THCS Sen Chiểu: Nhập nhằng trong lạm thu, trường “né” phóng viên

Đình Phong |

Giáo viên và phụ huynh Trường THCS Sen Chiểu (Phúc Thọ, HN) bức xúc khi ban giám hiệu trường “mập mờ” khoản tiền nước tinh khiết 48 triệu đồng không trả lại cho học sinh.

Nhà trường làm trái yêu cầu của Phòng GD&ĐT!

Theo thông tin phản ánh của bà Nguyễn Thị Khuyên (giáo viên của Trường THCS Sen Chiểu, xã Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ, TP.Hà Nội), ban giám hiệu (BGH) nhà trường đã “mập mờ” số tiền học sinh đóng để mua nước tinh khiết trong 2 năm học 2012 – 2013 và 2013 -2014.

Theo bà Khuyên, mỗi học sinh đóng góp 6000 đồng/tháng (thu 10 tháng) với tổng thu được hơn 25 triệu đồng mua nước tinh khiết đóng bình phục vụ học sinh ở trường để đảm bảo an toàn vệ sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, lãnh đạo nhà trường chỉ đạo mua 15 bình (trị giá 225 nghìn đồng), còn lại giao nhiệm vụ cho bảo vệ lọc nước cho gần 400 học sinh.

Tiếp tục đến năm học 2013 – 2014, ông Hoàng Văn Tiếp (Hiệu trưởng) chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm thu tiền nước đóng bình từ học sinh với tổng thu được 25 triệu đồng, trong khi đó thực tế chỉ mua 20 bình nước tinh khiết.

Sự việc gây bức xúc toàn trường khi bà Nguyễn Thị Khuyên (giáo viên dạy Sinh học của trường)  thắc mắc tìm hiểu và biết được người lọc nước cho học sinh uống thời gian qua là bảo vệ trường anh Phan Văn Tuyền. Phản đối về điều vô lý này, bà Khuyên góp ý trong cuộc họp Hội đồng sư phạm ngày 10/3/2014, tuy nhiên lại không được giải quyết.

Bình lọc nước được đặt trong phòng bảo vệ mà anh Tuyền tiến hành lọc cho học sinh uống thời gian qua.
Bình lọc nước được đặt trong phòng bảo vệ mà anh Tuyền tiến hành lọc cho học sinh uống thời gian qua.

Trao đổi với chúng tôi, anh Phan Văn Tuyền – người trực tiếp lọc nước cho học sinh và nắm rõ số lượng mua bình nước tinh khiết cho trường trình bày: “Tôi làm bảo vệ ở trường từ năm 2012 và được hiệu trưởng chỉ đạo lọc nước cho học sinh uống, mỗi ngày tôi lọc 5 bình nước. Một vài lần hội nghị, cuộc họp của nhà trường tôi được yêu cầu mua nước tinh khiết ở ngoài và tôi có ghi chép số lượng bình được người giao hàng chuyển đến”.

Ngoài ra, điều mà anh Tuyền bức xúc nhất chính là ngày 4/3/2014 anh bị nhân viên kế toán yêu cầu ký khống hóa đơn mua nước tinh khiết với tổng số tiền 10 triệu đồng với lý do “ký hộ nhà trường” nhằm “qua mắt” thanh tra của Phòng Giáo dục&Đào tạo (GD&ĐT) huyện Phúc Thọ về trường kiểm tra.

Về vấn đề này sau khi nhận đơn phản ánh và tiến hành thanh tra tại trường, Phòng Giáo dục đã có văn bản kết luận số 162/BC-PGD&ĐT ngày 6/6/2014 ghi rõ Trường THCS Sen Chiểu không thực hiện đúng sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT về thực hiện các khoản thu ngoài học phí và khẳng định việc lọc nước cho học sinh được xác minh là đúng sự thực.

 

Văn bản xác minh của Phòng GD&ĐT Phúc Thọ về sự việc trường THCS Sen Chiểu.
Văn bản xác minh của Phòng GD&ĐT Phúc Thọ về sự việc trường THCS Sen Chiểu.

Trao đổi với phóng viên, ông Kiều Tuấn – Trưởng phòng GD&ĐT Phúc Thọ cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu nhà trường trả lại 48 triệu đồng cho học sinh và theo báo cáo là trường đã trả”.

Song thực tế, theo phản ánh của giáo viên trong trường thì số tiền này lãnh đạo nhà trường chưa hề trả lại cho học sinh các khối lớp 7,8, 9 mà thông báo trong cuộc họp phụ huynh sẽ chuyển số tiền này sang xây dựng trạm điện, nhà vệ sinh và sửa chữa các loại trang thiết bị trong nhà trường.

“Tiền chỉ được trả cho những học sinh lớp 9 đã ra trường, còn lại các em đang học tại trường thì giáo viên chủ nhiệm không nhận được thông tin trả lại bao nhiêu. Tại sao thu tiền học sinh thì giao cho giáo viên chủ nhiệm nhưng khi trả lại tiền cho các em mà giáo viên không hề biết gì? 3 tháng kể từ văn bản yêu cầu của Phòng GD&ĐT nhưng tiền vẫn chưa về đến tay học sinh!”, bà Khuyên thắc mắc.

Số tiền nước đi đâu, hiệu trưởng “chờ” kết luận từ trên?

Tìm đến trường để liên hệ gặp hiệu trưởng, chúng tôi nhận được câu trả lời từ bảo vệ “hiệu trưởng đi công tác không có ở trường, mai quay lại”. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên lạc qua điện thoại với ông Hoàng Văn Tiếp (Hiệu trưởng) thì nhận được câu trả lời: “Đang dạy trên lớp, không trả lời phỏng vấn”.

Hỏi về số tiền 48 triệu đồng thu của học sinh tiền nước thì vị hiệu trưởng này trình bày: “Sự việc không có gì, nhà trường đang chờ kết luận của UBND huyện”.

Không chỉ “mập mờ” số tiền nước tinh khiết của học sinh, bà Khuyên còn nghi ngờ lãnh đạo “nhập nhằng” các trang thiết bị, máy móc như dàn máy tính mua không dùng được, tủ hút khử độc không có lõi bỏ không…

Trường THCS Sen Chiểu (Phúc Thọ) hiện đang chờ kết quả xác minh từ UBND.
Trường THCS Sen Chiểu (Phúc Thọ) hiện đang chờ kết quả xác minh từ UBND.

Theo phản ánh của bà Khuyên (người trực tiếp dạy môn Sinh, Hóa trong trường) thì chiếc tủ khử độc trong phòng Hóa chỉ có vỏ chứ không có lõi và không được sử dụng từ năm 2011. Khi hỏi trực tiếp hiệu trưởng thì bà nhận được câu trả lời: “Do công ty để quên chứ nhà trường không hề mua thiết bị này”.

Là người quản lý trang thiết bị trong nhà trường, bà Nguyễn Thị Dung khẳng định chắc chắn rằng: “Để lên trường chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ GD&ĐT thì trường phải có phòng tin học và các phòng bộ môn đạt chuẩn. Năm 2010, trường được đầu tư 400 triệu đồng để mua sắm cơ sở vật chất. Năm 2011, nhà trường mua 17 dàn máy vi tính nhưng chỉ có 6 máy sử dụng được và sau đó không máy nào hoạt động được. Đến tháng 4/2014, tôi tiếp nhận thêm 10 máy tính mới nữa được bên trên cấp và hiện nay chỉ 10 máy đó sử dụng được.

Còn máy tủ khử mùi dùng trong công tác giảng dạy môn hóa học lúc mua về chỉ có vỏ, rất nhẹ, bên trong không có lõi và ban giám hiệu không bàn giao thiết bị này cho tôi quản lý”.

Máy khử tự động chỉ có vỏ không có lõi được đặt trong phòng Hóa nhiều năm nay.

Máy khử tự động chỉ có vỏ không có lõi được đặt trong phòng Hóa nhiều năm nay.

Những sự việc trên chưa rõ ràng, chưa hề có được câu trả lời thích đáng từ người đứng đầu trường THCS Sen Chiểu khiến cho nhiều giáo viên bức xúc. Đặc biệt, với số tiền 48 triệu tiền nước tinh khiết đáng lẽ phải trả lại học sinh nhưng nhà trường dồn vào tu sửa trạm điện, nhà vệ sinh thì…hiện nay vẫn “giậm chân tại chỗ” – "điện vẫn yếu, chưa hề sắm trang bị máy móc hay sửa chữa nhà vệ sinh" - bà Khuyên tái khẳng định.

Trước thắc mắc này của phóng viên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phúc Thọ cho biết, phòng đã chuyển dự thảo xác minh sang UBND huyện để quyết định về sự việc này. Đối với khoản chi mua sắm trang thiết bị dạy học cũ nát, phòng đã kiến nghị với UBND lập đoàn thanh tra liên ngành để làm rõ và dự kiến cuối tháng 9 sẽ có văn bản kết luận chính thức.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại