Chất lượng bánh trung thu thả nổi
Đợt thanh tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu từ mùng 1-8 âm lịch đến Rằm Trung Thu sẽ nhắm vào 18 tỉnh thành trọng điểm, theo Th.S Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Bộ Y tế.
Mỗi đoàn thanh tra liên ngành tại 18 tỉnh, thành có trách nhiệm lấy 10-20 mẫu bánh trung thu, có đoàn phải lấy 40 mẫu, để kiểm nghiệm. Theo phân công, 3 đoàn thanh tra do Bộ Y tế phụ trách sẽ thanh tra tại Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nghệ An, TPHCM, Cần Thơ, Vĩnh Long.
Một đoàn của Bộ NN&PTNT thanh tra các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, và Đắc Lắc. Một đoàn của Bộ Công Thương sẽ đến Đồng Nai Bình Dương, và Tây Ninh. Một đoàn Bộ KH&CN sẽ kiểm tra các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Quan sát thấy nhiều cơ sở bắt đầu sản xuất bánh từ mùng 1-8 âm lịch, ông Hàn Tự Do – Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, nhận định, phần nào cho thấy tín hiệu tích cực về việc không lạm dụng chất bảo quản để kéo dài tuổi thọ sản phẩm. “Thông thường, bánh dẻo có hạn sử dụng chỉ 7-30 ngày.
Với bánh nướng, hạn dùng dài hơn nhưng không quá 2 tháng. Nếu phát hiện bánh trung thu quá thời hạn nói trên mà vẫn không hỏng, đề nghị người dân báo cơ quan chức năng để tìm nguyên nhân”, ông Do nói.
Từ vụ phát hiện 2 tấn nhân bánh trung thu và trứng muối mang nhãn mác TQ không có giấy tờ xuất xứ trên địa bàn Hà Nội mới đây, có ý kiến cho rằng có thể các nhân bánh không rõ nguồn gốc ấy khi vào cơ sở sản xuất sẽ được hợp pháp hóa hết giấy tờ?
Ông Nguyễn Thanh Phong trả lời: “Người ta có quyền suy luận như vậy nhưng khẳng định có hay không việc gian dối vừa nêu phải dựa vào kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng như công an, quản lý thị trường, thanh tra y tế. Nếu thấy có như vậy, chúng tôi sẽ yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời công khai tên, địa chỉ các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo”.
Ông Phong cũng đề nghị, bên cạnh phê phán các hành vi vi phạm, báo chí cũng cần đưa tin về những cơ sở thực hiện tốt việc bảo đảm ATVSTP để khuyến khích các cơ sở đó và cũng định hướng cho người tiêu dùng đến được với các sản phẩm an toàn.
Kiểm tra đột xuất 3 cơ sở Xuân Đỉnh, Hà Nội
Kiểm tra đột xuất 3 cơ sở thủ công ở Xuân Đỉnh (Từ Liêm - Hà Nội) mới đây, trong đó 2 hộ làm bánh một hộ làm nhân và vỏ bánh, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội chưa thấy dấu hiệu vi phạm. Ở Xuân Đỉnh, bánh trung thu vẫn làm theo truyền thống nên nhân bánh được sản xuất chủ yếu tại chỗ.
Trong số 31 hộ đăng ký ở Xuân Đỉnh năm nay, chỉ 15 hộ làm bánh trong khi 16 hộ làm nhân và vỏ bánh. “Khối lượng nhân bao giờ cũng lớn hơn hẳn vỏ bánh. Đây là nhóm có nguy cơ nhiễm khuẩn cũng như nguy cơ bị lạm dụng hóa chất nhất”, ông Hàn Tự Do nói.
Được hỏi có hay không hiện tượng bánh trung thu chế ở Xuân Đỉnh nhưng lại được đội lốt các hãng bánh lớn, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho hay “Không còn hiện tượng ấy thời gian gần đây”. Ông Cường cũng cho biết, chưa phát hiện chiếc bánh trung thu nào để vài năm vẫn chưa hỏng trên địa bàn Hà Nội.
Liên quan đến lô nhân bánh trung thu Trung Quốc ở KS Hilton, Hà Nội, chúng vẫn chưa được gỡ niêm phong kể từ hôm 25-8, theo Thanh tra Sở Y tế Hà Nội.
Ông Hàn Tự Do, thành viên đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm số 2 của Bộ Y tế, cho hay, đến chiều qua KS Hilton vẫn chưa xuất trình giấy tờ chứng nhận xuất xứ lô nhân bánh trung thu gồm các loại nhân hạt sen, khoai môn, chè xanh, v.v… bị niêm phong tại đợt kiểm tra cuối tuần trước.
Trả lời Tiền Phong qua điện thoại, bà Lê Thị Hồng Hảo - Phó giám đốc Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia, trưởng đoàn kiểm tra, cho biết sẽ trả lời kết quả xét nghiệm các mẫu nhân bánh trung thu mà đoàn thu thập từ đợt kiểm tra.
Theo TienPhong