Thấy gì sau 10 ngày áp dụng thu phí bảo trì đường bộ?

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - Sau khi được phê duyệt, kể từ đầu năm nay (1/1/2013), Nghị định về thu phí bảo trì đường bộ chính thức có hiệu lực. Gần 40 triệu phương tiện giao thông đường bộ trên cả nước phải đóng phí bảo trì đường bộ theo Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

Thiếu công bằng

Trước khi ra đời và áp dụng, ý tưởng về việc thu phí bảo trì đường bộ đối với các phương tiện giao (cụ thể là xe ô tô và xe gắn máy) đã được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng “hiện thực hóa” bằng văn bản và đệ trình lên Thủ tướng xem xét và phê duyệt.

Và theo tính toán của Bộ GTVT, mỗi năm số tiền thu phí từ đầu ôtô trong cả nước đạt hơn 6.800 tỷ đồng; tiền thu được từ 50% số môtô, xe máy đã đăng ký sẽ đạt 2.400 tỷ đồng, ước tính tổng thu sẽ đạt khoảng gần 10.000 tỷ đồng.

Đa số ý kiến cho rằng việc áp dụng cách thu phí bảo trì đường bộ hiện nay là "thiếu công bằng" và mang tính chất "đánh đồng" giữa các đối tượng.

Trên thực tế, việc thu phí bảo trì đường bộ đối với ô tô và xe máy đã vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng thu phí theo kiểu “cào bằng” như trên là thiếu công bằng, không chính xác và gây khó khăn cho người dân.

Ông Lê Văn Minh, cán bộ ngành thuế đã về hưu (trú tại Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: “Việc thu phí nói trên là thiếu công bằng. Sự thiếu công bằng thể hiện ở chỗ phương tiện giao thông thì có người đi ít, có người đi nhiều.

Ngoài ra, mức thu phí “đánh đồng” trên còn không phân loại được giữa những người giàu và người nghèo, giữa thành phố nơi có mức thu nhập cao với vùng nông thôn, vùng miền núi khó khăn”

Theo ông Minh, một trong những tôn chỉ hoạt động nghiêm ngặt của việc thu thuế, phí là phải thu chính xác, khoa học và rõ ràng. Điều này thể hiện rõ bằng những quy định trong các luật về thuế.

“Việc thu phí bảo trì đường bộ cần thiết phải có quy định phân loại rõ ràng và mức phí áp dụng đối với từng đối tượng, từng nhóm xã hội, từng vùng miền cụ thể, bởi đây là cơ sở để đảm bảo cho sự công bằng và khoa học, nếu không, chính những người nghèo sẽ chịu thiệt”, ông Minh nhấn mạnh.

Giá tăng theo phí

Ngay khi Nghị định 18/2012/NĐ-CP được áp dụng, nhiều người đã tỏ ra lo ngại việc thu phí bảo trì đường bộ sẽ dẫn đến tình trạng “phí chồng lên phí” bởi trên thực tế những trạm thu phí BOT và trạm bán chuyền trên cả nước vẫn hoạt động và thu phí bình thường. Và như vậy, người dân đã nộp phí bảo trì đường bộ rồi nhưng vẫn phải trả phí khi đi qua đường có các loại trạm này.

Những lo ngại trên không phải là không có cơ sở và nó đã xảy ra. Sau khi việc thu phí đường bộ được áp dụng, những trạm thu phí BOT, BT không những vẫn duy trì hoạt động mà còn bất ngờ tăng giá phí lên gấp đôi (!)

Theo phản ánh từ nhiều người dân, từ ngày 1/1/2013, trạm thu phí BOT tại quốc lộ 51 (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã tăng mức thu phí lên gấp đôi so với mức thu cũ. Chẳng hạn, mức thu cũ với xe tải dưới 2 tấn là 10.000 đồng thì nay mức thu mới tăng lên 20.000 đồng/lượt, tương tự xe container loại 40 feet mức thu cũ chỉ 80.000 đồng/lượt, còn mức mới tăng lên 160.000 đồng/lượt. Điều này đã gây thêm nhiều khó khăn cho hoạt động vận tải.

Thu phí bảo trì đường bộ trong khi vẫn duy trì các trạm thu phí BOT và BT dẫn đến tình trạng "phí chồng lên phí" và người dân phải gánh chịu.

Phía đơn vị chủ quản là Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) giải thích: việc tăng mức thu phí gấp đôi so với trước nhằm… thu hồi vốn đầu tư. Bởi đây là hợp đồng BOT dự án mở rộng QL51 có tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 3.300 tỉ đồng, nhưng thực tế tổng vốn đầu tư đội lên gần 4.000 tỉ đồng do yếu tố lạm phát, tiền nhân công, lãi suất ngân hàng và bổ sung thêm hạng mục.

Ngoài ra, cùng với thu phí bảo trì đường bộ, các doanh nghiệp vận tải trong cả nước cũng bắt đầu tính đến chuyện rục rịch tăng giá cước. Mới đây nhất, các doanh nghiệp vận tải ở Đà Nẵng cho biết, sau khi thu phí bảo trì đường bộ thì giá cước vận tải sẽ tăng thêm từ 5-7%. Số tiền này khách hàng sẽ là người phải gánh chịu.

Đại diện của một doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội cho biết, sắp tới đơn vị này cũng đệ trình việc điều chỉnh lại giá cước theo hướng tăng lên. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp này không cho biết cụ thể mức điều chỉnh giá cước tăng lên sẽ là bao nhiêu phần trăm.

Trên thực tế, việc các đơn vị kinh doanh vận tải tăng giá cước cũng là điều dễ hiểu. Khi chi phí đầu vào cho hoạt động của ngành như giá nhiên liệu, phí đường bộ,… đều tăng thì việc tăng giá cước vận tải là điều không thể tránh khỏi.

Cuối cùng, những gánh nặng tài chính này lại được "trút" sang vai khách hàng – những người dân buộc phải sử dụng dịch vụ vận tải vì đây là một nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.

Thị trường xe nội địa năm 2012 bị “bóp chết” bởi các Nghị định

Năm 2012 được xem là năm ảm đạm nhất từ trước tới nay của thị trường ô tô và xe máy Việt Nam. Lượng xe bán ra giảm hẳn so với các năm trước, tồn kho nhiều. Cho dù các hãng liên tục tung ra những phiên bản xe mới, hấp dẫn hơn cả về mức giá lẫn chất lượng, khả năng tiêu thụ nhiên liệu, nhưng xe vẫn không bán được.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, cùng với tác động tiêu cực bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thì chính sách thu phí bảo trì đường bộ và quy định về xe chính chủ trong Nghị định 71 là nguyên nhân chủ yếu khiến thị trường ô tô và xe máy nội địa năm 2012 bị “bóp chết” bởi đã gây ra những “rào cản” trên thị trường.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại