Sự tín nhiệm của một chính phủ nằm ở cam kết tôn trọng các khoản nợ. Sau những màn kịch diễn ra liên tiếp trong vài tuần qua, tại phương Tây, thứ hàng hóa này ngày một trở nên khan hiếm.
Việc châu Âu khốn khổ để giữ được Hy Lạp trong khu vực đồng tiền chung châu Âu và nội bộ chính phủ Mỹ xung đột về vấn đề nâng trần nợ đã khiến nhà đầu tư phải nghĩ đến một điều chẳng mấy tốt đẹp: Liệu có nên mua đồng tiền của nước có khả năng vỡ nợ hay có thể tan rã?
Khi khủng hoảng kinh tế mới bắt đầu, lãnh đạo hàng đầu các nền kinh tế phương Tây đã làm tốt công việc dọn sạch đống lộn xộn một phần do chính họ từng gây ra. Và nay các chính trị gia đang ở trung tâm của vấn đề.
Tại Mỹ và châu Âu, họ đang đưa ra chính sách đủ để biến sự đi xuống thành sự trì trệ tồi tệ hơn. Lãnh đạo phương Tây không dám đưa ra quyết định khó khăn và mọi người, bao gồm thị trường, lãnh đạo hàng đầu các nền kinh tế mới nổi, ngân hàng và người bỏ phiếu biết rõ điều đó.
Châu Âu đã phải tung ra gói giải cứu thứ 2 dành cho Hy Lạp. Hiện chưa rõ trần nợ Mỹ sẽ được điều chỉnh nâng với điều kiện như thế nào và trong bao lâu. Ngay cả nếu cuộc khủng hoảng hiện tại dịu bớt hoặc cuối cùng được chặn đứng, rủi ro thực sự vẫn tồn tại: hệ thống chính trị châu Âu không có khả năng quyết định dứt khoát để thoát khỏi khủng hoảng và trở nên giàu có trong tương lai.
Thế giới đã từng chứng kiến điều này. Cách đây 2 thập kỷ, bong bóng kinh tế Nhật vỡ và từ đó đến nay, lãnh đạo của nền kinh tế này luôn chậm trễ về chính sách. Nhiều năm chính trị tê liệt đã gây hại cho nước Nhật nhiều hơn cả thời kỳ kinh tế tăng trưởng quá mức giai đoạn 1980. Kinh tế Nhật từ đó đến nay đã gần như không tăng trưởng và tầm ảnh hưởng lên khu vực sụt mạnh.
Tính trong tương quan với GDP, nợ công của Nhật cao nhất thế giới, gấp đôi Mỹ và gần gấp đôi Italy. Nếu điều tương tự xảy ra tại châu Âu và Mỹ, hậu quả sẽ còn lớn hơn nhiều. Và khi đó, không còn nghi ngờ gì nữa, một Trung Quốc giàu có với dự trữ tiền 3 nghìn tỷ USD sẵn sàng hành động, tương lai dường như ủng hộ cho Trung Quốc.
Vấn đề nợ tại châu Âu và Mỹ có nguồn gốc khác nhau. Khủng hoảng châu Âu khởi đầu từ những nhà đầu tư với nỗi lo về khả năng thanh khoản của một số nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu. Trong khi đó, thế bế tắc tại Washington hiện nay là sản phẩm củ chính trị. Việc nâng trần nợ 14,3 nghìn tỷ USD quá đơn giản. Thế nhưng nghị sỹ Đảng Cộng hòa, trong cơn phẫn nộ với chính phủ, đã cố tình sử dụng nó như vũ khí chính trị để làm bẽ mặt Tổng thống Obama.
Thế nhưng trong màn kịch tại châu Âu và Mỹ, nhân vật chính đều không chịu đối đầu với sự thật. Chính trị gia hàng đầu châu Âu, dẫn đầu bởi thủ tướng Đức Angela Merkel, cho đến nay không muốn thừa nhận 2 sự thật: Hy Lạp đã sụp đổ, các nước Bắc Âu (đặc biệt người Đức làm việc chăm chỉ, cần cù, tiết kiệm) sẽ phải chuyển tiền để cứu các nước miền Nam hoặc tự cứu lấy ngân hàng của chính họ.
Cho đến nay, họ đã không thể đưa ra một chương trình tái cơ cấu nghiêm túc, gói giải cứu hiện tại giúp giảm nợ của Hy Lạp thế nhưng không đủ để mang đến cho nước này một cơ hội phục hồi thật sự. Hậu quả, Hy Lạp và có thể một vài nước hiện đang khốn khổ với khủng hoảng nợ tại châu Âu không sớm thì muộn cũng sẽ cần thêm một gói giải cứu khác.
Tình trạng tại Nhật trước đây cũng như vậy, giới chính trị gia nước này đã không thể đưa ra được cải tổ cần thiết đối với thị trường lao động để giúp kích thích tăng trưởng kinh tế. Nếu các thỏa thuận mới có thể mang lại một liên minh tài khóa châu Âu thống nhất, nó sẽ không phải nhờ bà Merkel và các lãnh đạo hàng đầu đưa ra quyết định táo bạo, chiến lược và minh bạch để tạo ra liên minh, mà bởi họ tránh các biện pháp gây ra nhiều hậu quả đau đớn ở hiện tại.
Các vấn đề tài khóa của Mỹ không phải lúc này, bởi hiện tại nước Mỹ cần phải chi tiêu để kích thích kinh tế phục hồi, mà ở trong trung hạn. Hệ thống thuế rối rắm của nước Mỹ khiến nguồn thu không thể cao và nhóm người thuộc độ tuổi bùng nổ trẻ em đang gần hơn đến tuổi về hưu, hệ thống phúc lợi xã hội của nước này sẽ chịu rất nhiều áp lực.
Tổng thống Obama lập ra ủy ban để nghiên cứu vấn đề này và cho đến nay dường như đã lờ đi một giải pháp hợp lý. Ngài Tổng thống cứ bám lấy luận điểm rằng cần đánh thuế người giàu cao hơn để giảm thâm hụt ngân sách, ngài thậm chí còn phí cả nhiều chương trình truyền hình để chê bai người giàu dù Đảng Dân chủ thực tế đã rút đi đề nghị tăng thuế đó.
Dù vậy, Tổng thống Obama và đảng của ông vẫn có thể được coi như mô hình lãnh đạo nếu so với Đảng Cộng hòa. Người Mỹ đã có thời đứng đầu thế giới, cho đến một lúc, họ nhìn lại về chính phủ của mình và nay họ cũng không phải thật sự nổi bật. Đảng Cộng hòa còn không thể tính toán cho chuẩn về ngân sách vì thế người ta phải hoãn bỏ phiếu hết lần này đến lần khác.
Phương Tây cần phải chấp nhận lựa chọn đau đớn. Giới chính trị gia châu Âu nên tái cơ cấu không chỉ nhóm nước đang rắc rối với khủng hoảng nợ mà còn cần cải tổ chính nền kinh tế của họ, chấm dứt mọi tệ nạn tham nhũng và hoạt động thiếu hiệu quả đang cản trở tăng trưởng của họ. Đảng Dân chủ tại Mỹ cần chấp nhận cắt giảm ngân sách và Đảng Cộng hòa đồng ý tăng thuế.
Chính trị gia Nhật có đủ cơ hội để thay đổi và họ càng trì hoãn bao nhiêu, mọi chuyện sẽ càng tồi tệ hơn. Giới chính trị gia phương Tây cần nhớ lấy bài học này.
Theo CafeF