Thêm tình tiết mới trong vụ tai nạn trên đường cao tốc

Cụ thể, có thông tin cho rằng trước khi xe khách Thảo Châu tông cực mạnh vào phần sau xe bồn đang tưới nước trên đường cao tốc, đã có một xe khác lưu thông ngay phía trước.

Theo thông tin báo cáo bước đầu của điều tra viên thuộc Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Tiền Giang, vụ tai nạn trên đường cao tốc ngày 16-4 đã xuất hiện những tình tiết mới.

Cụ thể, có thông tin cho rằng trước khi xe khách Thảo Châu tông cực mạnh vào phần sau xe bồn đang tưới nước trên đường cao tốc, đã có một xe khác (chưa xác định xe tải hay xe khách) lưu thông ngay phía trước. Do đó có nhiều khả năng che khuất tầm nhìn của tài xế xe Thảo Châu.

Cũng theo điều tra viên này, lời khai ban đầu của tài xế xe bồn cho biết xe đang di chuyển chậm, có người điều khiển tưới nước, có báo đèn nhấp nháy, có treo biển phía sau xe và có thêm một người đứng phất cờ cảnh báo từ xa. Trong vụ tai nạn, cả ba công nhân của xe bồn tưới nước này đều bị thương nhẹ.

Tuy nhiên, lời khai của tài xế xe bồn mâu thuẫn với phát biểu của ông Nguyễn Văn Thành (cục phó Cục Quản lý đường bộ 4) đã trao đổi với một số cơ quan báo chí trước đó là “người phất cờ ngồi trên xe”. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ về vụ việc.

Ở một diễn biến khác, nhiều bạn đọc cũng bức xúc với việc xe cứu thương của Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang do ông Đỗ Văn Mười điều khiển đang chở một bệnh nhân bị phỏng đến TP.HCM để cấp cứu nhưng đã không giúp người trong vụ tai nạn vừa qua.

Cụ thể, khi xe cứu thương này đi tới khu vực tai nạn xảy ra, ông Mười đã dừng lại quan sát thế nhưng không cứu người bị nạn mà cho xe vọt đi.

Ngày 19-4, ông Ngô Văn Tỉ - giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành - xác nhận đúng vào thời điểm tai nạn giao thông vừa xảy ra, chiếc xe trên đã không hỗ trợ đưa người đang bị tai nạn giao thông đi cấp cứu. Khi biết vụ việc, ông Tỉ đã chỉ đạo tài xế Mười làm bản tường trình.

Ông Tỉ nói: “Tài xế Mười đã cho xe dừng lại và thuyết phục người nhà bệnh nhân cho chở thêm một, hai người đi cấp cứu nhưng họ đã nhất quyết không cho nên tài xế Mười đành phải cho xe đi tiếp”.

Trao đổi với PV, ông Mười kể hôm đó chở cháu bé khoảng 3 tuổi bị phỏng nặng từ cổ xuống chân đến TP.HCM cấp cứu. Đi cùng cháu bé có ba người phụ nữ. Lúc ngang qua điểm xảy ra tai nạn ông đã dừng xe và nói với ba người phụ nữ trên xe cho chở theo vài người đang bị nạn đi cấp cứu. Thế nhưng ba người phụ nữ nhất quyết không cho, họ tỏ ra hung hăng, lớn tiếng vì lo cháu bé gặp nguy hiểm.

Sau khi sự việc xảy ra, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành đã có văn bản nhắc nhở tài xế, điều dưỡng và những cán bộ trong đơn vị rút kinh nghiệm về vụ việc.

Một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cũng cho biết theo quy định của Luật giao thông thì bất kỳ phương tiện nào lưu thông trên đường cũng phải dừng lại hỗ trợ cứu người gặp nạn trong điều kiện có thể.

Tuy nhiên khi xe đang chở người cần cứu mà dừng lại kéo dài thời gian (hay bị tác động gì đó) khiến người đang cấp cứu trên xe nguy hiểm đến tính mạng thì tài xế xe cứu thương cũng phải chịu trách nhiệm.

Nên tùy theo trường hợp mà tài xế xe cấp cứu có nhiều cách xử lý như hỗ trợ bằng cách gọi điện thoại liên hệ với xe cấp cứu khác nhanh chóng đến hiện trường giúp người.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại