Thấy gì sau báo cáo không có mại dâm ở Quất Lâm, Đồ Sơn?

Tuệ Minh |

(Soha.vn) - Theo PGS, TS. Trịnh Hoà Bình, nếu đúng như báo chí phản ánh (không có mại dâm ở Quất Lâm, Đồ Sơn) thì đó là một báo cáo không đúng sự thật và nó có màu sắc của thành tích chủ nghĩa.

Trước dư luận xã hội tỏ ra quan tâm đến báo cáo ở Đồ Sơn (TP. Hải Phòng) và Quất Lâm (Nam Định) không thấy có mại dâm, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Trịnh Hoà Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học).

	PGS, TS. Trịnh Hoà Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học)

PGS, TS. Trịnh Hoà Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học)

Ông Bình chia sẻ: “Hiện tượng mại dâm ở Đồ Sơn, Quất Lâm thậm chí là ở Thịnh Long và nhiều chỗ khác mọi người đều biết rõ. Và không cần khảo sát, điều tra thì mọi người vẫn biết rõ là có”.

Lý giải về việc dư luận xã hội thông tin trái chiều "đến 180o" so với báo cáo của cơ quan chức năng về tình trạng mại dâm tại Đồ Sơn và Quất Lâm, TS. Bình cho biết: 

"Tôi chưa nhìn thấy các bản báo cáo về việc không có mại dâm ở Đồ Sơn và Quất Lâm. Tuy nhiên, nếu thông tin đúng như ông Phạm Ngọc Dũng - Phó trưởng phòng Chính sách phòng chống mại dâm (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội) nói tại buổi toạ đàm ngày 13/6 vừa qua và ông Hoàng Trung Hiếu, phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn nói với báo Tuổi trẻ thì đó là một bản báo cáo có độ chính xác thấp.

Và nếu có thực như vậy thì cung cách báo cáo không phải quá xa lạ từ trước tới nay, chẳng cứ ngành phòng chống tệ nạn xã hội. 

Có một xu hướng khi báo cáo là phải làm đẹp các số liệu. Khi con số báo cáo chưa đẹp thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế và những đánh giá về công việc của người báo cáo. Vì thế nên có thể người ta báo cáo không đúng sự thật.

Đây là câu chuyện gắn liền với những vấn đề liên quan đến bệnh thành tích. Cụ thể là nếu báo cáo là có nhiều mại dâm quá thì chứng tỏ khả năng quản lý kém nên báo cáo ít nhất là không thấy. Nhưng chẳng ai chấp nhận cái ít nhất như vậy.

Mới cách đây 2 ngày, chúng tôi dự hội thảo gồm nhiều chuyên gia liên quan đến 1 đề tài cấp nhà nước về đổi mới tư duy quản lý tệ nạn xã hội ma tuý, mại dâm, cờ bạc. Tại hội thảo, nhiều người gay gắt cho rằng đằng sau đó là lợi ích nhóm. Và tôi cho rằng ý kiến của các chuyên gia như vậy không phải là không có lý.

Nói gọn lại, nếu đúng như báo chí phản ánh thì đó là một báo cáo không đúng sự thật. Nó có màu sắc của thành tích chủ nghĩa”, ông Bình nói tiếp.

Theo ông Bình, chúng ta không thừa nhận mại dâm là một nghề nhưng phải nhìn nhận đó là một hiện tượng xã hội để kiểm soát (không phải để thu thuế) từ đó làm lành mạnh xã hội hơn.

“Bởi những người đối đầu với thực tế đều biết rõ mại dâm là không thể ngăn chặn được, đừng có ảo tưởng là phòng, chống được mà phải chuyển sang câu chuyện giảm hại đến đời sống xã hội thì đúng bản chất hơn”, vị chuyên gia xã hội học này nói.

Từ ý kiến đó, ông Bình cho rằng mô hình can thiệp giảm hại cho người hoạt động mại dâm cần phải được áp dụng. 

Mô hình này được vận dụng từ mô hình can thiệp giảm hại của căn bệnh thế kỷ AIDS trước đây do Ngân hàng thế giới đầu tư. 

AIDS cũng như mại dâm không thể bị ngăn chặn tức thì vì chúng liên quan đến hoạt động xã hội, quan hệ xã hội rất phức tạp. 

Vì thế nên đặt vấn đề trước tiên là giảm hại, quản lý để phòng ngừa, chữa bệnh cho những người hoạt động mại dâm. Và phải quản lý những người hoạt động mại dâm này.

Trước ý kiến cho rằng việc áp dụng mô hình can thiệp giảm hại cho người hoạt động mại dâm vào thực tế sẽ công nhận mại dâm là hợp pháp ở Việt Nam, TS. Bình cho rằng như vậy là không chính xác và đó chỉ là một cách suy diễn.

Cụ thể, ông Bình nói: “Xét về phương diện khoa học của vấn đề tức là thừa nhận nhưng không ai dám nói là thừa nhận. 

Và nếu coi là nghề thì phải có trường lớp đào tạo và sau khi ra hoạt động nghề thì phải có mã số hành nghề để quản lý nhưng đằng này người hoạt động mại dâm tự đào tạo rồi. Như vậy trên thực tế, nếu có áp dụng mô hình này thì cũng không coi mại dâm là hợp pháp ở Việt Nam”.

Nói về biện pháp để giảm hiện tượng mại dâm, ông Bình cho biết: “Tôi tán thành với phương án phạt. Nhưng cung cách chúng ta đặt ra vấn đề phạt hành chính, thông báo về cho gia đình và cơ quan người mua dâm biết là những giải pháp quá mông muội. 

Tôi nghĩ là chúng ta nên phạt thật nặng người mua dâm, còn người bán thì khi chúng ta đã quản lý họ rồi thì phạt hành chính họ làm gì nữa”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại