Thầy giáo làng lấy chữ dạy con
Người “thầy giáo làng” ấy là Hoàng Văn Nam, ở thôn Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Tìm về thôn Đại Lâm, xã Tam Đa chúng tôi được biết ở đây nổi tiếng khắp vùng bởi đặc sản “rượu nút lá chuối” có một không hai xứ Bắc. Song cùng tiếng vang đó là người thầy nông dân nổi danh với những lớp học miễn phí. Người dân ở đây không ai là không biết khi hỏi thăm về thầy giáo Nam.
Làng Đại Lâm trước đây là một làng nghèo khó, việc học tập chưa được mấy ai quan tâm. Thế nhưng từ khi có lớp học miễn phí của thầy Nam mở ngay tại nhà cho học sinh nghèo thì Đại Lâm trở thành vùng đất hiếu học, số học sinh đậu vào đại học cao nhất xã, huyện.
Đến năm 1998, Hoàng Văn Thành đang học giữa chừng lớp bảy thì đột nhiên Thành xin bố mẹ và nhà trường cho nghỉ học, để về đi làm ruộng. Thấy con mình đang còn nhỏ mà lại nghĩ chuyện ruộng nương theo bố mẹ khiến tôi có phần lo lắng. Khi hỏi vì sao như vậy thì Thành chỉ nói: “Con học yếu quá, không theo được chương trình”.
“Trong những lần đi họp phụ huynh tôi cũng nhận được phản ánh từ cô giáo chủ nhiệm là con của mình học kém so với các bạn cùng lớp. Chính vì lý do con đưa ra xin nghỉ học nên tôi quyết định đến gặp riêng cô giáo chủ nhiệm của Thành. Cô giáo cũng cho biết dù đã học đến lớp bảy rồi nhưng cậu con trai anh vẫn chưa thuộc hết bảng cửu chương, chưa biết làm những phép tính cơ bản. Ngạc nhiên hơn là điểm tổng kết của em chỉ đạt 3,8 và là một học sinh cá biệt của lớp”. Anh Nam kể lại.
"Sau khi xin nghỉ học ở nhà, suốt ngày Thành đi chăn bò, lăn lộn ngoài đồng. Trong khi các bạn cùng lứa tuổi lại mang sách đến trường mà con mình như vậy. Nghĩ thương lắm chú à!". Bằng mọi cách, không muốn để con phải một đời lam lũ đồng ruộng như mình anh ngày đêm nghĩ cách để con được quay trở lại trường học.
Ngày trước, anh đã từng học hết lớp 10 nhưng giờ chương trình cải cách nên có nhiều điều anh chưa biết. Những kiến thức mới, anh tự mày mò, tìm sách vở, làm bài tập để học. Và quyết định mạnh dạn của anh đã thành công, anh bảo cậu con trai: “Mày lấy sách ra đây bố xem học có khó lắm không nào?” Thế là anh ngồi cả đêm để xem sách vở của con. Kỳ lạ thay càng đọc anh càng thấy thích, không dứt ra được. Anh reo lên với con: “Học thích thế này sao con lại bỏ được!”
Sau những ngày đêm ôn luyện, một điều may mắn và kỳ diệu đã đến với hai bố con anh Nam. Chính niềm đam mê của anh đã truyền lửa cho cậu con trai. Từ một học sinh yếu kém của lớp, đến năm lớp 9, Thành vươn lên là học sinh tiên tiến, và năm lớp 11, em đã đậu học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học.
Năm 2002, Hoàng Văn Thành đã thi đậu vào đại học Y Hà Nội với 27 điểm. Niềm vui của cả gia đình thực sự vỡ òa. Công lao “đèn sách” của hai bố con đã được đền đáp.
Thầy giáo Nam đang sắp xếp những chồng sách trong thư viện "tại gia".
Hơn thế nữa, cậu con trai của anh bây giờ đã trở thành một bác sĩ làm việc tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Cũng từ lớp học ấy, từ gương người bố, người anh, cô con gái út của anh hiện đang học chương trình cao học ở Đại học sư phạm Hà Nội và vẫn tham gia giảng bài cùng bố.
Tiếng lành đồn xa, bà con trong làng, trong xã biết tin ai nấy cũng vui mừng, ngạc nhiên. Dưới lớp học của anh, những đứa cháu được anh dạy dỗ đều ngoan ngoãn, học giỏi như vậy. Từ đó, nhiều người đã tin tưởng mang con sang gửi anh, nhờ anh giảng dạy, kèm cặp giúp.
Dạy trò bằng cách truyền lửa
Đến năm 2007, anh chính thức mở lớp học tại nhà để ôn luyện cho các em học sinh trong làng, ngoài xã. Biết được hoàn cảnh các em đều khó khăn, vất vả nên anh không thu học phí.
Những ngày đầu, lịch dạy của anh đang còn thưa và số lượng học sinh đang còn mỏng. Nhưng đến giờ gần như đã kín lịch, thậm chí nhiều lúc học sinh đến xin học quá nhiều mà lớp không đủ chứa nên đành phải thất hứa với nhiều phụ huynh và các cháu - Anh Nam chia sẻ.
Từ nhiều năm nay, thầy Nam đã truyền lửa cho biết bao thế hệ học sinh.
Cũng theo anh Nam thì việc giảng dạy kiến thức là một phần nhưng phần lớn là tạo niềm tin, truyền lửa cho các em khi đó các em mới có hứng để học.
Trong mỗi buổi học, thầy Nam thường kể cho các em nghe những tấm gương danh nhân vượt khó vươn lên bằng con đường học hành. Hay chính những câu chuyện về tấm gương học hành, thành đạt những thế hệ học trò đi trước thầy dạy để cho các em noi theo học tập.
Không chỉ dạy ôn thi đại học, anh còn dạy các em từ lớp 6 đến lớp 12 môn toán. Thời gian cao điểm, như đợt ôn thi tốt nghiệp nhưng ôn thi đại học, anh phải dậy miết cả ngày 4 đến 5 ca liền. Nhiều lúc phải nằm viện vì làm việc quá sức.
Từ lớp học của thầy Nam, nhiều thế hệ học trò đã vượt khó vươn lên, thi đậu vào những trường đại học danh tiếng như Bách Khoa Hà Nội, Đại học công nghiệp Hà Nội, Đại học sư phạm Hà Nội… Nhiều em đã ra trường, đi làm và thành đạt trong cuộc sống. Tính từ năm 2007 đến nay, từ lớp học tại nhà của thầy giáo Nam đã có gần 50 em thi đậu đại học.
Nhiều phụ huynh ở các tỉnh lân cận như Hà Nội, Nam Định, Bắc Giang …nghe tin, đã gọi điện, đưa con đến tận nhà thầy, hỏi thầy về phương pháp dạy con học. Với lòng nhiệt tình và muốn truyền lửa cho thế hệ sau này thầy Nam rất nhiệt tình chỉ bảo từng chi tiết.