Gần đây, trên một số diễn đàn mạng, các bà mẹ rủ rỉ hỏi nhau về chiếc que thử thai. Đây không phải chiếc que thử để biết có thai hay không mà là que dùng thử, phát hiện giới tính thai nhi sớm. Theo lời quảng cáo về thiết bị này, có 2 loại “xách tay từ Mỹ về” là IntelliGender và Gendermaker có thể thử, phát hiện giới tính nam hay nữ của thai nhi từ 6 tuần tuổi. Thông tin trên mạng chỉ rõ địa chỉ 112 Dịch Vọng, Hà Nội bán sản phẩm này.
Bà Đặng Thị Hòa, phó chánh thanh tra Sở y tế Hà Nội đã cùng nhân viên nữ “vi hành” bằng xe máy tới phòng khám này để làm rõ thực hư. Theo cán bộ thanh tra Sở y tế, địa chỉ 112 Dịch Vọng mang biển hiệu phòng khám đa khoa Việt Pháp. Năm 2010, phòng khám đăng ký giấy phép phòng khám đa khoa do bác sĩ Phạm Thị Kim Khanh đứng tên đăng ký, nhưng vì cơ sở vật chất không đáp ứng cho một phòng khám đa khoa nên không được cấp phép.
Bác sĩ Khanh (chuyên khoa răng hàm mặt) đã tách ra, dọn mọi cơ sở vật chất đi nơi khác. Phòng khám còn lại 2 chuyên khoa là khám chữa bệnh sản phụ khoa và xét nghiệm. Bác sĩ Đặng Thế Cường (SN 1982, ở Nam Định) phụ trách phòng khám nói vẫn đang tính chuyện đi xin giấy phép đăng ký mới ở một nơi khác, địa điểm này sắp trả nhà.
Thời điểm thanh tra Sở Y tế kiểm tra, bác sĩ Cường không mặc áo blouse trắng, ngồi ở bàn lễ tân đón khách. Phòng khám không có khách nào, chỉ có bác sĩ Cường và 2 nhân viên nữ.
Kiểm tra việc thực hiện pháp lệnh dân số tại phòng khám, thanh tra không phát hiện thiết bị chẩn đoán giới tính thai nhi sớm. “Em còn một chiếc nữa nhưng không để ở đây. Em sẽ mang lên trình diện với thanh tra sở sau ạ” – Cường nói.
Theo vị bác sĩ trẻ này, phòng khám ở nơi khuất nẻo, cơ sở vật chất sơ sài nên ít khách. Mỗi tháng, bỏ 15 triệu thuê nhà, không có khách nên phòng khám sắp đóng cửa. “Em mới bán thiết bị này khoảng 1 tháng nay thôi. Khách tới khám họ cứ hỏi nên em tìm mua trên mạng rồi bán” – Cường nói về nguồn gốc thiết bị thử giới tính thai nhi.
Là một bác sĩ, Cường thừa biết pháp lệnh dân số cấm việc xác định giới tính thai nhi ở nước ta đã thực hiện từ lâu. Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em (ban hành từ năm 2006) cấm phát hiện giới tính thai nhi sớm dưới mọi hình thức và có hình thức phạt từ 3 – 7 triệu đồng nhưng vị bác sĩ này vẫn bán thiết bị thử.
Theo Cường: “Em lên mạng tìm loại thiết bị thử giới tính thai nhi phát hiện trai hay gái khi thai mới ở 6 tuần tuổi. Em đặt hàng trong TP.HCM, qua điện thoại, người ta chuyển hàng đến thì em giao tiền. Sau khi có hàng, em đăng trên rao vặt, kèm số điện thoại. Ai có nhu cầu thì gọi, sẽ cho người mang hàng đến. Em không để thiết bị nào ở phòng khám”.
Trên thực tế, những ai tới siêu âm ở phòng khám của Cường, phát hiện có thai hỏi mua thiết bị này thì sẽ có ngay. Còn với người ở xa, có nhu cầu gọi qua điện thoại, Cường cho xe ôm mang tới. Loại IntelliGender Cường bán giá 1 triệu đồng. “Khách cứ hỏi thì em tìm giúp họ thôi chứ lãi 100 nghìn/cái, xe ôm đã mất 40 nghìn rồi. Em nghe người ta nói độ chính xác thiết bị này có thể 80 - 90%”, Cường thanh minh.
Theo bà Hòa, Sở Y tế Hà Nội thường xuyên đi kiểm tra các phòng khám trong lĩnh vực thực hiện pháp lệnh dân số, cấm chẩn đoán phát hiện giới tính thai nhi. Nhưng quả thực, nếu không là sản phụ thì khó có thể “bắt quả tang” phòng khám chẩn đoán giới tính thai nhi qua siêu âm. Với thiết bị thử giới tính thai nhi này, vì là hàng xách tay, không qua cơ quan y tế kiểm định nên rất khó phát hiện.
Với vi phạm trong lĩnh vực y tế của bác sĩ Cường tại phòng khám Việt Pháp, thanh tra Sở Y tế Hà Nội đang xem xét xử phạt theo quy định của pháp luật.