Đó là lời tâm sự đầy xót xa của chị Nguyễn Thanh Tâm về cậu con trai 6 tuổi bị tự kỷ 4 năm nay.
Trường mẫu giáo từ chối trẻ tự kỷ
Tự kỷ là một trong những rối loạn phát triển hay gặp ở trẻ em. Trẻ bị mắc tự kỷ không những chậm phát triển về quan hệ xã hội, ngôn ngữ, giao tiếp, học hành mà còn có những rối loạn hành vi ảnh hưởng lớn đến gia đình, xã hội.
Trẻ tự kỷ nếu được phát hiện sớm sẽ có nhiều cơ hội trở thành người bình thường và hòa nhập vào xã hội. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn thiếu hiểu biết về căn bệnh này và không can thiệp sớm cho con mình.
Số lượng trẻ tự kỷ ở Việt Nam ngày càng gia tăng.
Trường hợp của chị Tâm là một ví dụ. Chị đã nhận thấy cậu con trai của mình có những biểu hiện khác so với bạn bè trang lứa nhưng vì quá yêu con nên không nghĩ con mình đã mắc bệnh tự kỷ. Đến khi 2 tuổi chị cho con đi khám ở bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ kết luận: “Cần theo dõi tự kỷ” .
Chị hoang mang tìm hiểu nhiều luồng thông tin trái chiều, chị thực sự không biết phải can thiệp, chữa trị theo hướng nào. Chị đau khổ tuyệt vọng khi dấu hiệu tự kỷ ngày càng biểu hiện rõ hơn với con trai mình. Mặc dù chị đã thử nhiều phương pháp nhưng không tiến bộ gì, chị tuyệt vọng, đau đớn.
"Tôi tiếc, tôi trách mình vì đã không cho con mình đi khám ngay. Tôi đã khóc rất nhiều khi nghĩ đến tương lai của con tôi… Tôi còn nhớ nguyên cái cảm giác đau đớn tủi hờn và tội nghiệp cho con mình khi trường mẫu giáo không nhận con vào học", chị Tâm xót xa kể lại.
PGS. TS Nguyễn Thị Hoàng Yến – Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục đặc biệt VN cho rằng cần có sự can thiệp sớm đối với trẻ tự kỷ.
Không chỉ chị Tâm mà còn rất nhiều phụ huynh khác đã, đang lo lắng, lúng túng về những phương pháp can thiệp sớm dành cho trẻ tự kỷ ở Việt Nam. Theo PGS. TS Nguyễn Thị Hoàng Yến – Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục đặc biệt VN đánh giá: "Hiện nay, các bác sĩ nhi khoa chưa hiểu rõ về tự kỷ và không có các kỹ năng chuẩn đoán sớm. Và cha mẹ cũng chưa nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng và vai trò của việc can thiệp sớm và giáo dục, trị liệu cho trẻ tự kỷ. Chính vì thế, việc phát hiện và điều trị cho trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn".
Những khó khăn để giáo dục trẻ tự kỷ
Những năm gần đây, việc giáo dục trẻ khuyết tật (trẻ tự kỷ) bắt đầu được quan tâm nhiều hơn. Năm 2004 khoa Giáo dục đặc biệt của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội ra đời với chức năng đào tạo giáo viên dạy trẻ khuyết tật. Vì vậy, đa phần đội ngũ giáo viên đều còn rất trẻ.
Việc dạy dỗ trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ tự kỷ còn vất vả hơn nhiều. Chia sẻ những khó khăn trong nghề giáo dục đặc biệt này, Thạc sĩ Đỗ Bích Thảo – Trưởng bộ môn Giáo dục trẻ tự kỷ khuyết tật trí tuệ, Khoa giáo dục đặc biệt, trường ĐH Sư phạm HN cho biết: "Lớn nhất đó là sự chấp nhận của cha mẹ, điều đó giúp cho trẻ có cơ hội đến với cách trị liệu tốt nhất. Hơn nữa, trẻ tự kỷ phải can thiệp rất nhiều vì trẻ thiếu hụt rất nhiều các kỹ năng, giao tiếp, hành vi, ngôn ngữ, kiến thức… Môi trường giáo dục đó rất tốn kém và không phải cha mẹ nào cũng có thể đủ điều kiện đưa con đến với môi trường đó sớm. Và quan trọng, ở Việt Nam chủ yếu áp dụng các phương pháp, chương trình của quốc tế mà chưa có nghiên cứu chương trình nào".
Anh Nguyễn Văn Lịch (giáo viên trẻ dạy trẻ tự kỷ tại Trường chuyên biệt Ánh Sao).
Bên cạnh đó còn có những khó khăn trong quá trình dạy đặc biệt là với những giáo viên trẻ mới ra trường. Theo giáo viên Nguyễn Văn Lịch (Trường chuyên biệt Ánh Sao) thì việc áp dụng lý thuyết vào thực tế không phải đơn giản, giữa học tập trong trường và thực tế có sự chênh lệch khá lớn bởi mỗi trẻ có một cá tính, đặc điểm riêng vì vậy trong quá trình tiếp xúc có nhiều tình huống khó xử, lúng túng.
Về điều này, giáo viên Nguyễn Thị Duyên, đang giảng dạy trẻ tự kỷ tại Trường chuyên biệt Ánh sao cho biết : "Giáo viên cần sáng tạo bởi lẽ lý thuyết không thể áp dụng cho tất cả các trẻ như nhau. Nếu giáo viên không sáng tạo, tự tìm hiểu cái mới đế áp dụng cho trẻ, sáng tạo trong từng bài tập, trò chơi thì không đem lại hiệu quả cho trẻ".
Kiên trì, yêu trẻ và yêu nghề
Xác định dạy dỗ trẻ tự kỷ không thể một sớm một chiều là tiến bộ, có thể vài tháng thậm chí vài năm trẻ mới có thể tạo một kỹ năng rất nhỏ cho trẻ như biết nói chuyện, tập trung, giao tiếp bằng mắt trong thời gian ngắn hay biết làm theo hành động của giáo viên…
Để làm được điều đó, ngoài vấn đề chuyên môn, những giáo viên dạy trẻ tự kỷ vừa phải kiên trì, yêu nghề và yêu trẻ thực sự.
Một tiết mục văn nghệ của trẻ tự kỷ dưới sự hướng dẫn tận tình, vất vả của giáo viên.
Đối với Nguyễn Văn Lịch – giáo viên dạy vận động và ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ đã hơn 2 năm nay chia sẻ lý do mà anh đến với nghề này chính là tấm lòng và tình yêu thương trẻ em.
"Trong quá trình đi thực tế ở cơ sở khi đang còn là sinh viên, tôi rất mến các em khuyết tật đặc biệt là thương các em khuyết tật trí tuệ. Vì vậy, nó là động lực giúp tôi gắn bó với nghề", GV Nguyễn Văn Lịch cho hay.
Cũng như Lịch, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Duyên chia sẻ: "Tất cả hoạt động ăn ngủ nghỉ của trẻ đến tham gia hoạt động xã hội vô cùng khó khăn nếu không có sự kiên trì, tấm lòng yêu thương trẻ chân thành nhất của người hướng dẫn.
Trẻ không thể tự sinh hoạt, tham gia hoạt động học tập, giao tiếp với người khác, trẻ sẽ rất bỡ ngỡ vì vậy mình cần hỗ trợ kịp thời và cần thiết để giúp trẻ làm những việc đó một cách tốt nhất. Hàng ngày mình vẫn tin rằng, sự chăm sóc của mình sẽ giúp trẻ tiến bộ, dần hòa nhập cộng đồng".
Hiện nay tỷ lệ trẻ tự kỷ ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Theo nghiên cứu của khoa Phục hồi Chức năng Bệnh viện Nhi Trung ương từ năm 2000 – 2007 số lượng trẻ tự kỷ đến khám năm 2007 tăng 50 lần so với năm 2000, số trẻ điều trị tự kỷ tăng 33 lần. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ như chi phí chuyên gia tư vấn, chăm sóc còn cao; chưa có nhiều tài liệu nghiên cứu về chương trình phương pháp giáo dục hay là chính sự xa lánh, kỳ thị của mọi người xung quanh đối với trẻ tự kỷ.
Vì vậy, cần phát hiện và có biện pháp can thiệp sớm (trước 5 tuổi) đối với trẻ tự kỷ để đưa các em được đến trường, hòa nhập cộng đồng như đứa trẻ bình thường.