo anh Công, khi ngắm nỏ phải tránh cành cây. Lúc chuẩn bị bóp cò phải nín thở và ngắm đúng ức của chim, tuyệt đối không được run tay thì mới trúng được.

Không riêng gì anh Công mà người dân ở đây đều tiêu diệt chim bằng cách bắn này. Mỗi khi có đàn chim mùa đông bay đến trú ngủ trên các ngọn đồi của bản, thì cuộc hành trình vào sáng ngày mai chỉ còn lại lác đác vài con. Thợ săn ở bản cho rằng, thịt của loài chim đó thơm ngon, ít ai nghĩ rằng săn bắn chim rừng là vi phạm pháp luật.

Cần có biện pháp để bảo vệ chim rừng

Cuộc hành trình của các thợ săn vẫn diễn ra thâu đêm, nhìn từ ngọn đồi này sang ngọn núi kia vẫn thấy những ánh đèn pin lóe sáng. Đã về khuya nhưng những tiếng súng, nỏ vẫn vang lên từng loạt. Anh Công lúc này đã bắn hạ được ba chú chim to bự. Cầm trên tay một chú chim nữa vừa mới bắn hạ, anh bảo tôi: "Tý nữa chú về với tôi, anh em mình làm thịt ba chú chim này rồi nhậu lai rai, chim này mà nấu với nõn chuối rừng thì thơm và ngon lắm".

Tôi tỏ ý thắc mắc tại sao chính quyền ở địa phương họ lại không ngăn cấm săn bắn chim rừng, anh Công cười và nói: "Dân xứ Mường ở đây họ quen với săn bắn chim, thú theo phong trào tập thể có từ xa xưa rồi, có cấm cũng không cấm được chú à". Biết chúng tôi đã thấm mệt nên anh Công chủ động xuống núi trước. Khi về đến nhà, anh cứ nài nỉ chúng tôi ở lại uống rượu thịt chim nấu với nõn chuối rừng, tuy nhiên vì công việc nên chúng tôi phải xin phép về trước.        

Cụ Bùi Văn Hoan cho rằng, loài chim mùa đông này di cư từ châu Âu sang.

Đến sáng hôm sau, chúng tôi tò mò muốn biết về nguồn gốc của loài chim chuyên di cư này nên đã tìm gặp cụ ông Bùi Văn Hoan (78 tuổi). Cụ là một tay nỏ nức tiếng ở trong bản, xưa kia cụ Hoan đã từng bắn hạ nhiều chú khỉ tít trên ngọn cây đa, thậm chí cả những chú quạ thường bắt gà con. Cụ Hoan cho hay, "loài chim lạ này khá giống với loài diều mốc. Chúng có thân hình tròn, cánh rộng, đuôi rộng, nặng đến vài trăm gam, thịt của nó thơm và rất ngon". Theo như cụ Hoan suy đoán, loài chim này chủ yếu sinh sống ở châu Âu và chúng sẽ di cư về một số nước ở châu Á để tránh mùa đông lạnh giá.

Trao đổi với anh Quách Văn Thượng, Phó Chủ tịch xã Thành Công về tình trạng săn bắn chim rừng trên địa phương. Anh cho biết: "Nạn săn bắn chim mùa đông tại một số bản trên địa bàn vẫn thường xuyên xảy ra. Chúng tôi đã kết hợp với bên kiểm lâm để siết chặt tình trạnh này. Tuy nhiên, đàn chim thường bay về với số lượng lớn, lại nằm ngủ trong rừng khiến việc tuần tra kiểm soát rất khó khăn. Các thợ săn thường đi vào ban đêm, chủ yếu lợi dụng sự sơ hở của chính quyền để săn bắn chim rừng trái phép. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đấu nối với các làng bản nhằm tuyền truyền cho người dân để bà con hiểu và ý thức được việc săn bắn chim rừng là vi phạm pháp luật".  

Chim rừng là một nguồn tài nguyên phong phú, nó có giá trị về mặt kinh tế và khoa học. Đó là tài sản chung mà mọi người đều có nhiệm vụ bảo vệ, đồng thời làm cho chúng sinh sôi nảy nở. Việc dân bản tự ý săn, bắt chim rừng là vi phạm pháp luật, các cấp chính quyền cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Tuyệt đối không được sử dụng các loại súng, nỏ để gây tổn thất đến cuộc sống của các loài chim, đặc biệt là những loài chim di cư từ nơi khác đến nước ta.

Đoàn thợ săn chim mùa đông chuẩn bị tiến vào khu rừng keo của bản.

Tại điều 3 nghị định của Chính phủ ngày 6/3/1963, ban hành điều lệ tạm thời về săn bắn chim, thú rừng ghi rõ: Để bảo vệ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, cần tìm mọi cách xua đuổi các loài chim, thú rừng đến phá hoại sản xuất; nếu xua đuổi không có kết quả thì có thể bẫy sống, bắt sống, hoặc bẫy chết, bắn chết chúng trong phạm vi đất đai trồng trọt, chăn nuôi xung quanh phạm vi đó.

Để xử lý đối với người vi phạm tại điều 13 của nghị định cũng đã nêu rõ: Những cá nhân hoặc tập thể vi phạm tuỳ theo mức độ nặng, nhẹ, số lần vi phạm, sẽ bị xử lý theo các mức độ như cảnh cáo, tịch thu chim rừng, phương tiện săn, bắn. Thu hồi giấy phép hoặc cấm săn bắt trong một thời gian nhất định.

Công an xã, có quyền lập biên bản các vụ vi phạm về săn bắt chim rừng, tạm giữ tang vật để đợi quyết định của Ủy ban hành chính huyện. Trong khi chờ quyết định, nếu chim rừng tịch thu đã chết hoặc sắp chết thì cần phải bán ngay cho cơ quan thu mua, đồng thời tạm giữ số tiền đó.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại