Liên quan đến vụ "Bệnh nhân tử vong, bác sĩ “gài bắt” người nhà" như Báo Người Lao Động đã thông tin, trưa 15-4, anh Trần Thanh Tuấn cho biết đã đưa vợ mình là chị Nguyễn Thị Bích Chi đi chôn cất vào sáng cùng ngày tại nghĩa trang phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát, Bình Dương
Như đã thông tin, chị Chi chết sau khi rời phòng khám của bác sĩ Vũ Đình Hòe. Bác sĩ này hứa đưa cho anh Tuấn tiền lo ma chay cho vợ.
Tuy nhiên, ngày 13-4, khi anh Tuấn tới phòng khám nhận tiền thì bác sĩ Hòe âm thầm báo công an.
Do đó, trong lúc tang gia rối bời, anh Tuấn bị giữ tại trụ sở công an phường nhiều giờ để cung cấp lời khai về “nghi án tống tiền”.
Sau khi công an thị xã Bến Cát vào cuộc, giữa bác sĩ Hòe và anh Tuấn đạt được thỏa thuận. Theo đó ông Hòe “hỗ trợ” cho anh Tuấn 30 triều đồng lo ma chay và cam kết không khiếu nại.
Sau khi chôn cất vợ anh Tuấn cho biết số tiền 30 triệu mà ông Hòe cho đã “bay vèo” khi trang trải chi phí an táng, xây mồ mả.
Ghé vào căn nhà trọ của anh Tuấn mới cảm nhận được sự nghèo khó và cô quạnh của cha con anh khi chị Chi ra đi.
Căn nhà trọ này nghèo đến nổi không có cái ghế để khách ngồi. Trong nhà/ chẳng có cái gì quý giá ngoài cái tivi.
Anh Tuấn và chị Chị sinh được 3 đứa con. “Thằng con út, tên thường gọi là Hí. Nó mới 2 tuổi, nó biết nói rồi. Mấy bữa nay nó cứ kêu mẹ, mẹ làm mình muốn đứt ruột” – anh Tuấn xúc động kể.
Đặc biệt, cô con gái giữa của anh Tuấn là Trần Thị Thanh Yến, mới 13 tuổi nhưng buộc phải nghỉ học. Cô bé gầy và đen này nói: “Tết vừa rồi cả nhà về dưới quê thăm ông bà.
Khi lên lại mẹ con đau đầu dữ lắm. Mẹ cứ ôm đầu suốt ngày. Con thấy thương nên nghỉ học trông em cho mẹ".
Khi chúng tôi hỏi vì sao không gửi em cho người ta trông, Yến ngập ngừng bảo: “Mẹ con bệnh tốn nhiều tiền lắm. Với lại con coi ti vi thấy người ta giữ trẻ đánh trẻ quá. Con sợ em con cũng bị đánh”.
Yến dẫn chúng tôi vào căn buồng, khoe năm lớp 6 mình đạt giấy khen của trường Hòa Lợi. Chúng tôi để ý trên vách tường chỗ học của Yến có viết dòng chữ “Tuấn – Chi” (tên ba mẹ).
Ngoài ra, nhiều nơi trên vách tường của căn nhà này chúng tôi còn bắt gặp những dòng chữ có tên chị Chi và cách thành viên khác trong gia đình.
Yến kể: “Con viết mấy dòng này lên tường hơn 1 năm rồi. Lúc đó hình như là mẹ đang nằm bệnh viện Chợ Rẫy để mổ thoát vị đĩa đệm. Con nhớ mẹ nên viết thôi”.
Chúng tôi thấy Yến đứng tần ngần trước khoảng vách tường có dòng chữ: “Thương ba mẹ anh chị, Hí nhiều lắm. Gia đình là số 1”.
Do muốn cô bé vui nên chúng tôi chỉ vào một vách tường khác rồi hỏi: “Tại sao con viết: Có Tuấn và Chi thì mới có Như (chị gái đầu lòng – PV), Yến, Bảo (tức là cu Hí –PV)”? Yến không trả lời chỉ bụm miệng cười hồn nhiên.
Như, con gái lớn của anh Tuấn, năm nay 19 tuổi. Như đã có chồng và đang mang bầu. Chồng Như làm nghề vắt sữa bò và đưa vợ lên Hóc Môn, TPHCM sống.
Như kể từ khi nghe tin dữ, mình và chồng xuống Bình Dương để ở với ba và em để căn nhà bớt cô quạnh.
Như kể mỗi năm vào mùa mít ba thường hay đi rảo vào vườn dân hỏi mua mít mang về cho mẹ lột ra rồi mang đi bán cho các xí nghiệp chuyên sản xuất mít sấy khô.
Trên vách nhà còn treo nhiều tấm đòn mà các thành viên trong nhà thường ngồi quây quần lột mít. Như ứa nước mắt khi sờ vào tấm đòn mà mẹ hay ngồi.
Như nói chỉ có thể ở lại với ba và em vài bữa. Như còn phải theo chồng về lo sinh đẻ. “Em không thể ở đây. Mẹ cũng đi rồi. Chỉ còn ba với 2 đứa nhỏ. Căn nhà này rồi sẽ buồn lắm anh ơi” – Như cất tiếng thở dài.