Thầy giáo "hot boy": Đuổi học sinh ở Quảng Nam là sự bất lực của nhà trường

Huỳnh Anh |

(Soha.vn) - Nếu một nhà trường quyết định đuổi một học sinh nào đó, thì điều đó có nghĩa là tập thể sư phạm nhà trường thừa nhận đã “bó tay” chịu thua trước học sinh ấy, đã bất lực trước hành vi ấy và từ chối giáo dục em ấy.

Xung quanh câu chuyện học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Vy bị đình chỉ 1 năm học do có những hành vi "xúc phạm" thầy cô trên facebook, Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM đã có những chia sẻ rất sâu sắc

Sau khi đọc bản tuyên ngôn của học sinh lớp 8 lên Facebook để xúc phạm thầy cô tại Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Tam Kỳ, thầy có suy nghĩ như thế nào?

Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Khi vừa đọc, tôi nhận ra ngay đây là một trong vô số những bài “văn chế” mà giới học sinh hay truyền cho nhau để đọc cho vui. Mục đích chỉ là giải trí và thường những bài này không nhắm đến bất cứ trường nào, kỳ thi nào.

Tuy nhiên tôi cũng hơi buồn vì sự sáng tạo của các em không đúng cách. Các em không nên dựa vào bài “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” thiêng liêng của dân tộc mà chế biến ra bài này, mà phải tự hào và trân trọng. Dù chỉ để vui nhưng viết thế này là các em đã sai rành rành.

Thầy giáo "hot boy" Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu nói về chuyện em học sinh ở Quãng Nam bị đuổi học do xúc phạm giáo viên trên facebook.

Cuối cùng đọng lại trong tôi là suy nghĩ về bọn trẻ mới lớn chưa biết nghĩ suy sâu sắc nên mới hành động nông nổi như thế. Đối với các em, đây là sáng tạo chứ không phải xúc phạm, đây là cá tính chứ không phải cá biệt. Các em vẫn chưa nhận thức được hành vi của mình, hậu quả của việc mình làm. Đôi khi các em chỉ hùa theo đám đông rồi đăng cho vui, cho thỏa chí chứ cũng không có dụng ý sâu xa gì.

Thực ra, tuy không tốt nhưng hành vi này, theo tôi chỉ mới ở “mức độ nhẹ” trong số hàng trăm hành vi lệch chuẩn của tuổi mới lớn. Đây là một khuyết điểm nhưng nó hoàn toàn không phải là biểu hiện của sự hư hoại nghiêm trọng trong nhân cách.

Trước sự việc này, Trường THCS Lý Tự Trọng đã buộc cho học sinh thôi học 1 năm. Thầy nhận định như thế nào về hình phạt này? Nếu không đồng tình với hình phạt, thầy có gợi ý nào khác cho một hình phạt khác hợp lý hơn?

Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Hình phạt của nhà trường nhằm mục đích duy nhất là để giáo dục học sinh nhận ra cái lỗi của mình, để lần sau hành động cẩn trọng hơn. Hình phạt đuổi học ấy đúng là có tác động giáo dục không chỉ với em học sinh ấy mà còn răn đe những học sinh khác phải biết cẩn trọng trong lời nói và tự chịu trách nhiệm trước phát ngôn của mình. Tuy nhiên, nếu xét dưới góc độ cá nhân của học sinh thì hình phạt này quá nặng. Nguyên nhân như sau:

Một là, phát ngôn của em học sinh này là do sự nông nổi, mà chúng ta ai cũng biết nông nổi là đặc điểm tâm lý phổ biến của tuổi mới lớn. Do đó các em cần được thông cảm và giáo dục uốn nắn.

Thứ hai, nếu có vấn đề về đạo đức thì phải có biện giáo giáo dục đạo đức, không nên buộc phải tạm dừng cả việc học tập.

Thứ ba, nếu cho tạm dừng học tập, có thể em ấy cải thiện được hành vi này. Nhưng nếu không được nhà trường dạy dỗ trong 1 năm trời, có thể em ấy còn bị tiêm nhiễm cả chục hành vi xấu khác. Như vậy, xét về hiệu quả giáo dục, chúng ta bị “lỗ” nặng.

Thứ tư, đuổi học 1 năm sẽ thể hiện sự bất lực của tập thể sư phạm trước hành vi vi phạm ấy. Trong khi hành vi này không quá phức tạp, không quá trầm trọng và không hề vượt khỏi năng lực giáo dục của nhà sư phạm.

Có người cho rằng, nếu đuổi học em học sinh này thì có vô vàn học sinh khác cũng bị đuổi vì lý do phát ngôn trên Facebook. Theo thầy, những hành vi nào của học sinh có thể bị quy kết vào việc đuổi học?

Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Thực ra, hình thức đuổi học chỉ nên áp dụng khi hành vi của học sinh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các học sinh khác mà nhà trường không thể giáo dục được, lúc đó mới phải phải cách ly em ấy khỏi môi trường học tập để khỏi ảnh hưởng đến tập thể.

Ví dụ như: học sinh có hành vi bạo lực manh động, chống đối lớp học, phá hoại nhà trường… Trong trường hợp này, hành vi của em học sinh trên chưa đủ mức “nguy hiểm” mà vẫn còn nằm trong khả năng giáo dục của nhà trường, nên hình thức cách ly với môi trường học tập là chưa phù hợp.

Có người lo sợ, đuổi học học sinh này sẽ làm cho học sinh ra ngoài cuộc đời thêm hư hỏng, thầy nghĩ sao về trường hợp này?

Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Nhà trường là cái nôi giáo dục của xã hội với những thầy cô đã được đào tạo về tâm lý học sinh, về phương pháp sư phạm. Đó là nơi đặc trưng để uốn nắn những nhân cách chưa hoàn thiện, đó là “thiên chức” của nhà trường!

Nếu một nhà trường quyết định đuổi một học sinh nào đó, thì điều đó có nghĩa là tập thể sư phạm nhà trường thừa nhận đã “bó tay” chịu thua trước học sinh ấy, đã bất lực trước hành vi ấy và từ chối giáo dục em ấy.

Nếu ngay cả nhà trường còn từ chối thực hiện nhiệm vụ giáo dục của mình thì thử hỏi ai sẽ thay thế nhà trường để giáo dục những nhân cách chưa hoàn thiện ấy?

Nữ sinh bị đuổi học vì xúc phạm thầy cô trên facebook.

 

Gia đình phải giáo dục con nhưng đôi khi cha mẹ không được đào tạo về phương pháp sư phạm, xã hội phải tạo ảnh hưởng nhưng xã hội thì quá rộng lớn. Do đó, nếu cách ly ra khỏi môi trường học đường, không được rèn luyện uốn nắn trong môi trường sư phạm thì đôi khi em ấy dễ bị hư hỏng hơn, ý tốt của nhà trường sẽ phản tác dụng, giáo dục sẽ trở thành phản giáo dục.

Đây không phải là lần đầu tiên hiện tượng học sinh sử dụng Facebook lăng mạ thầy cô, bị nhà trường nghiêm khắc xử phạt. Thầy có thể phân tích tâm lý lứa tuổi của các em dẫn đến hành vi như vậy?

Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Tuổi mới lớn không nghĩ sâu xa hành vi mình đang làm, cũng không nghĩ xa về hậu quả. Đặc biệt, tuổi mới lớn thường hành động vì cảm xúc hơn là vì lý trí. Cho nên mỗi khi bực bội, nóng giận, thất vọng, uất ức là các em hành động bột phát mà không hề nghĩ đến hậu quả.

Ngoài ra, trong mắt tuổi mới lớn, thế giới mạng mà điển hình là facebook là thế giới ảo, mọi phát ngôn trên đó đều là không chính thức, viết chơi cho vui, viết cho hả giận, viết rồi thôi… giống như một quyển sổ nháp của cuộc sống. Tuy nhiên, các em không biết rằng, đó không phải là thế giới ảo nữa, mà là một thế giới thật có ảnh hưởng thật và hậu quả thật.

Là một giáo viên dạy tâm lý, thầy có thể tư vấn một số điều để người lớn có cách dạy con đúng đắn, nhằm giúp con vượt qua được những mặt trái của Công nghệ thông tin cũng như tuổi dậy thì nhiều nông nổi?

Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Một người chưa biết đường đi thì ta phải chỉ. Tuổi mới lớn chưa biết cách ứng xử (trong gia đình, nơi trường học, ngoài xã hội) thì người lớn phải hướng dẫn. Trong tiến trình đời người, đây là giai đoạn vàng để trẻ thực tập cư xử trong xã hội.

Phụ huynh nên dành thời gian hỏi han con cái chuyện học hành, chuyện trường lớp. Có thể tận dụng bữa cơm gia đình hoặc phút quây quần buổi tối để lắng nghe những biến cố xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng và chỉ trẻ cách gỡ rối. Không ai mới sinh ra là biết cư xử cả, mà tất cả đều phải được hướng dẫn.

Đặc biệt, cha mẹ cần hòa đồng hơn với con, để là “quyển nhận ký sống” của con. Mọi điều gút mắc trẻ đều tâm sự với cha mẹ thì cha mẹ sẽ dễ dàng chỉ chúng đi đúng hướng.

Riêng đối với facebook và mạng xã hội, nếu dạy trẻ cách sống trong đời thực thì cũng cần dành thời gian để hướng dẫn trẻ sống trên “thế giới online”. Cần cho trẻ biết rằng mạng xã hội không còn là thế giới ảo nữa, mà là một nơi công cộng, nơi mà mọi phát ngôn của chúng ta đều dễ dàng lan truyền.

Trong tiến trình đời người, đây là giai đoạn vàng để trẻ thực tập cư xử trong xã hội. Phụ huynh phải tận dụng để giúp trẻ sớm trưởng thành. Nhưng để làm được điều đó, người lớn phải ý thức được rằng: một đứa trẻ không tự nó hư được, mà do chúng bị tác động từ môi trường bên ngoài.

Nếu bọn trẻ sai, nhưng cái sai ấy là do ta chưa dạy dỗ tới thì lỗi ấy trước tiên là nằm ở chính chúng ta. Và đặc biệt, nếu bọn trẻ có hành vi không tốt, hãy thương yêu chúng và hướng dẫn chúng làm đúng thay vì bỏ rơi chúng. Nếu chúng không sửa đổi thì lỗi là do ta giáo dục không đúng cách, hãy thấm nhuần tư tưởng: “Không có trẻ em hư, chỉ có nhà giáo dục tồi”.

“Thầy giáo hot boy” Khắc Hiếu chia sẻ về chuyện vá màng trinh

(Soha.vn) - “Tôi không vì một trang sách bị “thủng” mà vứt bỏ một cuốn sách hay…”

Năm mới, “thầy giáo hot boy” Khắc Hiếu lại khiến cư dân mạng "phát sốt"

(Soha.vn) - Chào đón năm mới 2013, Thầy giáo Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu lại khiến cư dân mạng "phát sốt" với tập 4 “Bộ luật tình yêu”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại