Thầy giáo tâm lý đẹp trai như diễn viên Hàn Quốc

kimngan |

(Soha.vn) - Đó là chia sẻ chân thành của thầy giáo Khắc Hiếu “hot boy”, dí dỏm và là chuyên gia gỡ rối cho các bạn nữ.

Nhân ngày 20/11, Soha News có buổi trò chuyện thú vị với thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu – hiện đang là giảng viên Khoa Tâm lý GD, ĐH Sư phạm TP.HCM. Sở hữu khuôn mặt điển trai, tính tình vui vẻ, nói chuyện hài hước, tâm lý, thầy được nhiều học sinh quý mến, cộng đồng mạng “phát sốt”…

Thầy giáo tâm lý đẹp trai như diễn viên Hàn Quốc 1
Thầy giáo Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu khiến cộng đồng mạng 'sốt' vì sự dí dỏm, tâm lý và có 'chiêu' đối phó rắc rối cực kỳ hay.

Hạnh phúc vì bị trò “làm phiền”

-Là một thầy giáo rất trẻ, không ít lần vấp phải những tình huống oái oăm, khó xử, kỷ niệm nào thầy nhớ nhất?

Thầy Khắc Hiếu: Lúc vừa ra trường, tôi muốn tìm hiểu tâm lý tuổi học sinh và cũng muốn chia sẻ giúp đỡ các bạn trẻ nên hay về trường phổ thông để nói chuyện. Trong lần báo cáo chuyên đề tâm lý cho học sinh trên sân tại một trường ở tỉnh Đồng Nai. Sau 15 phút vào đề về kỹ năng ứng xử trong tình bạn – tình yêu tuổi học trò, không khí cả sân trường đang “nóng” thì mưa ập đến.

20 phút chờ đợi mà mưa không tạnh, học sinh nóng lòng, đề nghị được đứng ở hành lang lắng nghe và sẽ che dù cho thầy đứng giữa sân trường. Các em “hăm dọa” nếu thầy không dạy tiếp thì sẽ không vào lớp, sẽ ào ra mưa đứng. Tôi chưa kịp nói đồng ý là đám đông đã “biểu tình”. Một nam sinh đã xung phong cầm ô che cho tôi đứng giữa sân trường vào lúc trời đang mưa tầm tã. Cầm micro đứng nói giữa mưa trước những tấm áo trắng lất phất thật sự làm cho tôi xúc động.

-Nổi tiếng là thầy giáo tâm lý, đẹp trai, dí dỏm và có nhiều “chiêu” giúp các bạn ứng xử như video “Đối phó với yêu râu xanh”, “cướp xe”…Vậy, bao giờ thầy bị “làm phiền” quá nhiều không? Và đó là những rắc rối nào?

Thầy Khắc Hiếu: Ôi, dí dỏm thì dám nhận chứ mình không dám nhận là thầy giáo đẹp trai đâu (cười). Thầy hay bị “làm phiền” lắm, đó là những tin nhắn nhờ gỡ rối liên tục trên facebook cá nhân, qua email, qua cả điện thoại nữa – thậm chí giữa đêm. Hiện tại trên facebook vẫn còn 1200 tin nhắn thầy chưa kịp trả lời. Tuy nhiên thầy rất hạnh phúc với sự “làm phiền: này vì các bạn trẻ đã tin tưởng mới “làm phiền” thầy một cách nhiệt tình như thế. Đâu phải ai cũng được “làm phiền” như vậy phải không nào?

Thầy giáo tâm lý đẹp trai như diễn viên Hàn Quốc 2
Với cách dạy dí dỏm, mềm mại, thầy Hiếu nhận được nhiều sự yêu mến của học trò. Theo thầy lứa tuổi học sinh có rất nhiều điều cần tháo gỡ.

-Nhiều lần thầy bị các bạn sinh viên nữ “vây kín”, phát cuồng? Thầy giải quyết những tình huống đó như thế nào?

Thầy Khắc Hiếu: Ôi, thầy là thầy giáo, có phải minh tinh màn bạc đâu. Nhưng thầy cũng đã từng bị “vây kín” rồi, đó là những lúc tan học, nhiều bạn trẻ trong hội trường vây quanh để hỏi thêm những vấn đề ngoài bài học, về những lớp học kỹ năng khác. Điều đó cho thấy các bạn trẻ bây giờ rất “khát” những chủ đề về tâm lý. Mà không chỉ có sinh viên nữ đâu, nam cũng có nữa mà (cười).

-Có người nói điều đáng quý nhất của người giáo viên là tình cảm của học trò. Vậy theo thầy, làm thế nào để người thầy nhận được điều này?

Thầy Khắc Hiếu: Cái gì xuất phát từ trái tim mình, sẽ được đáp lại bằng trái tim của trò (cười).

“Đăng ký kết hôn” với nghề giáo

-Hiện nay, nghề giáo viên không được coi là “hot” so với ngành kinh tế, ngân hàng…Vậy, lý do nào đưa thầy đến với nghề giáo?

Thầy Khắc Hiếu: “Hot” hay không là do cách chúng ta cảm nhận về nghề. Thực ra nghề giáo là một nghề hấp dẫn đó chứ! Có những niềm vui mà không nghề nào khác có được đâu! Đó chính là niềm vui khi tiếp xúc với lứa trẻ, nhìn thấy sự trưởng thành của chúng hàng ngày. Từng tiến bộ của học sinh, những lời cảm ơn của học trò, ánh mắt tình cảm thân thương của người học là những những giá trị mà không tiền bạc nào mua được, sự giàu có trong tâm hồn không nghề nào có được.

Tôi rất thích làm việc với các bạn trẻ. Các em có nhiều nút thắt cần tháo gỡ. Với nghề này, đôi khi một câu nói của mình có thể làm thay đổi cả cuộc đời của một học trò. Đó chính là ý nghĩa mà tôi đã tìm ra được cho cuộc đời mình.

Thầy giáo tâm lý đẹp trai như diễn viên Hàn Quốc 3
Đối với thầy, lựa chọn nghề giáo viên là "đăng ký kết hôn" đúng người. Thầy Hiếu nói rằng, điều quan trọng nhất đối với giáo viên trẻ là cái tâm và "cái lửa" với nghề.

Tôi chọn nghề giáo là “đăng ký kết hôn” đúng người rồi. Một khi bạn chọn được một nghề mà mình yêu và hợp nữa, thì cũng giống như chọn được người bạn đời tương thích, lúc đó ta không còn làm việc nữa mà ta đang sống. Mỗi ngày, tôi không cần phải cố gắng tỉnh giấc vào mỗi sáng, mà niềm vui với nghề đã đánh thức tôi.

-Một thực tế, lương giáo viên không cao, chế độ đãi ngộ cũng không được ưu ái, đến 50% giáo viên nói hối hận đã chọn nghề này. Quan điểm của thầy về vấn đề này như thế nào?

Thầy Khắc Hiếu: Vấn đề quá nan giải! (cười) Không thể tránh né thực tế rằng lương nhà giáo chưa cao. Tuy nhiên, trước khi đặt bút chọn nghề này thì chúng ta nên chuẩn bị sẵn tâm thế “đã làm nhà giáo thì không giàu về vật chất”. Nghe có vẻ lý tưởng thật, nhưng nuôi sống nghề giáo chúng ta là tình cảm của học trò chứ không chỉ ở lương.

Song song đó, hãy suy nghĩ ý tưởng sau xem: chuyên môn có thể không chỉ bó hẹp trong giảng dạy. Hãy xem ngành khoa học của bạn có thể ứng dụng vào lĩnh vực nào? Chẳng hạn như tâm lý học ngoài đi dạy ra còn có thể đóng góp cho xã hội qua những việc khác như: tư vấn tâm lý, viết báo và viết sách, huấn luyện kỹ năng, nghiên cứu theo đặt hàng.v.v… 

Những công việc ấy không chỉ phục vụ được cho xã hội, giải quyết vấn đề tài chính của mình mà còn nâng cao được chuyên môn, thu thập kinh nghiệm thực tế phục vụ ngược lại cho giảng dạy nữa.

-Nhân ngày 20.11, thầy có mong muốn và gửi đến những đồng nghiệp điều gì?

Thầy Khắc Hiếu: Tôi muốn gửi lời đến các đồng nghiệp trẻ. Một giáo viên trẻ như chúng ta vừa mới ra trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ về kỹ năng nghiệp vụ thực tế, về sự mạnh dạn có chủ kiến trong chuyên môn mà còn trong cả về điều kiện cuộc sống. Khó khăn là vậy, nhưng cái mà giáo viên trẻ có nhiều đó chính là “cái lửa”, chúng ta phải giữ được cái đó. Khó khăn có thể lấy đi của ta nhiều thứ, trừ thái độđối với nghề, trừ sự yêu quý dành cho học sinh. Mất đi cái Tâm của nghề dạy học là sẽ mất tất cả!

Vâng, cảm ơn thầy vì cuộc trò chuyện ý nghĩa này. Chúc thầy luôn giữ "chất lửa" với nghề giáo!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại