Thanh tra Chính phủ đề nghị xử vụ "bẻ cong” đường Trường Chinh

Hàng loạt các vụ việc nổi cộm như ở Dương Nội, chợ Ninh Hiệp, hay đường Trường Chinh đang thẳng thành cong… được Thanh tra Chính phủ đề nghị Hà Nội giải quyết dứt điểm.

Còn hành chính hóa án hình sự

Làm việc với Hà Nội chiều 3/4, Thanh tra Chính phủ đề nghị cần được làm rõ nhiều vấn đề như: Công tác phối hợp giữa lực lượng công an, thanh tra, VKS, tòa án Hà Nội? Số vụ việc chuyển sang cơ quan công an bao nhiêu vụ năm 2013? Số vụ việc còn tồn đọng sẽ xử lý ra sao? Công tác thanh tra gặp những vướng mắc gì?...

Theo Chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn Văn Tuấn Dũng, trong thời gian qua, có những vụ việc khi chuyển sang cơ quan điều tra thì không được tiếp nhận. Thậm chí còn có vụ việc tuy tiếp nhận hồ sơ nhưng lại không giải quyết theo hình sự mà chỉ làm theo hướng dân sự.

Về công tác xử lý sau thanh tra, năm 2013, Hà Nội chỉ thu hồi được hơn 45% do các DN gặp nhiều khó khăn nên rất khó thực hiện thu hồi. Cũng trong năm 2013, qua rà soát 26 vụ việc nổi cộm trên địa bàn, đã xử lý dứt điểm 14 vụ việc, còn lại 12 vụ đang trong quá trình rà soát. Sang năm 2014 Hà Nội tiếp tục rà soát 18 vụ việc còn tồn đọng, kéo dài, khó giải quyết.

Theo đại diện Ban Nội Chính Thành ủy, năm 2013 Hà Nội đã chuyển hồ sơ, khởi tố 65 vụ, với 53 vụ được đưa ra xét xử. Đặc biệt án tham nhũng ở Hà Nội luôn được xét xử nghiêm minh, trong đó đã có những án tử hình, như vụ việc ở Vinalines. Tới đây Hà Nội sẽ tiếp tục điều tra 8- 10 vụ việc ở đơn vị cơ sở.

Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho rằng, khiếu nại tố cáo vẫn ngày càng phức tạp. Ngoài trình độ dân trí hiện rất cao, còn xuất hiện các cơ quan tư vấn, văn phòng luật sư, nên Hà Nội đang phải giải quyết khá nhiều vụ việc.

Tuy nhiên số vụ việc khiếu nại tố cáo trong năm 2013 chỉ đúng 17%, trong khi trước đây con số này khoảng 30 – 40%. Ông Khanh cũng thừa nhận việc thực hiện kết luận sau thanh tra chưa tốt và sẽ phải chỉ đạo quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Phía Thanh tra Chính phủ nhận định, nhiều vụ việc người dân còn có sự chuẩn bị bài bản cho việc tố cáo dài hạn, thậm chí còn có sự “hà hơi tiếp sức” của các thế lực phản động.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, một số vụ việc nổi cộm trên địa bàn như ở Dương Nội, Hà Đông, chợ Ninh Hiệp, khiếu kiện ở Bắc – Nam An Khánh, hay vụ việc đường Trường Chinh “thẳng thành cong”, người dân vẫn tiếp tục phản ánh lên Trung ương…

Thanh tra Chính phủ đề nghị Hà Nội cần tập trung, giải quyết dứt điểm các vụ việc nổi cộm trong thời gian qua nhằm đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn thủ đô.

Thanh tra Chính phủ làm việc với UBND TP Hà Nội chiều 3/4. (Ảnh: Nguyễn Dũng)

Đang trình Chính phủ dự thảo xử lý sau thanh tra

Tại buổi làm việc này, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đề nghị Hà Nội cần thực hiện công tác thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đi đến đâu dứt điểm đến đó. Mặt khác Hà Nội cần quan tâm hơn đến việc thanh tra chuyên ngành.

Ông Tranh cũng đề nghị khi thanh tra kết luận rồi phải công khai kết luận, có thể công khai tại đơn vị, niêm yết tại trụ sở, trên các phương tiện thông tin, hoặc cung cấp thông tin cho người có thẩm quyền như ĐBQH, HĐND. .. Việc công khai kết quả sẽ có tác dụng giáo dục lớn.

Tổng Thanh tra cũng cho rằng, việc xử lý sau thanh tra rất quan trọng. Ngành thanh tra đang trình Chính phủ Dự thảo Nghị định xử lý sau thanh tra. Theo ông Tranh, chế tài hiện nay không mạnh, do vậy cần phải có chế tài mạnh hơn trong lý sau thanh tra.

Đối với hoạt động khiếu nại, tố cáo, mặc dù số lượng có giảm, nhưng ông Tranh cho rằng, tính chất vụ việc lại rất gay gắt, phức tạp, thậm chí còn tình trạng đối đầu, có hành vi xâm phạm người thi hành công vụ.

Ông Tranh đề nghị Hà Nội cần thực hiện tốt công tác giải quyết vụ việc theo thẩm quyền, nếu đơn thư của người dân cứ chuyển lòng vòng, sẽ làm dân hi vọng, tiếp tục theo đuổi vụ việc. Nếu các cấp không có tiếng nói chung sẽ không ổn trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Cũng theo Tổng Thanh tra, mới đây Thủ tướng đã chỉ đạo phải giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài trước thời điểm 30/4. Đối với Hà Nội, theo ông Tranh nếu chỉ có 18 vụ tồn đọng phức tạp như báo cáo thì có thể là chưa đủ và còn nhiều hơn.

Ông Tranh cũng đề nghị Hà Nội phải triển khai các giải pháp phòng ngừa và phát hiện tham nhũng bằng thanh tra và kiểm toán.

Mặc dù số vụ việc tồn đọng kéo dài vốn phức tạp, lại không có chế tài cụ thể để xử lý, nhưng Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo hứa sẽ cho rà soát, thống kê lại, và đưa ra các phương án xử lý hiệu quả nhất.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại