Thầy giáo "tí hon" cao 0,9m, nặng chưa đầy 19kg

Hữu Tiến |

(Soha.vn) - Đó là thầy giáo Nguyễn Ngọc Phương sinh năm 1983 quê ở xã Quế An, Quế Sơn, Quảng Nam.

Chỉ với chiều cao 0,9m, nặng chưa đầy 19kg và chưa qua một trường lớp đào tạo nào nhưng hiện nay thầy Phương là chủ nhiệm của một lớp tình thương dành cho những trẻ em tật nguyền ở trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh ở TP. Đà Nẵng.

Lọt lòng mẹ khi chưa đầy 7 tháng tuổi, thầy  giáo “tí hon” vỏn vẹn được 0,8kg, chiều dài chưa được 20cm. Ấy vậy mà, qua bao nhiêu biến cố tuổi thơ, bằng nghị lực phi thường thầy Phương hiện nay đã là một thầy giáo đang đứng lớp truyền nghề và dạy văn hóa cho hàng chục trẻ em cùng cảnh ngộ.

 

	Thầy Nguyễn Ngọc Phương đang sửa chữa mô tơ điện cho máy may ở trung tâm.

Thầy Nguyễn Ngọc Phương đang sửa chữa mô tơ điện cho máy may ở trung tâm.

Thầy Phương tâm sự: “Trước kia tôi sinh ra không được may mắn như các bạn cùng trang lứa nên mình hiểu được cảm giác mất mát, bất hạnh của một người tật nguyền. Lớn lên, khi thấy mình có điều kiện, nhìn các em với những bước chân nhọc nhằn, giọng nói không nên lời nên mình xin vào trung tâm để nhận đứng lớp để cùng chia sẻ những khó khăn với các em. Đó cũng là mơ ước của tôi từ khi nhỏ.”.

Đến nay, ở trung tâm bảo trợ này, anh Phương đã có gần 5 năm công tác trên cương vị là một thầy giáo “đa năng”. Trong quảng thời gian chưa phải quá dài đó, đã có rất nhiều kỷ niệm, ký ức trong tâm trí thầy với nhiều em học sinh học mãi một lớp.

Theo thầy Phương cho biết: “Học trò của Phương đa phần là các em dị tật bẩm sinh do di chứng chất độc màu da cam. Hầu hết các em nói không ra lời hoặc nói rất chậm, nên việc dạy cho các em rất khó khăn. Các em học cái cốt là để luyện giọng, tập đọc và hơn thế nữa là cảm nhận được những niềm vui khi bản thân được đến lớp, có bạn có thầy vơi đi mặc cảm trong cuộc sống. Nếu không cùng cảnh ngộ, chắc mình cũng không đủ kiên nhẫn để dạy cho các em ở đây. Mình chỉ mong hằng ngày được lên lớp nhìn các em vui cười, nô đùa. Truyền tải những gì mình có thể để các em vững tin trong cuộc sống này”.


	Lớp học tình thương của thầy Phương ở Trung tâm.

Lớp học tình thương của thầy Phương ở trung tâm.

Không những đứng lớp để truyền nghề cho các học sinh “đặc biệt” này, mà thầy Phương còn kiêm nhiệm cả luôn khâu sửa chữa máy móc, các thiết bị điện cho trung tâm để các anh chị có cùng hoàn cảnh sản xuất “hàng tình thương” xuất khẩu.

Bản thân Phương đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Đảng và Nhà nước. Anh cũng là 1 trong 3 nạn nhân da cam Việt Nam tham dự chương trình con tàu Hòa Bình, Nhật Bản  vào năm 2008, cùng tham gia giao lưu với hơn 100 công dân còn sống sót sau vụ nổ bom nguyên tử 68 năm về trước ở Nhật Bản.

Chị Võ Thị Thu – Phó giám đốc Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP. Đà Nẵng cho biết: Tuy là người khuyết tật, không được học hành , nhưng bản thân thầy Phương đã tự biết vươn lên chính mình trong cuộc sống. Luôn năng nổ, nhiệt huyết những công việc được giao. Là một người thầy chịu khó, đồng cảm với số phận nên được các em ở đây rất quý mến. Thầy chính là tấm gương tiêu biểu biết vượt khó để mỗi con người chúng ta học tập.”

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại