Thay ngay cán bộ nếu tín nhiệm lần đầu quá thấp

daquynh |

Tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 là các chức danh hễ đã được bầu và phê chuẩn thì đều phải lấy phiếu tín nhiệm.

Thảo luận dự thảo nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn tại phiên họp chiều 6.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành quy định sẽ thay thế cán bộ ngay lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên nếu kết quả tín nhiệm quá thấp.

thay-ngay-can-bo-neu-tin-nhiem-lan-dau-qua-thap

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu ý kiến- Ảnh: TTXVN

Từ chức hoặc bị đề nghị miễn nhiệm

Theo dự thảo nghị quyết do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (QH) Nguyễn Hạnh Phúc trình tại phiên họp, ngoài 49 chức danh chủ chốt sẽ được tiến hành lấy phiếu hằng năm tại QH như: Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Chủ tịch QH, các Phó chủ tịch QH, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và Chủ nhiệm Các ủy ban của QH..., đối tượng thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm còn có 380 người giữ chức danh từ cấp phó của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH trở xuống. Việc lấy phiếu tín nhiệm các thành viên của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban sẽ được phân cấp cho chủ nhiệm các ủy ban của QH chủ trì thực hiện, báo cáo kết quả lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH).

"Tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 là các chức danh hễ đã được bầu và phê chuẩn thì đều phải lấy phiếu tín nhiệm để giám sát xem mức độ hoàn thành nhiệm vụ như thế nào, đạo đức lối sống ra sao."
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng

Ông Phúc cho hay, thời gian tổ chức lấy phiếu tín nhiệm sẽ tiến hành định kỳ hằng năm, bắt đầu từ kỳ họp đầu tiên của năm thứ 2 trong nhiệm kỳ QH, HĐND. Theo quy trình, người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ phải có báo cáo công tác bằng văn bản về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của mình trong năm trước đó. Báo cáo phải được gửi tới Ủy ban TVQH chậm nhất là 30 ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp QH. Ủy ban TVQH gửi thông báo về việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp và báo cáo công tác của người được lấy tín nhiệm đến ĐBQH chậm nhất là 20 ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp QH.

Dự thảo cũng nêu rõ mức độ tín nhiệm được chia thành 4 cấp độ khi tiến hành lấy phiếu: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp và không có ý kiến (một số ý kiến phát biểu tại phiên họp đề nghị để mức 4 là "không tín nhiệm"). Từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm, người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức nếu xét thấy bản thân không đủ tín nhiệm hoặc không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ đó; cơ quan hoặc người đã giới thiệu để QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm có thể trình QH, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm người đó để điều động sang vị trí công tác khác phù hợp hơn, đồng thời chủ động đề nghị cơ quan có thẩm quyền lựa chọn người để giới thiệu thay thế; trường hợp đã hết nhiệm kỳ thì không tiếp tục giới thiệu tái cử chức vụ đó nhiệm kỳ tiếp theo.

Đối với người có trên hai phần ba tổng số ĐBQH hoặc ĐB HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban TVQH, thường trực HĐND trình QH, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm mà không cần chờ kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai; đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị nhân sự thay thế.

Với người có 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số ĐBQH hoặc ĐB HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban TVQH, thường trực HĐND trình QH, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.

5 trường hợp đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm

Nội dung dự thảo nghị quyết lần này cũng đã sửa đổi, bổ sung quy trình bỏ phiếu tín nhiệm. Theo đó, Ủy ban TVQH trình QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn khi có một trong 5 trường hợp: Ủy ban TVQH đề nghị QH bỏ phiếu tín nhiệm; khi có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số ĐBQH; khi có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, ủy ban của QH; khi người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số ĐBQH đánh giá “tín nhiệm thấp”; hoặc người được lấy phiếu tín nhiệm 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số ĐBQH đánh giá “tín nhiệm thấp”.

Việc bỏ phiếu sẽ được tiến hành với hình thức bỏ phiếu kín với 2 mức độ: tín nhiệm hoặc không tín nhiệm. Trong trường hợp người bị bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH không tín nhiệm thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để QH bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm có trách nhiệm trình QH xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm đối với người đó.

Cơ bản tán thành các nội dung dự thảo nghị quyết, song cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉ nên thực hiện lấy phiếu với 49 thành viên chủ chốt. Theo Chủ nhiệm Phan Trung Lý, “nếu mở rộng phạm vi người được lấy phiếu tín nhiệm ra tất cả những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn bao gồm cả thành viên Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH, Đoàn thư ký kỳ họp QH... là quá dàn trải, dễ làm cho hoạt động này trở nên hình thức”.

Tuy nhiên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lý giải: tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 là các chức danh hễ đã được bầu và phê chuẩn thì đều phải lấy phiếu tín nhiệm để giám sát xem mức độ hoàn thành nhiệm vụ như thế nào, đạo đức lối sống ra sao. Việc lấy phiếu như vậy nhằm để nhắc nhở về ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách công việc do QH, HĐND bầu và phê chuẩn. Vì vậy, khi chốt lại phiên họp, TVQH đã nhất trí giữ nội dung như dự thảo nghị quyết.

Dự kiến, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được QH thông qua tại kỳ họp thứ 4 và bắt đầu thực hiện trong năm 2013.

Thường vụ QH tán thành “siết” nhập cư ở nội đô Hà Nội

Vấn đề hạn chế nhập cư ở nội đô Hà Nội đã nhận được sự ủng hộ của Ủy ban TVQH tại phiên thảo luận chiều qua, 6.10.

Về nội dung quản lý dân cư, dự thảo luật Thủ đô quy định việc đăng ký thường trú ở ngoại thành được thực hiện theo quy định của pháp luật về cư trú. Riêng điều kiện đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội, ngoài áp dụng đối với các trường hợp quy định tại khoản 2, 3, 4 điều 20 của luật Cư trú, người muốn đăng ký thường trú phải có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 3 năm trở lên; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.

Thẩm tra dự luật, Ủy ban Pháp luật tán thành quy định trên vì cho rằng “việc bổ sung các điều kiện đăng ký nhập hộ khẩu vào nội thành Hà Nội đối với một số đối tượng chặt chẽ hơn tuy chưa phải là giải pháp tối ưu để quản lý dân cư nhưng cũng là một trong những giải pháp cần thiết kết hợp với các giải pháp khác nhằm giãn bớt số lượng dân cư cư trú trong nội thành”.

Qua thảo luận, Ủy ban TVQH nhất trí với quy định trên của dự thảo luật. Mặc dù vẫn còn một vài ý kiến băn khoăn, song đa số ủy viên TVQH ủng hộ quy định cho phép HĐND TP.Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn, nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng; được quy định mức thu phí ở nội thành cao hơn, nhưng không quá 2 lần so với mức thu do Chính phủ và Bộ Tài chính quy định đối với một số khoản thu phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND TP trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Theo nghị trình, dự luật Thủ đô sẽ được QH xem xét, biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 4 và có hiệu lực thi hành từ 1.1.2013 tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại